Cải cách thuế toàn cầu nhằm vào các thiên đường thuế

Các nước trên thế giới bị thất thu hơn 427 tỷ USD tiền thuế mỗi năm bằng các chiêu né thuế hợp pháp của các cá nhân và tập đoàn quốc tế.

Báo cáo của Mạng lưới Bình đẳng về thuế, trụ sở tại Anh, cho biết các nước trên thế giới bị thất thu hơn 427 tỷ USD tiền thuế mỗi năm bằng các chiêu né thuế hợp pháp của các tập đoàn quốc tế và cá nhân. Trong đó, 245 tỷ USD là thất thoát thuế từ các doanh nghiệp và 182 tỷ USD là thất thoát thuế từ cá nhân.

Thay đổi cuộc chơi

Hôm 5/6, nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến (G7) đã đồng ý mức thuế thu nhập tối thiểu mà các tập đoàn lớn toàn cầu phải trả là 15%. Thỏa thuận này nhằm mục đích đóng lại những kẽ hở mà các công ty đa quốc gia đã khai thác để giảm hóa đơn thuế, đảm bảo họ phải trả nhiều tiền hơn ở các quốc gia nơi họ hoạt động.

Các quốc gia giàu có đã vật lộn trong nhiều năm để đồng thuận cách tăng thuế các công ty đa quốc gia lớn. Những công ty này thường ghi nhận lợi nhuận trong các khu vực pháp lý miễn thuế hoặc thuế thấp. Ước tính, tỷ lệ lợi nhuận từ nước ngoài của các công ty đa quốc gia Mỹ tại các thiên đường thuế đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000, lên 63% vào năm 2018, trong khi các công ty này chỉ có 5% nhân viên ở những địa điểm đó.

Thu nhập từ thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ và dự báo, từ năm 2000 đến năm 2031 (tính theo tỷ đôla). Biểu đồ của Statista.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ban đầu đề xuất mức thuế tối thiểu toàn cầu là 21%, nhưng sau các cuộc đàm phán khó khăn, G7 đã đi đến thỏa hiệp ở mức 15%.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết sự kiện này là "cam kết quan trọng, chưa từng có tiền lệ", và sẽ có tác dụng chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" về thuế trên toàn cầu. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng thỏa thuận là "tin xấu với các thiên đường thuế trên khắp thế giới". Theo ông, các công ty sẽ không còn có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách đặt lợi nhuận ở các quốc gia có mức thuế thấp nhất.

Tuy nhiên, để đạt tới đích cải cách hệ thống thuế toàn cầu, thỏa thuận phải được mở rộng hơn nữa. Hiện còn nhiều điều chưa được quyết định trong các cuộc đàm phán toàn cầu quy mô lớn hơn đang được tiến hành giữa 139 quốc gia tại OECD ở Paris. Rào cản đầu tiên mà thỏa thuận của G7 phải đối mặt là giành được sự ủng hộ của nhóm các quốc gia G20, nhóm sẽ nhóm họp tại Venice vào tháng tới. Nếu thành công, đó sẽ là sự cải tổ quan trọng nhất đối với cấu trúc thuế quốc tế, đồng thời ngăn chặn được nguy cơ xảy ra hỗn loạn.

Điều quan trọng hơn, nếu sự đồng thuận nhận được sự hưởng ứng rộng hơn, các thiên đường thuế sẽ rất khó chống đối lại. Đa số các nền kinh tế lớn không muốn các doanh nghiệp chuyển lợi nhuận sang các nước đánh thuế thấp bất kể hoạt động kinh doanh của họ diễn ra ở đâu. Việc chuyển lợi nhuận này giúp các tập đoàn không phải trả thuế cao như ở quê nhà hoặc ở những nơi mang về cho họ nhiều doanh thu nhất.

Theo OCED, nếu các quốc gia đạt được sự đồng thuận, các chính phủ vẫn có thể áp bất cứ mức thuế doanh nghiệp nào mà họ muốn trên lãnh thổ của mình. Nếu các doanh nghiệp trả mức thuế thấp hơn, giới chức nước sở tại có thể tăng thuế để bù lại. Việc điều phối một mức thuế tối thiểu trên toàn cầu sẽ làm giảm bớt những chiêu trò gian dối, khiến cho các doanh nghiệp không thể dựa vào các thiên đường thuế như trước nữa.

