Cải cách hành chính thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

Cải cách hành chính (CCHC) là yếu tố quan trọng để thu hút các doanh nghiệp (DN) vào đầu tư, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Xác định rõ điều này, những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Công chức Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết thủ tục hành chính cho công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Thanh Hóa hiện đang đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những điểm nhấn tạo nên vị thế này là môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, lĩnh vực phát triển DN có nhiều bước tiến mới. Từ năm 2017-2019, toàn tỉnh có hơn 10.000 DN thành lập mới – đứng thứ 7 cả nước, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên hơn 15.000 DN, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động và đóng góp khá vào ngân sách tỉnh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thành lập mới cũng như các DN đang hoạt động, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, giúp tiết kiệm thời gian cũng như chi phí cho DN khi giải quyết TTHC. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát, đơn giản hóa TTHC. Qua rà soát đã cắt giảm được 30% thời gian giải quyết TTHC so với trước đây; đề nghị công bố sửa đổi, bổ sung các thủ tục mới và bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp, gây cản trở cho DN. Công tác kiểm tra CCHC cũng được Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thường xuyên, liên tục, qua đó kịp thời nhắc nhở từng cơ quan, đơn vị đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Để nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được đầu tư hiện đại. 100% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đều có mạng LAN, được kết nối với nhau qua mạng truyền số liệu chuyên dụng và liên thông, kết nối với Văn phòng Chính phủ, với các bộ, ngành Trung ương để giải quyết công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh mô hình “4 tại chỗ” nên việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả được thực hiện nghiêm túc, đúng và sớm hơn thời gian quy định. Việc phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC đã góp phần hạn chế tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn và tăng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thẩm định, giải quyết.

Nhiều năm trước đây, Thanh Hóa là tỉnh có điểm số thấp và thứ hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn xếp ở cuối nhóm khá của cả nước; chỉ số CCHC không ổn định. Đến năm 2018, Thanh Hóa có sự “bứt phá” khi vươn lên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và đứng thứ 25 toàn quốc, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ về Chỉ số PCI. Để tạo ra bước chuyển quan trọng này, Thanh Hóa đã thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC, đồng thời ban hành nhiều kế hoạch CCHC, kiểm soát TTHC với đầy đủ các nội dung cần thực hiện. Trong đó, xác định rõ từng nhiệm vụ, phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian hoàn thành đến từng đơn vị. Ngoài chỉ đạo trực tiếp tại các hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng đôn đốc việc triển khai thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các cấp, các ngành bám sát tinh thần chỉ đạo, tập trung đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC nhằm giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, đặc biệt là DN và các nhà đầu tư.

Với mong muốn đồng hành cùng sự phát triển của DN, định kỳ hàng tháng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đối thoại với DN, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho các DN hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, nhiều đề án, dự án quan trọng về CCHC cũng đã và đang được triển khai như đề án “Xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020”; dự án “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020”... Hiện nay, đã đưa vào hoạt động Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp 800 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, sẵn sàng phục vụ người dân, DN trong và ngoài tỉnh khi cần giải quyết TTHC trên môi trường mạng.

Năm 2020, Thanh Hóa phấn đấu thành lập mới 3.000 DN trở lên. Để đạt mục tiêu này, CCHC đóng một vai trò quan trọng. Theo đó, UBND tỉnh sẽ giao chỉ tiêu ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đây là chỉ tiêu bắt buộc phải thực hiện. Văn phòng UBND tỉnh chuẩn bị các điều kiện để UBND tỉnh thực hiện ký điện tử và thiết lập các hồ sơ điện tử trong thời gian sớm nhất. Các sở, ngành, các địa phương xây dựng lộ trình ký điện tử và thiết lập hồ sơ điện tử; xây dựng các văn bản bảo đảm tính pháp lý, tính bảo mật của việc ký điện tử, hồ sơ điện tử và tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là DN thực hiện dịch vụ công một cách hiệu quả.

Bài và ảnh: Thu Vui

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/cai-cach-hanh-chinh-thuc-day-phat-trien-doanh-nghiep/114306.htm