Cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu: Đơn giản thủ tục, doanh nghiệp chỉ tiếp xúc với một đầu mối

Bộ Tài chính vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng kiểm tra thực tế lô hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Hải Anh

Cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng kiểm tra thực tế lô hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Hải Anh

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, việc áp dụng mô hình mới của đề án sẽ cắt giảm khoảng 54,4% số lô hàng phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; chi phí tiết kiệm nhờ số ngày cắt giảm/năm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD). Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD/năm. Ông Vũ Lê Quân - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết tại cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN.

* PV: Xin ông cho biết, đâu là những điểm cải cách nổi bật của Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, khắc phục nhược điểm của mô hình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay?

- Ông Vũ Lê Quân: Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa nhập khẩu đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá trong công tác KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu.

Từ việc phân tích thực trạng, những tồn tại, bất cập trong công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, nghiên cứu một số mô hình kiểm tra trên thế giới, Bộ Tài chính đề xuất cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

Đề án đề xuất 7 cải cách trong công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm khắc phục nhược điểm của mô hình hiện tại. Điểm nổi bật so với trước đây là việc giao cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Ông Vũ Lê Quân

Với cải cách này, DN sẽ chỉ phải tiếp xúc với một đầu mối từ khi đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cho đến khi hàng hóa thông quan thay vì phải tiếp xúc nhiều đầu mối như hiện nay, giảm bớt hồ sơ, thủ tục kiểm tra do quá trình KTCN lồng ghép trong quá trình kiểm tra hải quan.

Đồng thời, mô hình mới áp dụng các biện pháp cải cách đơn giản thủ tục KTCN như: đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng toàn diện, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro; đơn giản hóa trình tự, thủ tục kiểm tra ở từng phương thức kiểm tra theo trình tự kiểm tra; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm tối đa lô hàng phải kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.

* PV: Xin ông cho biết cụ thể về tác động khi Đề án được triển khai, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi gì so với cách thức kiểm tra thông quan hàng hóa như hiện nay?

- Ông Vũ Lê Quân: Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã thực hiện đánh giá tác động của Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu một cách độc lập, khách quan, qua đó cho thấy những tác động mang lại lợi ích rõ nét cho DN và nền kinh tế. Cụ thể, thực hiện theo mô hình mới, DN sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí liên quan đến kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, quy trình, thủ tục đơn giản và thuận lợi, môi trường kinh doanh cạnh tranh và bình đẳng hơn, giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra, hàng hóa được áp dụng miễn, giảm kiểm tra đối với hàng hóa giống hệt.

Theo USAID ước tính, việc áp dụng mô hình mới của Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ cắt giảm khoảng 54,4% số lô hàng phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; chi phí tiết kiệm nhờ số ngày cắt giảm/năm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD). Đối với nền kinh tế, tính toán dựa trên dữ liệu trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD/năm.

* PV: Đề án có đề cập đến việc, cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu. Xin ông cho biết cụ thể về vai trò, trách nhiệm chủ trì của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng khi tham gia và triển khai đề án?

- Ông Vũ Lê Quân: Tại Nghị quyết số 99/NQ-CP năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020, Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án cải cách KTCN theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Đây là đề án lớn có sự tham gia của các bộ, ngành nên Bộ Tài chính đề xuất lộ trình thực hiện trong 6 năm từ năm 2020 đến 2026, chia thành 2 giai đoạn.

Để đảm bảo tuân thủ đúng các luật chuyên ngành (Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm; Luật Trồng trọt do các bộ, ngành quản lý), tại đề án Bộ Tài chính đề xuất giai đoạn đầu từ 2020 đến 2023, cơ quan kiểm tra gồm cơ quan hải quan và cơ quan do bộ quản lý ngành giao/chỉ định, DN được lựa chọn cơ quan kiểm tra. Giai đoạn 2 từ 2023 đến 2026, báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa luật trên cơ sở áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất để các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tăng cường vai trò kiểm tra tại nguồn, kiểm soát chất lượng hàng hóa trước khi nhập khẩu về Việt Nam; đồng thời thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm là cơ quan hải quan…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Người tiêu dùng về lâu dài được hưởng lợi từ tác động tích cực của đề án khi giá cả hàng hóa có thể được giảm do chi phí doanh nghiệp bỏ ra cho việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm giảm xuống, thời gian thông quan được cải thiện tạo điều kiện phân phối hàng hóa nhanh, giảm yêu cầu về vốn và hàng tồn kho, làm tăng cơ hội kinh doanh.

Hải Linh (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-09-23/cai-cach-kiem-tra-chuyen-nganh-hang-hoa-nhap-khau-don-gian-thu-tuc-doanh-nghiep-chi-tiep-xuc-voi-mot-dau-moi-92602.aspx