Cải cách thủ tục hành chính: Vẫn có nơi chưa thấm đến doanh nghiệp

Những nỗ lực cải cách hành chính của các bộ ngành địa phương thời gian qua đã tạo những hiệu ứng đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên vẫn có những nơi mà doanh nghiệp loay hoay giữa ma trận các thủ tục hành chính, hạn chế hiệu quả, thậm chí là bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Cơ xưởng sản xuất của Công ty Sơn Trường bỏ hoang vì vướng thủ tục hành chính

Cơ xưởng sản xuất của Công ty Sơn Trường bỏ hoang vì vướng thủ tục hành chính

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp cho biết, qua thực tế của quá trình tiếp xúc, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, các chuyên gia của Câu lạc bộ nhận thấy những vướng mắc của doanh nghiệp là thủ tục hành chính, thuế và đi cùng với đó là đất đai, mặt bằng sản xuất. Bất chấp những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, thủ tục hành chính tại cấp cơ sở vẫn phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai và cấp phép xây dựng, khiến doanh nghiệp chỉ còn nước bó tay.

Đây là ghi nhận tại Công ty TNHH Sơn Trường, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và bê tông đúc sẵn. Được thành lập năm 1991, Công ty Sơn Trường là 1 trong 6 doanh nghiệp tư nhân đầu tiên và hiện vẫn là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Hải Phòng với trên 2.400 lao động với doanh số 3.400 tỷ đồng năm 2018.

Doanh nhân Tạ Quyết Thắng, người sáng lập và đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Sơn Trường cho biết, những nỗ lực mở rộng hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh đã và đang vấp phải những khó khăn trong thủ tục hành chính. Điểm nghẽn mấu chốt hiện nay là thủ tục giao dịch tài sản đảm bảo yêu cầu doanh nghiệp phải có đăng ký tài sản trên đất, tức là có sổ hồng thế chấp ngân hàng mới được vay vốn.

“Trước đây, chỉ cần có sổ đỏ là chúng tôi có thể thế chấp vay vốn ngân hàng, song từ khi quy định phải có sổ hồng khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn. Cấp sổ hồng là khâu đang rất vướng hiện nay. Giấy phép xây dựng là thủ tục bắt buộc phải có để được cấp sổ hồng, song khâu xin cấp phép xây dựng hầu như đang bế tắc vì sự bất cập, mâu thuẫn chính trong các quy định thủ tục”, giám đốc Tạ Quyết Thắng cho biết.

Cụ thể hơn, ông Tạ Quyết Thắng chia sẻ dự án nhà máy Bê tông Gia Minh của công ty tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng đã được đưa vào hoạt động vận hành từ tháng 11/2016, doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng tiền thuê đất 1 lần cho 50 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ, sổ hồng. Vì vậy, doanh nghiệp không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Trong khi đó dự án thứ hai là Xí nghiệp tư nhân Trung Hải đang thi công xây dựng nhà máy thì bị dừng do chưa có giấy phép xây dựng. Ước tính mỗi tháng, vì sự ngừng trệ này, doanh nghiệp thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng chi phí bảo trì nhà xưởng, thiết bị. Đáng quan ngại hơn, cuộc sống và việc làm việc làm của hơn 300 lao động Xí nghiệp không biết đến bao giờ mới có lối ra.

Doanh nghiệp đã chạy đôn đáo gõ cửa các sở ban ngành địa phương, cũng như các bộ có liên quan, thậm chí đã có văn bản đề nghị UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo giải quyết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, song các cơ quan vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến doanh nghiệp không biết bị tắc ở khâu nào, thủ tục bị vướng ở đâu.

Được biết Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng tại 3 địa phương kiểm tra, xử lý các phản ánh của Công ty TNHH Sơn Trường về việc chậm trễ, gây phiền hà trong thực hiện các thủ tục hành chính và trả lời công ty và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2018. Tuy nhiên đến nay, các vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Từ kinh nghiệm của một doanh nhân hàng chục năm lăn lộn trên thương trường, doanh nhân Tạ Quyết Thắng cung cấp một số liệu rất đáng chú ý. Theo ông Thắng, hiện có khoảng 90% số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang sản xuất kinh doanh trên nền tảng có sẵn mà không cần phải đầu tư. Khối doanh nghiệp này chỉ cần tháo gỡ trong khâu giao dịch tài sản bảo đảm. Trong khi đó 10% doanh nghiệp còn lại muốn mở rộng sản xuất kinh doanh thì phải tiến hành đầu tư. “Số doanh nghiệp này rất ít nhưng lại quyết định rất lớn cho quá trình phát triển. Vì nếu không đầu tư thì sẽ không phát triển và hệ quả là doanh nghiệp sẽ khó lòng tồn tại được chứ chưa nói đến phát triển bền vững”, giám đốc Thắng nói.

Ông Thắng phân tích thêm, khi xây dựng một đề án kinh doanh, các doanh nghiệp chủ yếu quan tâm tới 2 yếu tố: Chính sách thuế và vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, với một loạt những rào cản pháp lý hiện hành, việc này trở thành khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp .

Đơn cử như xưởng do Công ty Sơn Trường xây dựng chỉ mất 6 tháng để hoàn thiện nhưng lại mất tới 23,5 tháng để xin giấy phép xây dựng. Thủ tục về đất đai từ năm 1980 tới nay ngày càng rườm rà và tốn thời gian, từ mốc 3 ngày để hoàn thiện trước năm 1980 cho đến nay là 3 tới 5 năm. Trước đây vay vốn vô cùng thuận lợi nhưng theo quy định hiện nay, rào cản về thủ tục cấp phép xây dựng và đăng ký tài sản trên đất đã cản trở doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Theo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư vừa được công bố, Hải Phòng xếp thứ 4/63 tỉnh thành phố của cả nước. Tuy nhiên xét riêng hai chỉ số thành phần là công tác chỉ đạo, điểu hành cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, vị trí của Hải Phòng không cao, lần lượt là thứ 27/63 và 31/63. Điều này đặt ra vấn đề cho thành phố cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện các vị trí trên để tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và trong đó có những doanh nghiệp như Công ty TNHH Sơn Trường.

Tại hội nghị giám sát về cải cách thủ tục hành chính do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có nói một ý rất sâu sắc mà cũng rất thấm thía. Theo Phó Thủ tướng, việc cắt giảm hay đơn giản hóa thủ tục hành chính có khi là một việc nhỏ với một bộ, ngành hay một địa phương nhưng với doanh nghiệp, điều này lại lớn vô cùng và còn có thể mang tính sống còn. Câu nói đó của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho thấy, tính thực chất của các cải cách thủ tục hành chính vẫn luôn là một vấn đề thời sự.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-van-co-noi-chua-tham-den-doanh-nghiep-120312.html