Cái chết của bà Ginsburg làm đảo lộn cuộc đua tổng thống Mỹ

Nền chính trị Mỹ gặp xáo trộn lớn trước tác động từ sự ra đi của bà Ruth Bader Ginsburg, thẩm phán Tòa án Tối cao, ở thời điểm chưa đầy 2 tháng trước bầu cử tổng thống.

Sự ra đi của thẩm phán Ruth Bader Ginsburg hôm 18/9 lập tức làm đảo lộn nền chính trị Mỹ trong bối cảnh chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra quyết liệt, đồng thời trao cho Tổng thống Trump cơ hội bổ nhiệm thẩm phán thứ 3 vào Tòa án Tối cao chỉ vài tuần trước ngày bầu cử, theo New York Times.

Đảo lộn cuộc đua vào Nhà Trắng

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ, hôm 18/9 khẳng định sẽ tổ chức bỏ phiếu đối với ứng viên thẩm phán do Tổng thống Trump giới thiệu. Tuy nhiên, ông McConnell không làm rõ thời gian tổ chức bỏ phiếu.

Một vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao bị bỏ trống đã làm xáo trộn chiến dịch tranh cử và nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đối đầu giữa Tổng thống Trump và ứng viên Dân chủ Joe Biden.

Diễn biến này cũng sẽ thúc đẩy nỗ lực của ông Trump chuyển hướng dư luận khỏi cách Nhà Trắng xử lý đại dịch Covid-19, đồng thời nhắc nhở các thành viên đảng Cộng hòa tầm quan trọng của việc ông Trump tiếp tục nắm quyền trong 4 năm tới.

Trong khi đó, đảng Dân chủ đứng trước nguy cơ thay đổi cán cân quyền lực tại Tòa án Tối cao theo hướng tạo ra ưu thế tư pháp to lớn cho đảng Cộng hòa.

Nếu Tổng thống Trump thay thế thành công vị trí của bà Ginsburg, một biểu tượng của chủ nghĩa tự do, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ thuộc về phe bảo thủ với 6/9 thẩm phán là người do đảng Cộng hòa đề cử.

 Thượng nghị sĩ McConnell, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại thượng viện Mỹ. Ảnh: AP.

Thượng nghị sĩ McConnell, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại thượng viện Mỹ. Ảnh: AP.

Cái chết của thẩm phán Ginsburg, mặc dù vậy, tạo ra một thách thức lớn với Thượng nghị sĩ McConnell.

Năm 2016, Thượng viện do phe đa số Cộng hòa mà ông McConnell lãnh đạo đã từ chối bỏ phiếu lựa chọn ứng viên vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao khi Tổng thống Obama đề nghị, với tuyên bố việc bổ nhiệm thẩm phán cần diễn ra sau khi cử tri lựa chọn tổng thống mới.

Bước đi này góp phần mang lại thêm sự ủng hộ của cử tri bảo thủ dành cho ông Trump. Sau chiến thắng năm 2016, Tổng thống Trump đã đề cử ông Neil Gorsuch cho vị trí thẩm phán, và được Thượng viện thông qua.

Bất chấp tiền lệ đó, ông McConnell mới đây đã tuyên bố sẽ thúc đẩy việc lựa chọn thẩm phán trên cơ sở đề cử của Tổng thống Trump trước ngày bầu cử. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại thượng viện lập luận tình thế hiện nay khác với năm 2016 khi Nhà Trắng thuộc về phe Dân chủ, còn thượng viện do phe Cộng hòa nắm đa số.

"Người dân Mỹ bầu lại cho đa số Cộng hòa năm 2016, và mở rộng đa số ấy vào năm 2018, bởi chúng tôi cam kết làm việc với Tổng thống Trump, ủng hộ chương trình nghị sự của ông ấy, cụ thể là các đề cử đối với tư pháp liên bang. Một lần nữa, chúng tôi giữ lời hứa ấy. Ứng viên của Tổng thống Trump sẽ được bỏ phiếu ở thượng viện", ông McConnell tuyên bố hôm 18/9.

Phản ứng trái ngược

Trong bức thư gửi tới các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong đêm 18/9, ông McConnell cảnh báo các thượng nghị sĩ không vội vàng đưa ra quan điểm về việc có hay không thúc đẩy bổ nhiệm thẩm phán mới của Tòa án Tối cao.

Một số thành viên đảng Cộng hòa đang đối mặt cuộc chạy đua ghế thượng nghị sĩ khốc liệt và có khả năng chùn bước nếu bị buộc phải bỏ phiếu về việc lựa chọn thẩm phán mới ở thời điểm nhạy cảm hiện nay. Bản thân ông McConnell cũng gặp thách thức lớn tại bang nhà Kentucky.

Ít nhất 2 thượng nghị sĩ Cộng hòa gồm Susan Collins của Maine và Lisa Murkowski của Alaska bày tỏ sự không đồng tình với việc lựa chọn thẩm phán Tòa án Tối cao ngay trước thềm bầu cử tổng thống.

Trong khi đó, 2 thượng nghị sĩ Cộng hòa khác là Lindsey Graham của South Carolina và Charles E. Grassley của Iowa đã thay đổi quan điểm phản đối từng đưa ra trước đó. Hai người này đều im lặng trước thông tin cái chết của bà Ginsburg.

Trong đêm 18/9, phe Dân chủ tuyên bố sẽ kiên quyết chống lại nỗ lực bổ nhiệm thẩm phán mới của Tòa Tối cao trước ngày tổng thống mới nhậm chức, đồng thời yêu cầu phe Cộng hòa tuân theo tiền lệ chính họ đặt ra.

