Cải cách hành chính mang xuân đến mọi nhà

Điểm lại những con số ấn tượng trên cả 6 lĩnh vực cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đạt được trong năm vừa qua, có lẽ ấn tượng rõ nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chỉ đạo điều hành để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Giảm thời gian, tăng sự hài lòng

Phấn khởi khi nhận được đăng ký khai sinh cho cháu tại bộ phận một cửa xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), bà Nguyễn Thị Tỉnh chia sẻ: “Mới hôm trước được các cháu thanh niên trong xã cho biết chỉ cần làm thủ tục trên máy tính, và đã hướng dẫn tôi cách làm khai sinh cho cháu. Vậy mà hôm nay, tôi đã nhận được cả giấy khai sinh, đăng ký thường trú, thẻ bảo hiểm y tế mà không phải ra UBND xã”. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp người dân vui mừng vì được hưởng lợi từ ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính.

Cán bộ một cửa xã Yên Sở, huyện Hoài Đức hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Cán bộ một cửa xã Yên Sở, huyện Hoài Đức hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Thống kê năm 2018, toàn Thành phố có 689 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong đó, có 519 dịch vụ mức 3 và 170 dịch vụ mức 4. Người dân Thủ đô đã không còn xa lạ với mô hình khu dân cư, cụm dân cư điện tử tại các phường, xã. Từ thành công ban đầu, mô hình “Khu dân cư điện tử” tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) đã được nhân rộng tại nhiều quận, huyện như: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Gia Lâm...

Bà Trần Thị Huệ ở tổ dân phố 8, phường Vạn Phúc nhận xét, việc bố trí các điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến ngay tại khu dân cư rất tiện lợi. Người dân được hướng dẫn nộp hồ sơ qua mạng, cho nên việc thực hiện nhanh gọn, không phải đến phường chờ đợi, xếp hàng như trước đây.

Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến cả 3 cấp tăng dần, từ 55,74% năm 2016 lên 78,5% trong năm nay; cũng là địa phương đầu tiên triển khai diện rộng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho Nhân dân, quản lý tầm soát ung thư sớm.

Ngoài ra, đã thí điểm phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị, triển khai hệ thống giao thông, du lịch thông minh…

Theo đánh giá của người dân, nhiều thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 được rút ngắn thời gian giải quyết hơn so với quy định hiện hành. Có những thủ tục trước đây quy định 3 ngày, thủ tục quy định 7 ngày, nay đều được rút xuống, thậm chí nhanh hơn lịch hẹn. Đáng chú ý, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng của Hà Nội đạt 100%.

Thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan chỉ trong 3 ngày làm việc; một số thủ tục đang được nghiên cứu ưu tiên giảm xuống còn 2 ngày... Trong năm qua, với những doanh nghiệp thành lập mới, Thành phố đã hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp, kết quả giải quyết thủ tục thành lập cũng được chuyển phát nhanh đến tận trụ sở của doanh nghiệp.

Trên cơ sở danh mục được phê duyệt, Hà Nội tích cực triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Thành phố. Từ ngày 17/11/2018, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến các cấp của Thành phố (trừ các dịch vụ công trực tuyến do bộ, ngành triển khai) thực hiện tập trung tại hệ thống một cửa điện tử Thành phố dùng chung 3 cấp.

Bên cạnh đó, với hàng nghìn thủ tục hành chính được các cấp Thành phố kiến nghị đơn giản hóa mỗi năm, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và mang đến sự thuận lợi nhất cho người dân, từ đó tạo ra nguồn lực rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao hiệu quả điều hành

Từ năm 2016, Hà Nội đã đầu tư đồng bộ hạ tầng CNTT trong các cơ quan, hoàn thành kết nối mạng diện rộng tới mọi sở, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Họp trực tuyến được duy trì hiệu quả; 100% cơ quan cấp sở, cấp huyện, cấp xã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và kết nối trên môi trường mạng...

Thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân; khai thác để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân. Từ đó, Công an Thành phố chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư kết nối thông tin với Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Thuế, Sở Khoa học và Công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đáp ứng liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân, người nộp thuế.

Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến cả 3 cấp tăng dần, từ 55,74% năm 2016 lên 78,5% trong năm nay; cũng là địa phương đầu tiên triển khai diện rộng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho Nhân dân, quản lý tầm soát ung thư sớm. Ngoài ra, đã thí điểm phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị, triển khai hệ thống giao thông, du lịch thông minh…

Điều đặc biệt là Hà Nội đã ghi nhận không ít mô hình sáng tạo tại nhiều địa phương, đơn vị để tuyên truyền, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận loại hình mới, giúp nâng tỷ lệ người dân tự nộp hồ sơ trực tuyến trung bình toàn Thành phố lên trên 70%, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ công chức.

Ông Đoàn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm chia sẻ: “Khi các xã mới triển khai, người dân thấy phải thao tác trên điện thoại, máy tính rất ngại. Nhưng sau khi được hướng dẫn trực tiếp tại bộ phận một cửa, tuyên truyền trên loa, tại nhà văn hóa khu dân cư… khá nhiều người đã biết tự nộp qua mạng. Điều đó không chỉ giúp người dân thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính mà còn giúp cán bộ, công chức xã có thêm thời gian để tiếp nhận và xử lý nhanh hơn”.

Dù Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội liên tục tăng hạng (năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành), nhưng năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, các chỉ số về tiếp cận đất đai, quản trị và hành chính công… của Thành phố vẫn còn thấp. Những rào cản với doanh nghiệp dù đã cơ bản được gỡ bỏ nhưng đâu đó vẫn còn chưa như kỳ vọng, đôi lúc còn hiện tượng nhũng nhiễu.

Bởi thế, một trong những mục tiêu tổng quát được đặt lên hàng đầu trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Thành phố là tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ đề năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT tin trong quản lý, điều hành, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; từ đó, từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cai-cach-hanh-chinh-mang-xuan-den-moi-nha-86347.html