Cải cách môn Thể dục để ngăn chặn bệnh béo phì

Trong hai thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc cũng đi kèm với việc giảm bớt tình trạng thấp còi và tăng trưởng thể chất vượt bậc ở trẻ em. Thế nhưng, quốc gia này cũng chứng kiến thời đại của những đứa trẻ béo phì khi số trẻ em thừa cân tăng gấp 4 lần.

SOS: 1/5 trẻ em béo phì

Nghiên cứu mới được công bố vào tháng 3/2019 cho thấy tỷ lệ trẻ em Trung Quốc bị thừa cân hoặc béo phì đang là 1/5, trong khi vào năm 1995, con số chỉ là 1/20.

Các tác giả nghiên cứu cho biết họ lo ngại khi thấy sự gia tăng rõ rệt như vậy. “Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách đối với các hành động của chính phủ, có thể bao gồm đánh thuế thực phẩm và đồ uống có đường và chất béo, trợ cấp để thúc đẩy đa dạng chế độ ăn uống và chiến lược thúc đẩy các hoạt động giáo dục thể chất, nâng cao sức khỏe cho trẻ em” - GS Jun Ma tại Đại học Bắc Kinh - đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Các tác giả cho biết công trình của họ là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của tăng trưởng kinh tế đối với suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức và các nghiên cứu trước đây đã tập trung vào vấn đề dinh dưỡng.

“Thu nhập ngày càng tăng đã cho phép các hộ gia đình ở Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm và quá trình đô thị hóa đã giúp các gia đình dễ dàng tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Nhưng, đồng thời trẻ em Trung Quốc dễ dàng có cơ hội tiếp cận đồ ăn vặt và mắc bệnh lười vận động” - bà Bai Li - một nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Nghiên cứu Ứng dụng tại Đại học Birmingham ở Anh chia sẻ.

“Trẻ em trước đây luôn ra ngoài chơi khi có thời gian rảnh. Bây giờ chúng ở lì trong nhà và dán mắt vào màn hình máy tính và TV. Hiện nay có nhiều chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh ở Trung Quốc và được nhiều trẻ nhỏ ưa chuộng”, bà Li cho biết. Tình trạng béo phì ở trẻ em đang gia tăng trên toàn thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới đã gọi đây là “một trong những thách thức nghiêm trọng nhất sức khỏe cộng đồng của thế kỷ 21”.

Bà Li cho rằng nhận thức sai lầm về tình trạng sức khỏe của trẻ em đã làm tăng số trẻ em béo phì tại Trung Quốc.

“Mọi người vẫn nghĩ rằng béo mũm mĩm là một điều tốt. Điều đó đặc biệt đúng với thế hệ cũ. Họ thường lớn lên trong nghèo khó khi thực phẩm khan hiếm” - bà Li chỉ ra vai trò của ông bà đối với tình trạng béo phì ở trẻ em. Ông bà tại Trung Quốc thường sống cùng gia đình và cho rằng các cặp bố mẹ thường xuyên bận rộn làm việc, cho nên họ đóng vai trò lớn trong việc quyết định cháu mình ăn gì.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Dzheim & Endocrinology, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ hơn 1 triệu trẻ em Trung Quốc từ 7- 18 tuổi từ năm 1995 đến 2014. Kết quả cho thấy tỷ lệ thấp còi ở trẻ em và thanh thiếu niên Trung Quốc do không đủ dinh dưỡng trong thời gian dài và nhiễm trùng đã giảm từ 8,1% xuống 2,4% trong khoảng thời gian đó và tình trạng suy dinh dưỡng giảm từ 7,5% xuống 4,1%. Trung bình, số trẻ em Trung Quốc được phân loại là thừa cân hoặc béo phì tăng từ 5,3% năm 1995 lên 20,5% vào năm 2014. Ngoài ra, gần 37% học sinh 9 tuổi bị cận thị, trong khi tỷ lệ béo phì trong một lớp học ở nam sinh là 8,5% còn ở nữ sinh là 5,1%, theo báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Gấp rút cải cách chương trình Giáo dục thể chất

Để tìm cách thúc trẻ em Trung Quốc năng động hơn, từ bỏ lối sống tiêu cực và trở nên khỏe mạnh hơn, một diễn đàn do tổ chức Quỹ Soong Ching Ling tổ chức đã tập hợp các chuyên gia, huấn luyện viên và giáo viên để thảo luận về cách cải thiện chất lượng giáo dục thể chất trong nhà trường.

