Cải cách tiền lương - Quan trọng là tạo nguồn!

Câu chuyện một cô giáo mầm non sau 37 năm công tác khi về hưu nhận mức lương chưa đến 1,3 triệu đồng… đang đặt ra vấn đề cải cách tiền lương, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) như thế nào để đảm bảo đời sống cho người lao động cả khi làm việc và nghỉ hưu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công vừa làm việc với một số bộ, ngành để khảo sát cải cách tiền lương. Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng để cải cách tiền lương là tạo nguồn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH làm rõ sự cần thiết, mục tiêu của tiền lương tối thiểu, các căn cứ xác định, điều chỉnh mức lương tối thiểu và căn cứ, quy chuẩn để xác định mức sống tối thiểu. Đồng thời, xem xét có cần thiết luật hóa hay xây dựng một luật riêng về mức lương tối thiểu hay không.

“Muốn cải cách tiền lương, phải xác định được vị trí việc làm của công chức, xác định ở vị trí đó làm những việc gì, việc đó tương xứng với chi trả cho công sức là bao nhiêu” là quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi.

Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, phải cải cách tiền lương theo hướng trả lương cho vị trí việc làm. ẢNH: P.THẢO

Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, phải cải cách tiền lương theo hướng trả lương cho vị trí việc làm. ẢNH: P.THẢO

Ông Lợi cho rằng, tiền lương trả cho người lao động đầu tiên phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đảm bảo tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng, sau đấy tăng bao nhiêu căn cứ vào tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác.

Trong thực tiễn, ông Lợi cho hay, lương công chức có tốc độ tăng tương đối tương đồng với năng suất lao động, điều này rất nguy hiểm cho nền kinh tế, nên phải sắp xếp sao cho bộ máy tinh gọn. Bên cạnh đó, hiện vẫn có những cơ quan, đơn vị, lĩnh vực có tốc độ tăng lương bình quân cao hơn tăng năng suất lao động. Trong khi lẽ ra những người làm cùng vị trí việc làm thì phải được trả lương ngang nhau, cho cả nam và nữ, kể cả được đào tạo hay không, năng lực thế nào, nhưng ở cùng vị trí thì phải được trả lương ngang nhau.

“Hiện đang có chuyện việc hoàn thành nhiệm vụ thấp, ở vị trí thấp nhưng tiền lương lại cao hơn vì chúng ta quá nặng thâm niên. Có những người ở vị trí bình thường nhưng lương lại cao hơn người làm ở vị trí cao hơn”, ông Lợi cho biết. Vì vậy, phải cải cách bộ máy, tổ chức, sau khi cải cách được bộ máy, tổ chức, thì mới có điều kiện để cải cách tiền lương.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng cho rằng, phải đặt cải cách chính sách tiền lương của công chức hành chính Nhà nước với việc cải cách bộ máy hành chính. Từ năm 1960 đến nay chính sách tiền lương đã trải qua 3 lần cải cách lớn với hàng chục lần điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu.

Tuy vậy, số thang bảng ngạch bậc lương công chức hành chính còn nặng về bằng cấp, thâm niên, chưa theo yêu cầu công việc hoặc chức vụ đảm nhận, hệ số giãn cách giữa các bậc lương còn thấp, làm giảm hiệu quả của hệ số lương và làm tăng tính bình quân trong trả lương, giảm tính kích thích của tiền lương đối với công chức.

Mức lương công chức hành chính được tính toán trên cơ sở tiền lương tối thiểu nên bảng lương của khu vực hành chính thấp hơn so với mức bình quân chung của lương trên thị trường. Do đó, chưa phản ánh được giá trị cống hiến của người lao động có chuyên môn, kĩ thuật cao. Việc có quá nhiều loại phụ cấp vừa không bù đắp hao phí sức lao động tăng thêm, vừa không công bằng đối với công chức hành chính trong cùng hệ thống chính trị.

“Phải mạnh dạn đổi mới cải cách thang, ngạch, bậc lương theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, tăng hệ số giãn cách giữa các bậc lương, hoàn thiện các loại phụ cấp, trong đó chú trọng phụ cấp ngành nghề, chuyên môn kỹ thuật cao, phụ cấp chức vụ để khuyến khích, tạo động lực cho công chức phấn đấu và thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước”, ông Bình nói.

Cả nước có 3.228 người đang hưởng lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở Tại Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10-2017 vừa được BHXH Việt Nam tổ chức, bà Đinh Thu Hiền, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH cho biết, hiện không chỉ riêng trường hợp cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, mà còn rất nhiều người phải nhận mức thấp hơn. Cụ thể, hiện cả nước có 3.228 người đang hưởng lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cai-cach-tien-luong-quan-trong-la-tao-nguon-106647.html