Cải cách kiểm tra chuyên ngành: Cuộc cách mạng trong hoạt động xuất nhập khẩu

Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đang được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến các bên liên quan đề hoàn thiện. Đề án này được DN đánh giá, nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện sẽ thực sự là cuộc cách mạng trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: N.Linh

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: N.Linh

Kiểm tra giảm dựa trên lịch sử tốt

Theo Ban soạn thảo, dự kiến mô hình mới về hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng (hàng hóa phải kiểm tra chất lượng trước thông quan do các bộ, ngành ban hành) được phân vào hai nhóm gồm: hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng và hàng hóa nhập khẩu được miễn kiểm tra chất lượng.

Ông Trần Đức Nghĩa - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA):

Nhất trí chủ trương đề án và cam kết sẽ đồng hành cùng cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện. Góp ý cụ thể vào hội dung dự thảo, đại diện Hiệp hội VLA cho rằng, điều khác biệt mô hình mới mang lại nằm ở đối tượng quản lý. Nếu như trước kia đối tượng kiểm tra chuyên ngành được xác định không chỉ là hàng hóa mà còn là DN nhập khẩu, nay, tại dự thảo đối tượng đã thay đổi chỉ là hàng hóa. Đây là sự thay đổi lớn, sẽ tiết kiệm rất nhiều nguồn lực xã hội. Để sự thay đổi này thành hiện thực, cộng đồng logistics mong chờ là sự chấp thuận của các bộ, ngành đối với sự thay đổi quan điểm này.

Đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng được phân vào 5 quy trình kiểm tra khác nhau theo hướng đơn giản dần dựa trên lịch sử hoạt động kiểm tra chất lượng của hàng hóa. Theo mô hình mới, DN được lựa chọn thực hiện việc kiểm tra chất lượng trước khi làm thủ tục nhập khẩu hoặc tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan. Cụ thể như sau: Trường hợp DN lựa chọn thực hiện việc kiểm tra chất lượng trước khi làm thủ tục nhập khẩu thì việc kiểm tra chất lượng do bộ, ngành thực hiện theo trình tự, quy định hiện hành, theo đó bộ ngành kiểm tra chứng nhận hợp quy, ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng để làm cơ sở thông quan hàng hóa (nhánh 1).

Trường hợp DN lựa chọn thực hiện việc kiểm tra chất lượng tại thời điểm DN làm thủ tục nhập khẩu thì cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện việc kiểm tra chất lượng tại cửa khẩu theo 1 trong 4 nhánh tiếp theo của mô hình mới tùy theo phương thức kiểm tra chất lượng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Đối với hàng hóa đã có chứng nhận hợp quy nhưng chưa được bộ, ngành kiểm tra chất lượng, cơ quan Hải quan kiểm tra chứng nhận hợp quy, ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng và thông quan (nhánh 2).

Đối với hàng hóa chưa có chứng nhận hợp quy, cơ quan Hải quan gửi yêu cầu đến tổ chức giám định được chỉ định để thực hiện giám định (tổ chức này do DN lựa chọn và thông báo cho cơ quan Hải quan), kiểm tra kết quả giám định, ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng và thông quan (nhánh 3).

Một trong những nội dung cải cách của mô hình mới là áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng hàng hóa; thay đổi cách tiếp cận từ kiểm tra chất lượng theo hàng hóa gắn với chủ hàng sang kiểm tra chất lượng theo hàng hóa. Nội dung cải cách này được thể hiện qua việc áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm.

Cụ thể, hàng hóa do cùng một nhà sản xuất, có cùng xuất xứ, có cùng tên gọi, mã số HS và giống nhau về mọi phương diện đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt (không phân biệt nhà nhập khẩu) thuộc 1 trong 3 nhánh (1), (2), (3) của mô hình mới được chuyển đổi sang phương thức kiểm tra thông thường (kiểm tra hồ sơ) (nhánh 4).

