Cải cách tư pháp tại Tòa án: Nơi người dân tiếp cận công lý

Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ thẩm quyền TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ này, khâu cải cách tư pháp phải xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án.

Những năm qua, đặc biệt là năm 2019, cải cách tư phápcủa ngành Tòa án thể hiện trên nhiều phương diện, nhưng nổi bật nhất vấn là đổi mới các phiên tòa xét xử, ban hành và công bố án lệ, công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử… đã thu được những kết quả nhất định.

Các phiên tòa cải cách tư pháp

Hiến pháp 2013 đã quy định, TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp pháp lý. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đó, Tòa án được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc mang tính đặc thù, hiến định cụ thể tại Điều 103. Theo đó, các nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được tiếp tục ghi nhận và phát triển ở mức cao hơn, chính xác hơn.

 Luật sư tranh tụng tại phiên tòa

Luật sư tranh tụng tại phiên tòa

Quán triệt tinh thần này, những năm qua, TANDTC đã tổ chức các hội nghị quán triệt và thi hành Hiến pháp năm 2013, triển khai thực hiện các quy định của các đạo luật về tố tụng tư pháp mới được sửa đổi, bổ sung trong toàn hệ thống; đồng thời chỉ đạo các Tòa án tổ chức các phiên tòa bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng.

TANDTC cũng đã quán triệt các Thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm để các bên thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng của họ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là nghĩa vụ chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ án, các vấn đề pháp lý tranh chấp cần giải quyết trong vụ án. Phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở pháp luật và các tình tiết, chứng cứ, lập luận đã được kiểm tra, xem xét, kết luận toàn diện, đầy đủ tại phiên tòa.

Yêu cầu các Thẩm phán cần nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện đầy đủ thẩm quyền tố tụng của mình trong việc yêu cầu điều tra bổ sung; thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội; khởi tố vụ án tại phiên tòa; kiến nghị để khắc phục các sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hay kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước khắc phục những hạn chế, thiếu sót là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Qua các phiên tòa xét xử thấy rằng nguyên tắc đảm bảo tranh tụng được áp dụng triệt để, tạo ra được bầu không khí thật sự dân chủ, khách quan, góp phần rất quan trọng trong việc Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng oan sai. Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC tại Quốc hội vừa qua cũng cho thấy, các cấp Tòa án đã áp dụng triệt để tinh thần đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận không chỉ ở các phiên tòa xét xử hình sự mà được áp dụng đối với cả các phiên tòa xét xử dân sự, hành chính.

Án lệ có vai trò không thể thiếu trong hệ thống tư pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu, viện dẫn án lệ sẽ giúp cho Tòa án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử rất quan trọng trong thời điểm hiện nay. Thời gian qua, công tác nghiên cứu ban hành và áp dụng án lệ được TANDTC triển khai tích cực, hiệu quả. Sơ kết 03 năm thực hiện nhiệm vụ này cho thấy, năm 2019, TANDTC công bố mới 13 án lệ, nâng tổng số án lệ đã được công bố là 29 án lệ. Tính đến ngày 30/9/2019, đã có 509 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.

TANDTC quán triệt TAND các cấp, các đơn vị thuộc TANDTC có liên quan thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ rà soát, phát hiện, bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ. Hàng năm, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, TAND cấp cao, các đơn vị thuộc TANDTC có liên quan phải đề xuất ít nhất 01 bản án, quyết định là nguồn để phát triển án lệ.

Quán triệt chủ trương chung của lãnh đạo TANDTC, mới đây, Nhóm nghiên cứu về án lệ Việt Nam cũng đã kiến nghị TANDTC đưa nội dung về đề xuất phát triển án lệ thành một nội dung thi đua trong toàn hệ thống Tòa án; kịp thời khen thưởng các Thẩm phán có bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ; khen thưởng xứng đáng đối với các tập thể, cá nhân trong và ngoài hệ thống Tòa án có nhiều đề xuất bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ…

Nơi người dân tiếp cận công lý

Cùng với ban hành và áp dụng án lệ, việc công khai bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án là một bước chuyển biến quan trọng của hệ thống TAND, trọng góp phần nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện tốt mục tiêu cải cách tư pháp.

Từ khi Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn về việc đăng tải các bản án, quyết định lên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án đến nay đã có hàng triệu lượt truy cập vào trang để đọc các bản án cũng như tìm hiểu các thủ tục tố tụng tại Tòa án.

Phiên tòa xét xử vụ án Mobifone mua AVG

Trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định: một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Tòa án là đảm bảo quyền con người, quyền công dân, và đảm bảo để người dân được tiếp cận công lý. Việc công khai bản án đã gián tiếp đảm bảo quyền con người khi Tòa án đã cụ thể hóa những quyền này một cách thiết thực và hiệu quả. Thông qua việc các bản án, quyết định của Tòa án được đăng tải sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người dân tiếp cận công lý. Người dân sẽ được biết kết quả xét xử những vụ án nghiêm trọng, những vụ, việc nổi cộm mà xã hội quan tâm; qua đó, sẽ có những đóng góp, góp ý đối với công tác xét xử của Tòa án,.

Có thể thấy rằng, công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử là giải pháp mà TANDTC mới triển khai thực hiện, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Giải pháp này nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các Thẩm phán, tăng tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. Khi các bản án được công khai, Hội đồng xét xử và cá nhân Thẩm phán sẽ phải cẩn trọng hơn đối với bản án nói riêng và cả hoạt động tố tụng nói chung; giúp các Thẩm phán không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Năm 2019 và những năm gần đây, việc tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các Thẩm phán được TANDTC tiến hành thường xuyên. Các hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ đã trang bị cho lãnh đạo, Thẩm phán, cán bộ Tòa án các cấp những kỹ năng cần thiết trong công tác xét xử, công bố bản án, lựa chọn án lệ…

Đặc biệt, Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 do Chánh án TANDTC ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng về sự liêm chính trong cán bộ công chức Tòa án. Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử này đã hệ thống những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, tăng cường liêm chính tư pháp.

Hoạt động xét xử là hoạt động "với con người" và "vì con người", do đó đòi hỏi Thẩm phán phải hành xử một cách đúng mực, đúng pháp luật, tôn trọng con người. Phán quyết của Tòa án nhân danh quyền lực Nhà nước, vừa tạo ra chuẩn mực pháp lý, vừa tạo ra chuẩn mực đạo đức cho xã hội. Thẩm phán phải xem xét, đánh giá sự việc một cách cẩn trọng, đặt ra trong hoàn cảnh cụ thể trên nền tảng đạo đực xã hội để ra bản án thấu tình, đạt lý, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.

Chất lượng xét xử của đội ngũ Thẩm phán đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo sự công bằng, liêm chính, minh bạch, của hệ thống Tòa án. Bởi vậy, sự ra đời của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử Thẩm phán là một chuẩn mực mà tất cả các Thẩm phán Tòa án phải tuân thủ được đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác xét xử là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi trình độ và độ chính xác cao, và lượng án gia tăng như hiện nay là áp lực không nhỏ đối với các Thẩm phán. Vậy nên, lãnh đạo TANDTC cần có thêm những giải pháp hỗ trợ kịp thời để các cán bộ Tòa án hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

LS. Nguyễn Quang Anh

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/cai-cach-tu-phap-tai-toa-an-noi-nguoi-dan-tiep-can-cong-ly-329708.html