"Người dân Mỹ nên có tiếng nói trong việc lựa chọn thẩm phán tiếp theo của Tòa án Tối cao. Vì vậy, vị trí bị bỏ trống không nên được quyết định tới khi chúng ta có tổng thống mới", Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện, viết trên Twitter.

Tổng thống Trump trả lời phóng viên sau khi biết tin về cái chết của bà Ginsburg hôm 18/9. Ảnh: AP.

Trong một buổi vận động mới đây, Tổng thống Trump từng nhấn mạnh khả năng ông có thể giới thiệu thêm ứng viên vào Tòa án Tối cao, đồng thời cho biết đang cân nhắc một danh sách với 40 ứng viên. Ông Trump thậm chí còn nói đùa về việc sẽ giới thiệu Thượng nghị sĩ Ted Cruz cho vị trí thẩm phán.

Khi biết tin bà Ginsburg qua đời đêm 18/9, Tổng thống Trump dành những lời tốt đẹp về cố thẩm phán.

Trong đăng tải mới nhất trên Twitter hôm 19/9, ông Trump kêu gọi đảng Cộng hòa nhanh chóng chọn ứng viên thay thẩm phán quá cố Ginsburg.

"Đảng Cộng hòa - chúng ta được chọn vào vị trí quyền lực và quan trọng này để quyết định cho những người đã bầu chọn chúng ta một cách tự hào. Điều quan trọng nhất trong những quyết định đó từ lâu là lựa chọn các thẩm phán của Tòa án Tối cao. Chúng ta có nghĩa vụ này, không được chậm trễ", ông Trump viết trên Twitter.

Trong khi đó, đối thủ của ông Trump là ứng viên Dân chủ Biden khẳng định quan điểm người dân nên có tiếng nói trong việc lựa chọn thẩm phán.

"Cử tri nên chọn tổng thống, và tổng thống sẽ chọn thẩm phán để Thượng viện xem xét. Đây là lập trường của Thượng viện Cộng hòa năm 2016, khi đó còn tới hơn 10 tháng trước ngày bầu cử. Đó là lập trường Thượng viện Mỹ nên lựa chọn lúc này, khi chỉ còn 46 ngày là tới cuộc bầu cử", ông Biden nói.

Cựu Tổng thống Obama trong khi đó đã công bố một thông điệp cho biết phe Cộng hòa "đã sáng tạo ra nguyên tắc Thượng viện không nên lựa chọn thẩm phán Tòa án Tối cao cho tới khi tổng thống mới nhậm chức", và trên cơ sở công bằng, Thượng viện cần "áp dụng các nguyên tắc một cách nhất quán" thay vì trên cơ sở lợi ích đảng phái.

Danh sách ứng viên của Nhà Trắng

Nhà Trắng nhiều ngày qua đã âm thầm chuẩn bị danh sách ứng viên để sớm thúc đẩy quy trình bổ nhiệm thẩm phán mới tại Tòa Tối cao, thay vì chờ kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.

Danh sách các ứng viên đang được Nhà Trắng xem xét để lấp vào chỗ trống bà Ginsburg để lại có thẩm phán Amy Barrett của tòa phúc thẩm quận 7 thành phố Chicago, một nhân vật bảo thủ ưa thích mà các cố vấn của ông Trump thường xuyên nhắc tới.

Một số nhân vật khác gồm các thẩm phán Thomas Hardiman của thành phố Philadelphia và William Pryor Jr của thành phố Atlanta. Bên cạnh đó, Thượng nghị sĩ bang Arkansas Tom Cotton và Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley cũng được Nhà Trắng xem xét.

Bà Amy Barrett và ông Thomas Hardiman là hai ứng viên được đánh giá là tiềm năng nhất trong danh sách đề cử vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao. Ảnh: Breitbart.

Các cố vấn Nhà Trắng đánh giá sự ra đi của thẩm phán Ginsburg có thể là một cú hích quan trọng với cơ hội tái đắc cử của ông Trump. Một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng cho biết tên ứng viên cho vị trí thẩm phán sẽ sớm được công bố, Nhà Trắng hy vọng Thượng viện sẽ sớm tổ chức bỏ phiếu thông qua đề cử.

Phe Dân chủ cho rằng việc Tòa Tối cao có một vị trí bỏ trống sẽ thúc đẩy cử tri ủng hộ đảng này tham gia bầu cử, nhưng sẽ không có tác động lớn tới kết quả bởi phe Dân chủ tự tin ông Biden đang áp đảo Tổng thống Trump.

Jennifer Palmieri, giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử năm 2016 của bà Hillary Clinton, cho rằng cử tri phe Dân chủ sẽ bị kích động nếu thượng viện đi ngược lại tiền lệ họ đặt ra, và điều này sẽ khiến phe Cộng hòa mất đa số hiện nay tại Thượng viện.

Đêm 18/9, hàng trăm người ngưỡng mộ bà Ginsburg đã diễu hành tới trụ sở Tòa án Tối cao để bày tỏ tình cảm với thẩm phán 87 tuổi vừa qua đời.

"Thật bi thảm khi suy nghĩ đầu tiên của nhiều người (trước cái chết của bà Ginsburg) là về tác động đối với cuộc bầu cử sắp tới. Chúng ta thậm chí không thể khóc thương tử tế một người phụ nữ đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác, người đã phá vỡ rào cản, tạo ra những tiền lệ quan trọng cho quyền của phụ nữ khắp nước Mỹ và trên thế giới", Massiel Sepulveda, một công dân thủ đô Washington D.C., nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-ba-ginsburg-lam-dao-lon-cuoc-dua-tong-thong-my-post1132973.html