Cải cách tiền lương: Tăng lương thế nào để nợ công không tăng?

Dự báo việc cải cách chính sách tiền lương sẽ tạo áp lực lớn lên cân đối ngân sách nhà nước và khả năng phải chấp nhận bội chi ngân sách, nợ công những năm đầu ở mức cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị vừa điều chỉnh lương, vừa tích lũy nguồn…

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thảo luận về cải cách chính sách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, trong các số liệu của đề án, khi thực hiện chính sách này vào năm 2021, Bộ Tài chính đề xuất theo phương án 1 sẽ mất 140.000 đến 200.000 tỷ đồng, tương đương 51-61% chi thường xuyên và 35-38% chi ngân sách.

“Đây là một khoản rất lớn nên chúng ta cần cân nhắc. Đề nghị đề án nói rõ hơn về nguồn chi” - Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Nêu ý kiến về vấn đề quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích: Nếu năm 2021 thực hiện đồng thời tăng lương thấp nhất lên 4.140.000đồng/tháng và kết hợp điều chỉnh quan hệ tiền lương, thì mức tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được tăng sớm hơn. Lúc này, tăng bình quân từ 26-42% so với năm 2020.

“Việc này có khả năng tạo áp lực lớn lên cân đối ngân sách nhà nước và khả năng phải chấp nhận bội chi ngân sách, nợ công những năm đầu ở mức cao” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói. Do vậy, để xử lý cả yêu cầu về cải cách tiền lương và cân đối ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị có thể nghiên cứu thêm phương án thực hiện đồng thời điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất và quan hệ tiền lương.

“Tức là năm 2021 điều chỉnh mức lương thấp nhất đạt 4.140.000đ/tháng, đồng thời tích lũy thêm nguồn để thực hiện mở rộng quan hệ tiền lương vào các năm sau” - Bộ trưởng nói và cho biết, Bộ Tài chính nhất trí với Dự thảo đề án, trong đó chỉ nêu những định hướng cơ bản mà không ghi cụ thể lộ trình thực hiện.

Liên quan đến các giải pháp tài chính, ngân sách tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương cho biết, cần thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, về phát triển kinh tế tư nhân, về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; về quản lý nợ công. Đồng thời, phải cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước ở mức phù hợp.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hằng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương còn dư hằng năm sẽ phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho các năm sau, không sử dụng vào mục đích khác khi không được cấp có thẩm quyền cho phép.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, phải cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước gắn với cải cách tiền lương, cơ cấu lại chi một số lĩnh vực sự nghiệp công gắn với việc điều chỉnh giá, phí đối với các dịch vụ sự nghiệp công; Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị; khoán các chế độ ngoài lương (xe ô tô, nhà ở, khám chữa bệnh...);

Một trong những biện pháp bổ sung để tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương, đó là đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng Nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một giải pháp đặc biệt quan trọng không thể không thực hiện ngay, đó là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn liền với lộ trình cải cách tiền lương.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201805/cai-cach-tien-luong-tang-luong-the-nao-de-no-cong-khong-tang-602521/