Cái chết chưa lời giải ở Italy
Phim trinh thám 'Án mạng ở Venice' chưa khắc phục được những hạn chế của phần trước. Kịch bản còn an toàn dẫn đến cái kết dễ đoán, ít bất ngờ.
Sau 2 phần thành công thương mại là Án mạng trên tàu tốc hành phương Đông (2017) và Án mạng trên sông Nile (2022), ê-kíp Hollywood tiếp tục đổ tiền làm phần phim thứ 3 về thám tử nổi tiếng Hercule Poirot mang tên Án mạng ở Venice (Tựa quốc tế: A Haunting in Venice).
Lần này, tài tử Kenneth Branagh tiếp tục đóng chính kiêm đạo diễn, sản xuất. Phim vẫn quy tụ dàn sao gồm Jamie Dornan, Tina Fey, Dương Tử Quỳnh,… hứa hẹn tái lập thành công của các phần trước.
Cái chết chưa lời giải ở Italy
Chuyện phim lấy bối cảnh năm 1947, nhiều năm sau những sự kiện ở phần 2. Mong muốn nghỉ hưu, thám tử Poirot (Kenneth Branagh) quyết định dành thời gian để tận hưởng cuộc sống yên bình ở Venice (Italy).
Bất ngờ, ông gặp lại bạn cũ là nhà văn Ariadne Oliver (Tina Fey), sau đó được mời dự tiệc Halloween tại dinh thự của một ngôi sao opera hết thời. Giữa nơi được đồn đoán là bị ma ám, mọi người chứng kiến màn gọi hồn kỳ lạ, liên quan đến nữ tiểu thư đã chết một năm trước.
Sau đó, nhiều chi tiết được hé lộ cho thấy cô không tự tử mà bị sát hại. Đồng thời, một án mạng khác cũng xảy ra trong lâu đài mà chưa rõ nguyên do. Tình thế buộc Poirot một lần nữa phải ra tay phá án khi ai cũng tin rằng có ma quỷ đứng sau.
Đến phần 3, khán giả gần như đã quen với tính cách của Poirot - nhân vật thám tử nổi tiếng trong loạt tiểu thuyết trinh thám do nhà văn Agatha Christie sáng tạo.
Đạo diễn kiêm nam chính Kenneth Branagh cũng biết rõ điều đó nên không đi vào giới thiệu dài dòng. Ông chọn cách dẫn nhập ngắn gọn, nhanh chóng đưa người xem “tham gia” vào vụ án mạng kỳ lạ, nhuốm màu sắc siêu nhiên.
Đảm nhận phần kịch bản vẫn là Michael Green – người từng thực hiện 2 phần trước. Dựa trên tiểu thuyết Hallowe'en Party (1969) của Agatha Christie, biên kịch thêm thắt nhiều chi tiết, có những sáng tạo riêng để làm mới câu chuyện.
Tuy nhiên, kịch bản giữ nguyên công thức phần trước khi thám tử Poirot phải tìm cách phá án trong một không gian kín. Số lượng nhân vật phụ vẫn đông đảo như một cách để tung hỏa mù, khiến người xem khó đoán được ai thực sự là kẻ thủ ác.
Chuyển hướng nhưng chưa đủ đô
So với 2 phần trước, ê-kíp thay đổi hướng đi bằng cách lồng ghép yếu tố kinh dị, siêu nhiên vào cốt truyện trinh thám. Lựa chọn này cũng phù hợp với thời điểm phát hành phim khi mùa Halloween đang rục rịch đến gần.
Đạo diễn không sa đà vào việc hù dọa, nhát ma khán giả. Yếu tố kinh dị chỉ làm nền cho hành trình phá án của nhân vật chính. Các màn jump-scare được tiết chế, cảnh rùng rợn cũng không quá đáng sợ. Do đó, khán giả trông đợi vào một bộ phim kinh dị nặng đô có thể sẽ phải thất vọng.
Với kinh phí lên đến 60 triệu USD, ê-kíp tiếp tục đầu tư mạnh về phần hình ảnh. Trang phục lẫn bối cảnh đều được chăm chút, lột tả được không khí hoài cổ của thập niên 1940.
So với sông Nile rộng lớn ở phần trước, thành phố kênh đào ở Italy hiện lên đầy bí ẩn và ma mị. Đặc biệt, bối cảnh dinh thự cổ là điểm nhấn. Từ tầng hầm đầy mạng nhện đến hành lang tăm tối đều toát lên vẻ tăm tối, tăng thêm phần hồi hộp cho phim.
Cái kết vẫn dễ đoán
Điểm hấp dẫn nhất của một bộ phim trinh thám chính là cái kết khó lường, thậm chí đi ngược suy nghĩ của người xem. Đáng tiếc, cả 3 phần phim về thám tử Poirot do Kenneth Branagh đóng chính đều chưa đạt được điều này.
Ở nửa đầu phần 3, các tình tiết được cài cắm tương đối tốt. Nhưng càng về cuối, biên kịch càng đuối sức và chưa thể tạo ra những tình huống hóc búa. Các cú twist cũng không phát huy được hiệu quả, ít khiến người xem bất ngờ.
Diễn xuất của dàn sao ở mức tròn vai. Lần thứ 3 hóa thân Poirot, tài tử Kenneth Branagh thấu hiểu và thể hiện rõ nét tính cách của nhân vật. Ông giữ được sự duyên dáng trong diễn xuất, đồng thời tạo cảm giác thân thuộc với khán giả yêu thích loạt phim.
Các diễn viên phụ có ít đất diễn nên chưa thể tỏa sáng. Đặc biệt, Dương Tử Quỳnh là ngôi sao được giới thiệu nhiều nhưng chỉ xuất hiện thoáng qua, không ấn tượng.
Khi ra mắt, Án mạng ở Venice nhận đánh giá tương đối tốt từ giới chuyên môn lẫn khán giả. Phim nhận chứng chỉ “Tươi” trên Rotten Tomatoes với 79% bình chọn từ phê bình và 6.8/10 điểm trên IMDb.
Phần lớn đánh giá phim có đầu tư nhưng kịch bản chưa hấp dẫn. Ê-kíp vẫn lặp lại chính mình, chưa có nhiều sáng tạo mang tính đột phá. Điều đó dẫn đến thành tích phòng vé không quá bùng nổ, chỉ thu về hơn 5,5 triệu USD trong tuần mở màn ở thị trường nội địa.
Nhìn chung, Án mạng ở Venice vẫn là một tác phẩm đảm bảo tính giải trí. Ê-kíp cũng có nỗ lực thay đổi để làm mới nhưng chưa thể khắc phục được những hạn chế của 2 phần trước.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cai-chet-chua-loi-giai-o-italy-post1569952.tpo