Cải cách và phát triển VN: Liên tục Cải cách và Hành động mạnh mẽ

Hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%/năm.

Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới.

Đó là kết quả lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của chúng ta trong suốt 30 năm đổi mới.

Kinh tế tư nhân nội địa phải là xương sống

Theo các chuyên gia, với Việt Nam, kinh tế tư nhân nội địa phải là xương sống của nền kinh tế; nước ta hoàn toàn đạt được mục tiêu phát triển nhanh nhưng bền vững nếu sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất hướng đến xanh… Việt Nam phải tăng năng suất, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng tăng năng suất phải ở cả 3 cấp độ: quốc gia, ngành và doanh nghiệp.

Ông K.Yogeesvaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và hàng hóa Malaysia, trưởng nhóm soạn kế hoạch 5 năm 2016- 2020 của Malaysia, cho biết, nước này phải mất 27 năm để từ nước thu nhập thấp thành nước có thu nhập trung bình và 23 năm để từ nước thu nhập trung bình thành nước có thu nhập cao.

Một trong những bài học mà ông K.Yogeesvaran lưu ý là, phải đầu tư xứng đáng vào nguồn lực con người, xem xét cân đối giữa ngành sản xuất và dịch vụ, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các khu vực, đảm bảo bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, đảm bảo mọi người dân được hưởng lợi từ tăng trưởng…

Đặc biệt, phải giải quyết vấn đề năng suất ở cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp quan trọng nhất; tìm lĩnh vực cần tập trung đầu tư chứ không dàn trải... “Nếu muốn đi xa hơn trong chuỗi giá trị thì khu vực tư nhân là quan trọng nhất, trong khi khu vực nhà nước phải minh bạch và có hiệu quả”, ông K.Yogeesvaran chia sẻ.

Tạo sân chơi công bằng, minh bạch

Chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam chưa thực sự thông thoáng, công bằng, minh bạch; cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế vẫn diễn ra.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (PCI 2018): 45% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn doanh nghiệp trong nước; 37% doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển tư nhân trong nước; FDI được hưởng ưu đãi về thuế lớn.

Thị trường đất đai nông nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp tồn tại nhiều bất cập, như quy mô đất nông nghiệp của các hộ nông nghiệp ít thay đổi, nhỏ lẻ, manh mún, gây nhiều khó khăn cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển lớn.

Ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ), nguyên Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, cho rằng, Việt Nam cần lưu ý một số điểm chính trong thực hiện cải cách thể chế pháp quyền trong giai đoạn tiếp theo. So với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp bởi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng nói, hoạt động xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm.

Ông Dollar lưu ý Việt Nam cần tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, mở cửa ngành tài chính như đã làm đối với ngành sản xuất chế tạo. So với các nước ASEAN và Trung Quốc, chỉ số thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khá tốt.

Việc Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt so với các quốc gia cùng nhóm thu nhập bình quân đầu người có thể là cơ sở tốt để Việt Nam thu thú thêm đầu tư nước ngoài. Để cải thiện thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng cao và thu hút đầu tư hiệu quả tốt. Để làm được điều này, buộc Việt Nam phải có cải cách mạnh mẽ, ngay cả Mỹ muốn duy trì tăng trưởng tốt vẫn phải liên tục thực hiện cải cách.

Phải cải cách táo bạo

Dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 30 năm đổi mới nhưng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi nhanh chóng của thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi từng ngày, từ sự giảm tốc của kinh tế thế giới, những tác động của biến đổi khí hậu và cả xu thế phi toàn cầu hóa đang lan rộng…

Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, nhận định, ở thời điểm hiện tại, mô hình kinh tế của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm dân số già hóa nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, riêng việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã là “một thách thức lớn” với Việt Nam.

Câu trả lời là buộc phải cải cách. “Dù Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của mình, vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro của mình”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Những cải cách táo bạo đó chính là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng đầy đủ, hiện đại và hội nhập; chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa vào đổi mới sáng tạo.

Hành động và hành động

Thủ tướng tham dự Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019.

Thủ tướng tham dự Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019.

Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển 2021-2030 trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó lường của thế giới, trong đó có chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu... Tình hình đó đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng, tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát huy nguồn nhân lực.

Thứ nhất, phải giữ gìn môi trường hòa bình, giữ vững ổn định chính trị xã hội để phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, thực hiện đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại, hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

Thứ ba, phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, thúc đẩy khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển.

Tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho nền giáo dục quốc gia. Chỉ có con đường học tập con trẻ mới hiện thực hóa ước mơ của mình, tiếp nối ước mơ còn dang dở của cha ông.

Thứ tư, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu và khả năng thích ứng cao, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 thịnh vượng đến mọi nhà, không ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ năm, mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện hiệu quả các hiệp định FTA đã ký, tiếp tục tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn. Nhìn rộng ra, phải chăng đây là phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao quốc lực, tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.

D.T

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/cai-cach-va-phat-trien-vn-lien-tuc-cai-cach-va-hanh-dong-manh-me-post30805.html