Cải cách nhanh thể chế để phát triển kinh tế

Ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp cải cách thể chế, thủ tục nhằm giải quyết nhanh hơn, rốt ráo các vấn đề kinh tế - xã hội đã và đang nóng…

Ngày 3-11, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Hành động để biến khát vọng thành sự thật

Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khi phát biểu đã đặt ra hàng loạt câu hỏi vì sao. “Vì sao nhiều kiến nghị cử tri tồn tại nhiều năm không được giải quyết? Vì sao cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn than phiền về sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, vẫn phải “bôi trơn”?” - ông Nhưỡng mở đầu sau khi thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ.

“Vì sao Thủ tướng, phó thủ tướng chỉ đạo nhiều lần mà cấp dưới không nghe, vẫn tồn tại tình trạng trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh băng? Vì sao đến nay tham nhũng vẫn phức tạp, tinh vi?” - ĐB Nhưỡng tiếp tục đặt câu hỏi. Theo ĐB Nhưỡng, có những việc nêu ra trước QH nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý. “Vì sao việc khắc phục hậu quả 12 đại dự án đến nay còn khiêm tốn nếu không muốn nói giậm chân tại chỗ? Vì sao vẫn còn tình trạng “rùa bò” trong giải ngân vốn đầu tư công?” - ĐB Nhưỡng đặt vấn đề.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) băn khoăn về các mốc phát triển. “Chúng ta có những khát vọng phát triển và đã được lượng hóa, đó là cột mốc 2025 và 2030. Từ nay đến năm 2030 có hai kế hoạch năm năm, đến năm 2045 có năm kế hoạch năm năm. Nếu hình dung chúng ta đang chuẩn bị cho một chặng bay mới, có người còn gọi là đổi mới lần hai, thì 10 năm tới đây đất nước chúng ta phải cất cánh và đạt được trình độ phát triển cần có, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, từ đó bay nhanh hơn để gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển” - ĐB Nghĩa mở đầu.

Theo ông, năm năm tới có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ lộ trình còn lại. Nếu cứ loay hoay không cất cánh được hay cất cánh mà không đủ tốc độ và cao độ thì sau 10 năm sẽ không đạt được trình độ phát triển như lộ trình phát triển đặt ra.

“Khi đó khát vọng mãi mãi chỉ là khát vọng mà thôi” - ĐB Nghĩa khẳng định.

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất trong kế hoạch năm năm tới là đầy thách thức. Dẫn chiếu, nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập niên qua cho thấy: Từ năm 2010 đến năm 2019, GDP của Việt Nam chỉ tăng trung bình 6,3%/năm. Nếu tính thêm cả năm 2009 và năm 2020, con số còn thấp hơn nữa. “Bởi vậy, việc đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5%-7% trong năm năm tới là mục tiêu rất gian nan. Tương tự, mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD vào năm 2025 cũng sẽ cần phải có rất nhiều nỗ lực!” - ĐB Vũ Tiến Lộc nói.

“Có khát vọng là cần thiết, đặt ra mục tiêu cao sẽ thúc đẩy cả hệ thống nỗ lực hơn nhưng cũng sẽ gây áp lực lên các chính sách tài khóa và tiền tệ. Từ đó có thể đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô như từng xảy ra trong quá khứ” - ông Lộc nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phát biểu tại phiên thảo luận (thứ tự từ trái sang). Ảnh: CL

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phát biểu tại phiên thảo luận (thứ tự từ trái sang). Ảnh: CL

Đừng lập kế hoạch giành vốn rồi để đó

Nhiều ĐB đề cập đến những tồn tại, hạn chế vẫn là hạn chế và tồn tại suốt thời gian qua như đầu tư công, thủ tục kinh doanh - đầu tư…

Cụ thể, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nói: “Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trở thành vấn đề trầm kha khi đến quý III hằng năm lại tiếp tục nêu ra và trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tại sao “biết rồi” mà năm nào cũng chậm, năm nào Thủ tướng cũng chỉ đạo trong khi đây là nhiệm vụ thường niên của các bộ, ngành và địa phương? Và đến thời điểm này đã có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này hay chỉ tổng kết nguyên nhân khách quan, còn chủ quan thì rất ít?”.

Theo ĐB Nguyễn Tuấn Anh, nguyên nhân chính của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được các bộ ngành, địa phương nêu (như do COVID-19, nhất là đối với nguồn vốn vay đầu tư nước ngoài, thiên tai…) nhưng rất cần nhìn thẳng vào các nguyên nhân chủ quan. “Theo tôi, nguyên nhân chủ quan chủ yếu chính là ở công tác lập kế hoạch. Nhiều bộ ngành, địa phương lập kế hoạch giành bằng được nguồn vốn về cho mình mà không căn cứ vào tình hình thực tế để rồi sau đó rất khó, rất chậm, thậm chí là không giải ngân được” - ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Một ĐB khác của Bình Phước là Huỳnh Điểu Sang cũng đồng tình nguyên nhân có sự chồng chéo, rườm rà về mặt thủ tục và vướng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. ĐB Sang đề nghị rà soát, cắt giảm vốn đầu tư công ở những nơi giải ngân thấp qua quá trình rà soát kỹ lưỡng, tránh làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cân nhắc, xem xét kỹ trước khi bố trí vốn đầu tư công năm 2021 cho các dự án mà các bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm trong năm 2020.

ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng thể chế là một điểm nghẽn, có thể bó hẹp sự phát triển. Theo ĐB Tây Ninh, nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song có thể nói đến chủ yếu là do hạn chế từ bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, tình trạng vô cảm của một số cán bộ, sức ỳ của một số địa phương... đã góp phần làm cho tiến trình giải quyết các thủ tục pháp lý diễn ra một cách chậm chạp, làm mất cơ hội trong đầu tư và phát triển. Nên cần có biện pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng này, đảm bảo cho cơ chế thông thoáng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng tình, ĐB Vũ Tiến Lộc coi tiếp tục cải cách thể chế là “giải pháp của mọi giải pháp” để phát triển doanh nghiệp và khơi thông các nguồn vốn đầu tư. Ông Lộc đề xuất phải đạt được mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3, 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất trong ASEAN.

“Cần có chương trình rà xét, dỡ bỏ các quy định chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật về kinh doanh đã được Chính phủ khởi động cần được triển khai khẩn trương, quyết liệt. Cần có khung pháp lý và chính sách thúc đẩy minh bạch hóa và nâng cấp 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể - nơi sinh kế của hàng chục triệu đồng bào ta. Đừng để khu vực này bị bỏ lại phía sau” - ông Lộc kiến nghị.

Cần tập trung xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại

Có thể dự đoán khi COVID-19 lắng xuống, Biển Đông sẽ dậy sóng mạnh hơn. Nhiệm vụ giữ vững quốc phòng an ninh sẽ phức tạp, nặng nề hơn. Nghị quyết 17 của Ban chấp hành Trung ương khóa 10 vẫn còn nguyên tính thời sự. “Đối với một số nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo và Internet kết nối toàn cầu, lực lượng vũ trang phải tinh nhuệ và hiện đại, không còn con đường nào khác. Yêu cầu này rõ ràng rất tốn kém. Theo tôi, lực lượng vũ trang phải xây dựng trên phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa” hay nói theo Lênin là “thà ít mà tốt”. Muốn tinh thì phải gọn, từ đó Nhà nước và nhân dân mới có khả năng tập trung đầu tư cho lực lượng vũ trang.

ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA(TP.HCM)

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/cai-cach-nhanh-the-che-de-phat-trien-kinh-te-947975.html