Cải cách tư pháp nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân

Theo TS Đỗ Xuân Lân, 'cải cách tư pháp chính là quá trình đề cao quyền con người quyền công dân trong hoạt động tư pháp, coi con người là chủ thể là nguồn lực chủ yếu và là mục đích của sự phát triển'.

Ngày 21-9, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phổ biến các chủ trương, quan điểm mới về cải cách tư pháp được thể hiện trong các bộ luật, luật mới. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp, cùng đội ngũ báo cáo viên pháp luật TP, quận, huyện, thị xã đã về dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe TS Đỗ Xuân Lân - Chánh Văn phòng Đảng, Đoàn thể, Bộ Tư pháp thông tin về những chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và quá trình thể chế hóa trong các văn bản luật mới được ban hành.

Nhấn mạnh “cải cách tư pháp chính là quá trình đề cao quyền con người quyền công dân trong hoạt động tư pháp, coi con người là chủ thể là nguồn lực chủ yếu và là mục đích của sự phát triển”, TS Đỗ Xuân Lân cho biết đã có hơn 70 luật, bộ luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án và các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp đã được sửa đổi một cách toàn diện hoặc ban hành mới.

Tiêu biểu như các luật về tổ chức tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, các bộ luật rường cột của hệ thống pháp luật – Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, các luật, bộ luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; các luật liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp – Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…

TS Đỗ Xuân Lân: "Cải cách tư pháp chính là quá trình đề cao quyền con người quyền công dân trong hoạt động tư pháp"

Việc hoàn thiện chính sách trong các luật nói trên đã thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn những chủ trương, định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của việc thực hiện quyền tư pháp đã được quy định tại Hiến pháp 2013. Chẳng hạn, việc hoàn thiện pháp luật hình sự trong Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm 2015 và năm 2017 đã hướng tới nâng cao tính nhân đạo, hướng thiện và bảo vệ quyền con người trong việc xử lý người phạm tội.

Hay để hiện thực hóa quy định “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” của Hiến pháp năm 2013 - các luật, bộ luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và các luật về tổ chức tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra đã bổ sung và cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng thông qua các quy định về trách nhiệm pháp lý và quy trình, thủ tục buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo việc tranh tụng dân chủ, công khai trong mọi giai đoàn của quá trình thực hiện quyền tư pháp…

Về phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018, TS Đỗ Xuân Lân cho biết, cần quán triệt, tổ chức thực hiện tốt các đạo luật liên quan đến cải cách tư pháp như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam… Tích cực triển khai nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng và sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2018 của Quốc hội.

Cùng với đó, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư, bổ trợ tư pháp”; Thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức…

Trên cơ sở những nội dung được báo cáo viên trao đổi, Hội nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về địa phương nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Góp phần tạo chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp. Đồng thời, triển khai đồng bộ, sâu rộng, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp đến cán bộ công chức và Nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức trách nhiệm trong các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cai-cach-tu-phap-nham-bao-ve-tot-hon-quyen-con-nguoi-quyen-cong-dan-122662.html