Cải cách tài chính công ở TP Hạ Long

Để hạn chế tình trạng mất cân đối trong thu, chi ngân sách, những khoản chi mang tính bao cấp, tình trạng đầu tư công từ ngân sách lớn, dàn trải, kém hiệu quả… Thời gian qua, TP Hạ Long đã thực hiện nghiêm túc các nghị định, nghị quyết của Trung ương và tỉnh về cải cách tài chính công, nhất là việc triển khai các chính sách cải cách về thuế, thu nhập, tiền lương, tiền công và các chính sách an sinh xã hội...

Cụ thể, đối với thực hiện chính sách cải cách về thuế, thành phố đã tập trung triển khai Dự án xây dựng hệ thống thu thuế thông minh trên địa bàn và giao Chi cục Thuế thành phố ứng dụng CNTT thí điểm xây dựng các giải pháp thu thuế thông minh để hạn chế thất thu thuế, tăng nguồn thu cho ngân sách và các giá trị gia tăng, trong đó có triển khai hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp.

Trường TH&THCS xã Kỳ Thượng đang được hoàn thiện để sẵn sàng phục vụ cho năm học tới. Ảnh: Nguyễn Chiến

Trường TH&THCS xã Kỳ Thượng đang được hoàn thiện để sẵn sàng phục vụ cho năm học tới. Ảnh: Nguyễn Chiến

Thành phố cũng đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội để có nguồn lực chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, thể dục, thể thao... Trong đó nguồn lực được tập trung dành cho đầu tư phát triển luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách của thành phố (đảm bảo tích lũy cho đầu tư phát triển tối thiểu 40%) và tăng dần qua từng năm. Cụ thể năm 2014 là 40,0%, năm 2015 là 50,5%, năm 2016 là 62,06%, năm 2017 là 64,7%, năm 2018 là 75,2% và năm 2019 là 74,1%. Riêng năm 2020, tổng chi ngân sách thành phố phân theo nguồn cân đối là trên 5.552 tỷ đồng.

Thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách cấp huyện theo quy định của Trung ương, của tỉnh (Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND ngày 27/7/2016 của HĐND tỉnh và Quyết định số 3418/2016/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 của UBND tỉnh) cùng với việc tập trung bố trí vốn cho các công trình công cộng phục vụ an sinh xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, công trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, Hạ Long cũng đã dành nguồn lực rất lớn từ ngân sách để đầu tư cho các dự án trọng điểm, động lực. Qua đó tạo động lực thúc đẩy, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐND thành phố đã đề ra, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh. Trong một số năm gần đây, trên địa bàn thành phố đã được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình giao thông thiết yếu, quan trọng và có sức lan tỏa với tổng mức đầu tư lớn. Các công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng phát huy được hiệu quả, tạo cho bộ mặt đô thị của thành phố ngày càng khang trang, hiện đại, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.

Thực hiện cải cách tài chính công, thời gian qua TP Hạ Long cũng đặc biệt quan tâm đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, thành phố đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, rà soát tổ chức lại bộ máy của các trung tâm, đơn vị sự nghiệp có thu... theo hướng đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động của bộ máy từ nguồn thu phí, dịch vụ theo quy định của pháp luật, ngân sách nhà nước không hỗ trợ cho các loại hình, tổ chức mà xã hội đã đảm đương được; thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua đó, nhiều đơn vị đã siết chặt hơn việc quản lý tài sản công, tiết kiệm được kinh phí chi phúc lợi và tăng thu nhập cho người lao động...

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, TP Hạ Long tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, thực hiện triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, ưu tiên nguồn lực chi đầu tư phát triển, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, thể dục, thể thao... Trong đó tập trung đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội (tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền bững, Đề án 196 của tỉnh; hỗ trợ người nghèo, người yếu thế được tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực của thành phố). Trước mắt, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, phát triển y tế theo hướng dịch vụ, khuyến khích y tế ngoài công lập chất lượng cao, đầu tư sửa chữa và nâng cấp một số trạm y tế xã, phấn đấu tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích mô hình trường học thông minh, tăng số lượng, chất lượng trường chuẩn quốc gia và ưu tiên nguồn lực đầu tư, sửa chữa các trường học vùng cao...

Hoài Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/cai-cach-tai-chinh-cong-o-tp-ha-long-2490770/