Ông Zhao Huanbin, Giáo sư của Đại học Sư phạm Hà Bắc, cho biết hiện tại cấu trúc gia đình điển hình ở Trung Quốc bao gồm 4 ông bà, 2 cha mẹ và 1 đứa con (chính sách sinh con thứ hai chỉ mới được cho phép vào năm 2016), các gia đình có xu hướng chăm sóc con trẻ quá mức.

“Theo khảo sát của chúng tôi, người lớn bế trẻ quá thường xuyên trong giai đoạn sơ sinh, đó là lý do tại sao nhiều trẻ em Trung Quốc có vấn đề về sức khỏe liên quan đến cột sống “ - ông Zhao nói. “Và khi chúng lớn lên, cha mẹ chúng có xu hướng tập trung nhiều hơn vào kết quả học tập thay vì khuyến khích chúng tập thể dục” - vị chuyên gia cho biết.

Ông Zhao chỉ ra rằng điều quan trọng là giúp nâng cao nhận thức của cha mẹ về tầm quan trọng của việc cải thiện tầm vóc của trẻ em, đặc biệt là đối với những trẻ từ 3- 6 tuổi.

Wang Kaizhen, Phó chủ tịch Đại học Thể dục Thể thao Thủ đô cho biết, giáo dục thể chất cho trẻ em Trung Quốc đòi hỏi các giáo viên có trình độ chuyên môn về giáo dục mầm non và đào tạo thể chất, các sân chơi lớn hơn cho trẻ em trong các khu phố và trường học và chương trình giảng dạy phù hợp với thể chất ở từng độ tuổi.

Trong bối cảnh này, Quỹ Soong Ching Ling của Trung Quốc đã ra mắt Play Fund, một chương trình phát triển giáo dục và y tế, để giúp trẻ em phát triển phù hợp về thể chất thông qua việc cung cấp cho chúng một chương trình giáo dục thể chất khoa học và có hệ thống.

Với sự giúp đỡ từ các nhà giáo dục và giảng viên giàu kinh nghiệm, một công ty điều hành chương trình Play Fund - Yinglets đã thiết lập một hệ thống chương trình giảng dạy dựa trên nghiên cứu khoa học, mang đến cho trẻ cơ hội khám phá và trải nghiệm nhiều môn thể thao trong những năm đầu đời.

Liu Hong - người sáng lập Yinglets, nói rằng chương trình giảng dạy của họ cũng sẽ hướng dẫn cha mẹ và giáo viên làm thế nào để chơi với trẻ em cả ở trường và tại nhà.

“Chúng tôi lập kế hoạch cá nhân cho các nhóm học sinh khác nhau dựa trên các đánh giá về tình trạng thể chất của họ. Và bằng cách sử dụng ứng dụng của chúng tôi, cha mẹ có thể theo dõi sự tiến triển của con và nhận được lời khuyên về việc làm thế nào để huấn luyện đứa trẻ và chuẩn bị bữa ăn dinh dưỡng cho chúng “, ông Liu nói.

Liu Hong cho biết, tính đến nay đã có gần 600 trường mầm non trên địa bàn hai tỉnh Tứ Xuyên và Thiểm Tây đã thông qua các khóa học giáo dục thể chất của Play Fund trong hai học kỳ.

Fionn Wright, một huấn luyện viên thể chất Ireland, người làm việc với Yinglets nói rằng họ đang cố gắng để trẻ em thực hiện các loại chuyển động khác nhau như quay đầu đột ngột, đá mọi thứ và trèo cây,… mà hiện tại hiếm khi trẻ em ở đô thị làm và đồng thời đảm bảo an toàn của chúng. “Khi chúng không lớn lên ở môi trường tự nhiên nữa, chúng ta cần phải tạo điều kiện cho chúng phát triển một các tự nhiên thông qua tất cả các hoạt động thể chất”, ông Wright nói.