Hàng hóa do cùng một nhà sản xuất, cùng xuất xứ, cùng tên gọi, mã số HS và giống nhau về mọi phương diện đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường theo từng nhà nhập khẩu được chuyển đổi sang phương thức kiểm tra giảm, theo đó cơ quan Hải quan chọn ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu được áp dụng phương thức kiểm tra giảm của 1 năm liền kề trước đó để kiểm tra hồ sơ (nhánh 5).

Doanh nghiệp mong chờ vào sự quyết tâm cải cách

Với những điểm cải cách nổi bật được nêu trong dự thảo đề án, nhiều chuyên gia, DN kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho DN.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) là người theo sát đề án ngay từ những ngày đâu tiên cho rằng, ý kiến của cộng đồng DN đặc biệt nhất quán khi bàn về giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành ngay từ ngày đầu tiếp cận về ý tưởng đến bây giờ khi đi vào nội dung thảo luận chi tiết. “99% ý kiến DN cho rằng nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành sẽ thực sự là cuộc cách mạng trong hoạt động XNK” – bà Thủy cho biết.

Cũng theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, cũng như hoạt động XNK. Kết quả đã có nhưng vẫn có những độ chững nhất định và chưa giải quyết được một số vấn đề mang tính gốc rễ, đặc biệt là câu chuyện phối hợp các bộm ngành, cơ quan liên quan tại cửa khẩu.

“Nên chủ trương quy về một mối không chỉ thuần túy là câu chuyện giải quyết gọn đầu mối hành chính mà là câu chuyện tập trung về mặt dữ liệu, cách thức tương tác và thay đổi cơ bản những hoạt động diễn ra tại khu vực cửa khẩu” – bà Thủy nêu quan điểm đồng thời cho ý kiến: Đánh giá về tính ưu việt của giải pháp này cộng đồng DN có một số vấn đề băn khoăn đó là năng lực thực thi để đảm bảo Tổng cục Hải quan có thể tổ chức được nhiệm vụ này một cách ưu việt, tối ưu và tiết giảm chi phí cho các bên liên quan.

DN cũng quan tâm đến câu chuyện mô hình này phải đi kèm với hoạt động xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Bởi vì hoạt động kiểm tra chuyên ngành giao cho Tổng cục Hải quan làm đầu mối không có nghĩa Tổng cục Hải quan làm toàn bộ những khâu kiểm tra và đánh giá chất lượng, mà trở thành đầu mối trong công tác tổ chức hoạt động đó. Còn lực lượng tham gia vào khâu kiểm tra chuyên ngành và đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa, DN mong muốn Chính phủ đẩy mạnh xã hội hóa và tư nhân hóa.

Liên quan đến nội dung cụ thể của đề án, theo đại diện Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam, đề án cần nêu được phương án xử lý khi có xung đột DN không chấp nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, đề án cần bổ sung vai trò và vị trí pháp lý của đại lý làm thủ tục hải quan trong quy trình này, vì hiện nay đại lý là nhóm đang thực hiện phần lớn thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho DN, trừ thủ tục mang tính đặc thù thì không tham gia vào được.

Về phía đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu như nhìn toàn bộ quy trình của đề án, về cơ bản sẽ giảm thời gian của DN đến cơ quan có chức năng kiểm tra (tối thiểu giảm được 2 ngày cho 1 lô hàng), đặc biệt, khi cơ quan Hải quan tích hợp được dữ liệu về kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa để áp dụng cho lô hàng sau này thì sẽ giảm lượng hàng hóa phải kiểm tra rất lớn. Tuy nhiên, đại diện VCCI cũng nêu lên các vấn đề cần giải quyết trong đề án đó là trách nhiệm của cơ quan Hải quan với trách nhiệm của các tổ chức kiểm tra của các bộ, ngành.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/cai-cach-kiem-tra-chuyen-nganh-cuoc-cach-mang-trong-hoat-dong-xuat-nhap-khau-130050-130050.html