Tổng thu nhập từ thuế và các đóng góp xã hội, EU-27 (màu xanh) và EA-19 (màu tím) trong khoảng thời gian 1995-2019. Trong năm 2019, thu nhập từ thuế ở EU đạt mức 41,1% GDP và chiếm 89,2% tổng thu nhập chính phủ. Biểu đồ của Eurostat

Ai được hưởng lợi?

Thực tế lâu nay, các nước nghèo và giàu đều muốn xử lý tình trạng né thuế, nhưng do thiếu tiền mặt và nhân sự nên các nước nghèo khó tham gia đàm phán hơn. Mặc dù chiếm 22% số nước tham gia đàm phán, các quốc gia có thu nhập thấp lại chỉ chiếm 5% tổng số đại biểu dự các cuộc họp quan trọng. Những hạn chế đó cũng xảy ra với năng lực quản lý thuế và né tránh chính sách.

Tuy nhiên, lo ngại của các nước nghèo hiện nay là những đề xuất được đưa ra để bàn bạc quá phức tạp, thiếu linh hoạt và không công bằng. Các nước đang phát triển hiện nay rất khát thu nhập nói chung và phụ thuộc vào thuế doanh nghiệp nói riêng. Trong năm 2017, các quốc gia châu Phi đã tăng 19% tổng thu nhập từ thuế doanh nghiệp, so với mức trung bình chỉ 9% với các thành viên OECD.

Hệ thống thuế toàn cầu hiện tại đánh vào các nước nghèo theo hai cách. Đầu tiên, các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận được báo cáo của họ sang các thiên đường thuế thấp, làm mất đi thu nhập của các nước nghèo. Sau đó, các quy tắc lại quy định quyền đánh thuế cho nước, nơi công ty đặt trụ sở chính, mà thường những quốc gia này rất giàu có.

Hôm 12/5, Diễn đàn Quản lý thuế châu Phi (ATAF) đã chỉ trích ý tưởng phân bổ lại quyền đánh thuế phần chia lợi nhuận của các công ty đa quốc gia trên mức "thông thường" nào đó là "quá phức tạp", cho rằng một phần của tổng lợi nhuận phải được phân bổ lại.

Tỷ lệ thuế doanh nghiệp ở hầu hết các nước vào khoảng 20-30%. Biểu đồ của TaxFoundation.

Tháng 10 năm ngoái, OECD ước tính việc phân bổ lại các quyền đánh thuế đối với một số công ty có thể giúp tăng thu nhập từ thuế doanh nghiệp ở các nước nghèo lên khoảng 1%. Một nhà đàm phán đến từ châu Phi đã gọi đó là "thảm họa cho các nước đang phát triển".

ATAF cho rằng cần phải đưa thêm nhiều công ty nữa vào danh sách, bằng cách hạ mạnh ngưỡng thu nhập từ 20 tỷ Euro (24 tỷ USD) xuống 250 triệu Euro. Nhưng khó có khả năng các nước giàu sẽ chấp nhận ý kiến như vậy.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất một quy trình giải quyết tranh chấp có tính "ràng buộc, không tùy chọn" như một cách trấn an các công ty rằng họ sẽ không bị đánh thuế nhiều lần. Tuy nhiên, một số nước nghèo lại lo ngại bị rơi vào các phán quyết sai quá thường xuyên.

Một mối quan tâm khác là mức thuế tối thiểu có thể đe dọa việc các nước nghèo sử dụng ưu đãi thuế để mời gọi đầu tư. Con số 15% vẫn thấp hơn nhiều so với thuế suất theo luật định của hầu hết các nước nghèo, nghĩa là vẫn còn khoảng trống. Một mức tối thiểu toàn cầu có thể khuyến khích một số quốc gia đi theo hướng khác, bằng cách khuyến khích họ tăng thuế đánh vào những khoản lợi nhuận được báo cáo trong nước.

Trên thực tế, nỗi lo lớn nhất là các nước giàu vẫn có thể thu được phần lớn lợi nhuận chịu thuế giành lại từ các thiên đường thuế thấp, trong khi các nước nghèo chỉ còn lại phần “đầu thừa đuôi thẹo”. Mức thuế tối thiểu 15% có thể sẽ giúp tăng thu nhập từ thuế doanh nghiệp của các nước nghèo thêm khoảng 2-4%. Nhưng ngay cả như thế thì các nước giàu vẫn có thể thu về lợi nhuận lớn hơn.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/cai-cach-thue-toan-cau-nham-vao-cac-thien-duong-thue-n-474813.html