Yuan Yuan, Hiệu trưởng của một trường mẫu giáo công lập ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đồng ý rằng ngoài chương trình giáo dục thể chất khoa học, trường mẫu giáo cũng cần cung cấp môi trường xung quanh để kích thích học sinh hoạt động thể chất.

“Chúng tôi đã cải tạo một lối trong khuôn viên trường mẫu giáo thành một đường chạy, do đó, khi học sinh của chúng tôi bước vào đường chạy mỗi sáng trên đường đến lớp, chúng có động lực để vận động hoặc thực hành các bài tập thể chất khác nhau”, bà Yuan nói.

Đẩy mạnh phong trào bóng đá học đường

Vào tháng 6 năm nay, Trung Quốc đưa bộ môn bóng đá vào 3.000 trường mẫu giáo trong năm nay như một phần của nỗ lực cải thiện thể chất cho trẻ em nước này.

Khoảng 400 giáo viên đang được đào tạo bởi các nhân viên của Liên đoàn Bóng đá Anh trong giai đoạn đầu tiên của chương trình hợp tác, theo thông báo từ Bộ Giáo dục Trung Quốc.

“Phong trào bóng đá học đường là cơ sở để chúng tôi thực hiện ước mơ thúc đẩy nền thể thao nước nhà”, ông Wang Dengfeng – một quan chức của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết.

Trong 3 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hơn 600 triệu nhân dân tệ (khoảng 95 triệu USD) để tạo điều kiện phát triển bộ môn bóng đá trong khuôn viên trường học và 20 tỷ nhân dân tệ (318 triệu USD) đã được các chính quyền địa phương đầu tư vào phong trào thể thao.

Trung Quốc đã bổ sung hơn 70.000 giáo viên giáo dục thể chất mới trên toàn quốc trong giai đoạn này, 15.000 trong số đó có là huấn luyện viên bóng đá. Cho đến nay, Trung Quốc có hơn 50.000 sân bóng đá trong trường học và con số này dự kiến sẽ đạt 85.000 vào năm 2020, ông Wang nói.

Vị quan chức cũng cam kết sẽ tổ chức các giải đấu ở tất cả các cấp và thành lập các trung tâm huấn luyện để nâng cao phong trào hoạt động thể chất của học sinh Trung Quốc.

“Bộ Giáo dục sẽ tăng cường hơn nữa chương trình thí điểm tại các quận huyện đã được chọn, nơi mà hơn 60% các trường Tiểu học và Trung học có chương trình giảng dạy bóng đá”, ông Wang nói.

Theo số liệu trước đó của Bộ Giáo dục, vào cuối năm 2017, tổng cộng 20.218 trường Tiểu học và Trung học trên cả nước đã bắt đầu áp dụng bộ môn bóng đá vào chương trình giáo dục thể chất. Tuy nhiên, theo Giáo sư Liu Dongfeng từ Trường Kinh tế và Quản lý tại Đại học Thể thao Thượng Hải, cho biết chiến dịch phát triển bóng đá học đường của chính phủ Trung Quốc chỉ mang tính chất hình thức và nước này không có văn hóa thể thao.

“Theo nhiều giáo viên bóng đá mà tôi biết, các trường không tổ chức được đủ lớp học hoặc các trận đấu. Họ chỉ tạo dựng các phong trào hay giải đấu khi có sự kiểm tra từ phía các cấp quản lý”, ông Liu cho biết.

“Tôi nghĩ rằng việc nâng cao thể chất cho trẻ em bắt đầu từ khi còn nhỏ là hướng đi đúng đắn, nhưng làm cho rất nhiều trường học phải chịu áp lực thành tích và báo cáo, khiến phong trào không đi vào thực tiễn”, ông Liu nói thêm rằng Trung Quốc vẫn chưa phát triển văn hóa thể thao có thể so sánh với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

“Ít nhất là đến bây giờ, dù là giáo viên hay phụ huynh, họ đều coi trọng việc học tập của học sinh hơn là giáo dục thể dục”, ông Liu nhận định.

Huy Vũ

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/giao-duc/cai-cach-mon-the-duc-de-ngan-chan-benh-beo-phi-158523.html