Cải cách hành chính nhìn từ Bộ Tài chính

117 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tài chính do Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa vừa được Chính phủ chính thức phê duyệt. Sự kiện này có thể coi là một bước tiến mới của ngành Tài chính trong tiến trình cải cách, đến gần hơn với người dân, DN.

DN làm thủ tục tại Cục Thuế TP HCM. Ảnh: Nguyễn Huế.

Cải cách toàn diện

Bộ Tài chính luôn nằm trong nhóm 3/19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) trong 4 năm qua (từ năm 2014 đến 2017) và là bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) trong 6 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến 2018).

Bộc bạch với báo chí trong một buổi trả lời phỏng vấn cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khá tự tin với những kết quả cải cách của Ngành trong thời gian qua. Theo ông, mục tiêu tiên quyết của việc cải cách chính là sự toàn diện.

Đầu tiên là cải cách thể chế của Bộ Tài chính được thể hiện rõ nét qua công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật tài chính đã có bước hoàn thiện quan trọng với số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; có nhiều văn bản đã tác động mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ sở pháp lý để đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh, hiện đại hóa quản lý. Qua đó, từng bước chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tuy có tăng áp lực, trách nhiệm lên cơ quan quản lý nhưng tạo thuận lợi cho người dân và DN), cũng như minh bạch thông tin, quy trình, thủ tục để triển khai thực hiện.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các yêu cầu về cải cách TTHC như: Gắn công tác cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh với công tác cải cách thể chế; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC theo quy định của pháp luật ngay từ khâu dự thảo; chủ động rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC trong lĩnh vực tài chính, nhất là TTHC liên quan tới người dân, DN; công khai, minh bạch tất cả TTHC.

Từ năm 2016 đến tháng 10/2018, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát cắt giảm 174 TTHC và đơn giản hóa 888 TTHC, đưa bộ TTHC lĩnh vực Tài chính chỉ còn lại 987 TTHC. Hiện Bộ Tài chính đang trình các cấp xem xét phê duyệt cắt giảm thêm 140 TTHC và đơn giản hóa 28 TTHC.

Nói đến cải cách TTHC của ngành Tài chính phải kể đến những nỗ lực trong thực hiện cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN). Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạo thuận lợi cho DN, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, đã có 13 bộ, ngành sửa đổi, bổ sung 80/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, KTCN (chiếm 92%)...

Một cải cách quan trọng nữa cũng có tác động rộng rãi là triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), tạo thuận lợi thương mại. Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tích cực. Tính đến ngày 15/9, 11 bộ, ngành đã tham gia kết nối, 68 TTHC được đưa lên NSW với tổng số hồ sơ hành chính đã xử lý là hơn 1,5 triệu và hơn 24 nghìn DN tham gia. NSW cũng đang tiếp tục được mở rộng tại cảng biển, cảng hàng không trong khi ASW được triển khai trao đổi chính thức Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D với 4 quốc gia.

"Rộng cửa" tiếp cận ngành nghề có điều kiện

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Thống kê sơ bộ, Nghị định này sẽ cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng 117 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Cụ thể, trong lĩnh vực kế toán, cắt giảm 3 điều kiện đối với việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới. Đối với kinh doanh dịch vụ kiểm toán, cắt giảm 10 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện. Trong lĩnh vực kinh doanh xổ số, cắt giảm 4 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện. Đối với lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, cắt giảm 4 điều kiện về an ninh, trật tự, thời gian lưu trữ hình ảnh, điều kiện về người quản lý điều hành, điều kiện về phương án kinh doanh.

Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, cắt giảm 2 điều kiện, đơn giản hóa 5 điều kiện. Trong lĩnh vực kinh doanh casino, cắt giảm 1 điều kiện, đơn giản hóa 1 điều kiện. Đối với kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, cắt giảm 2 điều kiện, đơn giản hóa 4 điều kiện. Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện, Nghị định đơn giản hóa 2 điều kiện, gồm điều kiện DN không bị kiểm soát đặc biệt và điều kiện DN có dự kiến doanh thu, chi phí trong phương án kinh doanh. Về lĩnh vực thẩm định giá, đơn giản hóa 2 điều kiện về tỷ lệ vốn góp của tổ chức trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn thẩm định giá. Về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, cắt giảm 19 điều kiện, đơn giản hóa 7 điều kiện. Đối với lĩnh vực chứng khoán, cắt giảm 26 điều kiện, đơn giản hóa 23 điều kiện.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là trách nhiệm của Bộ Tài chính với lời hứa trước Chính phủ và là phương pháp hữu hiệu giúp người dân, DN tiết giảm chi phí, tạo thuận lợi cho hoạt động, đặc biệt là "rộng cửa" trong việc tiếp cận ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu hội nhập, phấn đấu các chỉ số cải cách đạt chuẩn xếp hạng các nước ASEAN 4 và hướng tới tiêu chuẩn của các nước OECD với những giải pháp cụ thể, rõ ràng. Đó là: Tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cải cách TTHC, lấy người dân, DN làm trung tâm; song song đó, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, cải cách tài chính công theo hướng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực góp phần đảm bảo an ninh tài chính; chủ động triển khai, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cai-cach-hanh-chinh-nhin-tu-bo-tai-chinh.aspx