Cải cách tiền lương(*): Cán bộ, công chức phải sống được bằng lương!

Mức lương tương xứng với công sức, năng lực, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ yên tâm phục vụ, cống hiến; các tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập sẽ giữ được người tài

Đề án "Cải cách chính sách tiền lương (CSTL) đối với cán bộ (CB), công chức (CC), viên chức (VC), lực lượng vũ trang và người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp (DN)" nhận được sự quan tâm của số đông người làm công ăn lương. Đa số các ý kiến đều cho rằng việc cải cách CSTL là cần thiết.

Chân trong chân ngoài

Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM), thực tế hiện nay, có một số CB, CC đứng "chân trong chân ngoài", họ làm việc trong khu vực nhà nước nhưng vẫn đứng sau một DN hoặc điều hành DN hoặc tư vấn cho DN… Tất cả đều biện minh tiền lương ít, phải làm thêm để lo cho gia đình.

Việc được hưởng mức lương, thưởng xứng đáng sẽ tạo môi trường làm việc tốt hơn để CB, CC ra sức phục vụ, cống hiến. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

"Hiện nay, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu, chưa phù hợp năng suất làm việc của CB, CC, VC và NLĐ nên không khuyến khích được họ phát huy hết khả năng, gắn bó, cống hiến và tận tâm với công việc. Điều này dẫn đến hệ quả tiêu cực là người hưởng lương không sống được bằng lương, tình trạng thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều ngành nghề, vị trí công tác, chức vụ ngày càng cao, phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước.

Nghiêm trọng hơn là các đối tượng tạo thu nhập từ các hành vi vi phạm pháp luật. Việc cải cách CSTL là vấn đề thiết yếu, phải được đặt lên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Khi được hưởng mức lương, thưởng xứng đáng, CB, CC, VC, NLĐ sẽ yên tâm hơn về mặt kinh tế trước những vấn đề phát sinh trong đời sống, môi trường làm việc cũng sẽ tốt hơn. Điều này còn giúp nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập giữ được người tài, tạo được lòng tin của người làm việc đối với nhà nước, từ đó ra sức phục vụ mục tiêu phát triển chung cũng như gắn bó lâu dài với đơn vị" - LS Hậu phân tích.

LS Hậu cũng đề xuất bên cạnh việc cải cách CSTL thì vấn đề chế tài đối với những hành vi vi phạm pháp luật (tham nhũng, lạm dụng chức quyền để tư lợi…) cũng phải rõ ràng và có biện pháp xử lý đúng người đúng tội.

Trả lương tương xứng với năng lực

Nói về tiền lương CB, CC cấp xã phường hiện nay, nhất là CB không chuyên trách, ông Nguyễn Phước Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM), thừa nhận rất thấp dù khối lượng công việc ở cơ sở rất lớn nên đã không tạo động lực để CB, CC phát huy hết năng lực... Cải cách CSTL để có thể sống được bằng lương, CB, CC sẽ toàn tâm toàn ý làm việc, tiêu cực sẽ giảm, hiệu quả công việc sẽ tốt hơn.

Còn theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP HCM, bất cập về CSTL vừa qua đã làm cho đội ngũ CB, CC, NLĐ có nhiều băn khoăn, nhất là lực lượng làm việc ở ngành giáo dục, y tế. "Cải cách CSTL làm sao để đội ngũ CB, CC, VC được nâng lương theo đúng đề án việc làm, được trả lương theo đúng công việc mà họ đã bỏ công sức ra làm và bảo đảm được đời sống. Tiền lương phải nuôi được ít nhất 1 người thân trong gia đình CB, CC, VC, NLĐ. Khi đã sống được với đồng lương, họ sẽ liêm khiết trong quá trình thực hiện chức trách công việc" - bà Nhung nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-5

Trường Hoàng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/cai-cach-tien-luong-can-bo-cong-chuc-phai-song-duoc-bang-luong-20180509204828856.htm