Cải cách thủ tục xuất nhập khẩu: Dư địa còn rất lớn

Việc tiếp cận thông tin, thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) xuất nhập khẩu (XNK) tương đối thuận lợi; phục vụ của công chức hải quan có nhiều cải thiện; chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục XNK giảm…

Đó là những cảm nhận tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về hoạt động quản lý XNK hàng hóa trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng DN, dư địa để cải cách TTHC trong lĩnh vực này còn rất lớn.

Chi phí “ngầm” giảm rõ rệt

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của DN về thực hiện TTHC trong hoạt động XNK hàng hóa năm 2018. Các chỉ tiêu chính của khảo sát đối với 3.061 DN là: Tiếp cận thông tin; đánh giá về thực hiện thủ tục hải quan; sự phục vụ của công chức hải quan; thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành; Cổng thông tin một cửa quốc gia; chi phí ngoài quy định trong thực hiện thủ tục XNK.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, hằng năm kim ngạch XNK đạt gần 500 tỷ USD. Do đó, bảo đảm thông suốt trong thực hiện các TTHC XNK là một trong những đòn bẩy tăng cơ hội cạnh tranh cho các DN và là chỉ số rất quan trọng trong đánh giá năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. So với cuộc khảo sát gần nhất vào năm 2015, mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với ngành hải quan được cải thiện ở hầu hết các nội dung. Đây là sự ghi nhận đáng khích lệ đối với những nỗ lực cải cách của ngành hải quan trong những năm qua.

 Doanh nghiệp tới làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: MINH ĐỨC

Doanh nghiệp tới làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: MINH ĐỨC

Chia sẻ rõ về những thay đổi này, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết: "91% DN tham gia trả lời đánh giá thông tin cơ quan hải quan cung cấp là thống nhất; 90% DN đánh giá thông tin TTHC sẵn có, dễ tìm. Tỷ lệ trên cải thiện thấy rõ so với năm 2015, khi lúc đó hai tỷ lệ này lần lượt là 77% và 81%. Bên cạnh đó, DN đánh giá cao sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ của công chức hải quan ở tất cả thủ tục; trong đó, thủ tục thông quan, khâu kiểm tra hồ sơ, thủ tục quản lý thuế, khâu hoàn thuế không thu thuế được DN đánh giá khá tốt so với những năm trước".

Đáng chú ý, theo ông Đậu Anh Tuấn: Nếu như chi phí không chính thức là một gánh nặng với các DN khi phải tiếp xúc với cán bộ hành chính những năm trước đây thì tình trạng trên trong năm 2018 đã có sự cải thiện vượt bậc. Chỉ có 18% DN phải trả chi phí ngoài quy định, trong khi tỷ lệ này tại cuộc khảo sát năm 2015 là 28%; có 56% DN không phải trả phí ngoài quy định trong khi tỷ lệ này của năm 2015 chỉ là 37%. Ngoài ra, tỷ lệ DN bị phân biệt đối xử khi không chi trả chi phí không chính thức cũng có sự thay đổi, chỉ còn 15% trong năm 2018 so với 31% năm 2015.

Tuy nhiên, đề cập đến hạn chế về thủ tục XNK, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ: 25% DN được khảo sát, phản ánh mặc dù đã thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng phần lớn còn ở mức bán thủ công, cơ quan chức năng vẫn yêu cầu nộp chứng từ, giấy tờ; hệ thống công nghệ thông tin thường bị lỗi mạng; khó tra cứu kết quả. Điều này, vô hình trung, các DN lại mất thêm thời gian hơn vì vừa phải khai báo điện tử, vừa phải khai báo hồ sơ giấy. Bên cạnh đó, các quy định về XNK thay đổi quá nhanh khiến DN không kịp thích ứng. Thực tế này cho thấy, 70% DN mong muốn ngành hải quan và các cơ quan Nhà nước có liên quan cần đơn giản hóa TTHC; 53% DN cho rằng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; 48% đề nghị cần tăng cường quan hệ đối tác hải quan-DN; 45% mong muốn tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục XNK…

Nêu rõ những khó khăn, theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm: DN vẫn gặp rào cản trong quá trình thông quan do nhiều thủ tục và văn bản hành chính hướng dẫn của các bộ, ngành còn chồng chéo. Mặc dù thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai, song tại nhiều cục hải quan vẫn yêu cầu DN phải mang theo bản in hồ sơ. Có cùng cảm nhận, bà Trần Hoàng Yến-đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết: "Nhiều DN trong ngành thủy sản phản ánh thủ tục được ứng dụng trên hệ thống một cửa quốc gia còn khá ít. Điều này cản trở DN trong việc đẩy nhanh các TTHC".

Định danh 300 hành vi gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: Cộng đồng DN đã có những đánh giá tích cực về cải cách TTHC trong lĩnh vực XNK ở các tiêu chí, như: Kiểm tra hồ sơ thông quan, tiếp cận thủ tục, nộp thuế. Tuy nhiên, mức độ cải cách chỉ mới ở mức trung bình và khảo sát đã chỉ ra hạn chế, thấy được dư địa cải cách còn rất lớn. Theo đó, ngành hải quan nói riêng và các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần tiếp tục đơn giản TTHC trong lĩnh vực XNK, với mục tiêu cao nhất là lấy sự hài lòng của DN làm điểm tựa để đẩy mạnh cải cách. Phải thúc đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cao hơn nữa. Thực hiện quản lý rủi ro trong XNK, thực hiện mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý XNK… để tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Tiếp thu ý kiến từ phía cộng đồng DN, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường thừa nhận: Dù đã có nhiều cải cách trong thời gian qua, tuy nhiên kết quả khảo sát cũng cho thấy, ngành hải quan vẫn cần đặc biệt quan tâm tới việc chống phiền hà, sách nhiễu tiêu cực với DN. Để thực hiện mục tiêu này, ngành đã rà soát và đang triển khai nhiều giải pháp; trong đó, tổng cục đã quy định rõ ràng về công tác thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan có quyết định định danh 300 hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực để làm cơ sở giám sát; tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm việc kiểm tra bằng thủ công. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã trang bị một loạt hệ thống máy soi container, máy soi hành lý, camera giám sát và thực hiện chương trình giám sát hải quan tự động. “Đặc biệt, một số địa điểm thực hiện thông quan lớn hiện nay đã được trang bị hệ thống giám sát camera trực tuyến từ tổng cục xuống đến các cục và chi cục. Chỉ cần quan sát từ tổng cục có thể nhìn được cấp dưới thực thi công vụ thế nào”, ông Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cai-cach-thu-tuc-xuat-nhap-khau-du-dia-con-rat-lon-568470