Cải cách hành chính - khâu đột phá trong xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Cải cách hành chính (CCHC) trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (QS, QP) là bộ phận của CCHC nhà nước; là nội dung quan trọng, khâu đột phá xây dựng quân đội trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Vì vậy, thực hiện tốt công tác này là yêu cầu cấp thiết, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trong những năm qua, tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, trực tiếp tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực QS, QP. CCHC của Bộ Quốc phòng nằm trong tổng thể CCHC của Nhà nước, nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực QS, QP, bảo đảm công tác quản lý, chỉ huy, điều hành hoạt động ở các cơ quan, đơn vị đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đều xác định CCHC là khâu đột phá trong xây dựng quân đội. Trên cơ sở Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch triển khai toàn diện các nội dung CCHC trong Bộ Quốc phòng. Kết quả nổi bật là: Nhận thức về CCHC có chuyển biến rõ rệt, chất lượng và hiệu quả các nội dung công tác CCHC không ngừng được nâng cao, nhất là giai đoạn 2016-2020. Các mục tiêu, yêu cầu của công tác CCHC giai đoạn 2011-2020 cơ bản hoàn thành, nhiều nội dung hoàn thành tốt, tiêu biểu là cải cách thể chế và cải cách bộ máy; qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, chỉ huy, điều hành của các cấp, góp phần quan trọng xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

 Bộ đội Biên phòng làm thủ tục cho công dân xuất cảnh bằng phần mềm biên phòng điện tử tại Cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa), tháng 8-2019. Ảnh: DƯƠNG HÀ.

Bộ đội Biên phòng làm thủ tục cho công dân xuất cảnh bằng phần mềm biên phòng điện tử tại Cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa), tháng 8-2019. Ảnh: DƯƠNG HÀ.

Tổng kết 10 năm công tác CCHC giai đoạn 2011-2020 của Bộ Quốc phòng, rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị là nhân tố quyết định kết quả công tác CCHC.

Hai là, thường xuyên nắm vững và quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác CCHC nhà nước; trên cơ sở đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng.

Ba là, nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò CCHC sẽ góp phần phát huy trách nhiệm của các cấp và mọi đối tượng trong thực hiện các mục tiêu, yêu cầu và các nội dung của công tác CCHC.

Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo CCHC các cấp, đội ngũ làm công tác CCHC và công tác bảo đảm cho nhiệm vụ CCHC sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác CCHC.

Năm là, thực hiện đồng bộ công tác CCHC gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện (VMTD); lấy kết quả CCHC là một trong những tiêu chí xét thi đua, khen thưởng và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Gắn CCHC với xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng.

Trong thời gian tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn biến nhanh chóng, tác động sâu sắc đến tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của đất nước. Công nghệ số sẽ làm thay đổi mô hình và phương thức quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy CCHC. Yêu cầu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã và đang tạo ra sức ép rất lớn đối với nhiệm vụ CCHC.

Để góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, về phương hướng công tác CCHC: Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương về CCHC; tiếp tục xác định CCHC là một trong 3 đột phá xây dựng quân đội. Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, xây dựng chương trình, kế hoạch CCHC phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và yêu cầu xây dựng quân đội trong giai đoạn mới. Về mục tiêu CCHC: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC, làm chuyển biến căn bản nhận thức cho các đối tượng về công tác CCHC; đề cao trách nhiệm của cán bộ chủ trì các cấp. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực QS, QP; hoàn thành mục tiêu tổ chức lực lượng quân đội đến năm 2021 theo Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đổi mới mạnh mẽ phương thức bảo đảm tài chính theo Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo”; gắn xây dựng Chính phủ điện tử với CCHC trong Bộ Quốc phòng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ở các cấp, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược. Tiếp tục xây dựng và triển khai đề án CCHC của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm CCHC là cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC trong Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc, đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chỉ huy các cấp đối với công tác CCHC; xác định công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, là một tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm. Tiếp tục làm tốt công tác quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác CCHC; cụ thể hóa các mục tiêu, yêu cầu của công tác CCHC vào đề án CCHC của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với vị trí, vai trò và các nội dung của công tác CCHC, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các loại hình báo chí, các trang/cổng thông tin điện tử chuyên ngành, sân khấu hóa, thi tìm hiểu, tập tin, tờ rơi, tuyên truyền nhân rộng các mô hình, điển hình CCHC... Nghiên cứu, biên soạn các tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác CCHC; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý hành chính nhà nước, công tác pháp chế, công tác CCHC, kiểm soát thủ tục hành chính và công nghệ thông tin cho đội ngũ làm công tác chuyên môn.

3. Chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch CCHC theo từng giai đoạn, hằng năm sát với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc điểm tình hình nhiệm vụ QS, QP, nội dung trọng tâm là cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chương trình, kế hoạch CCHC của trên, xây dựng kế hoạch sát với tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và lựa chọn nội dung trọng tâm bảo đảm phù hợp.

4. Gắn kết chặt chẽ giữa CCHC với xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng, nâng tỷ lệ giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử mức độ 3, 4; lựa chọn, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành thực hiện kết nối, chia sẻ với Chính phủ và giữa các cơ quan, đơn vị, bảo đảm bí mật, an toàn. Khắc phục tình trạng tâm lý ngại thay đổi, chưa sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết các công việc chuyên môn; lấy cán bộ chủ trì làm gương; CCHC phải thực hiện từ trên xuống. Xây dựng hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại, thông suốt, an toàn, kết nối rộng khắp; nâng cao trình độ, kỹ năng về CNTT, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính và công việc chuyên môn, nghiệp vụ; chuyển đổi mạnh cách thức làm việc từ truyền thống sang làm việc trên môi trường điện tử.

5. Thực hiện nghiêm nền nếp chế độ công tác CCHC như báo cáo định kỳ, sơ kết, tổng kết...; sau mỗi đợt sơ kết, tổng kết hằng năm, phải làm rõ ưu, khuyết điểm và có biện pháp khắc phục kịp thời. Ban chỉ đạo CCHC, chỉ huy các cơ quan, đơn vị định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc; qua đó, phát hiện những yếu kém, khuyết điểm để đề ra biện pháp khắc phục, đồng thời nhân rộng cách làm hay, điển hình về CCHC.

6. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC của ban chỉ đạo CCHC các cấp. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác CCHC có số lượng hợp lý và đủ năng lực tham mưu, đề xuất, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Bảo đảm đủ kinh phí, trang bị cơ sở vật chất cho cơ quan, cán bộ làm công tác CCHC.

Trung tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính Bộ Quốc phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cai-cach-hanh-chinh-khau-dot-pha-trong-xay-dung-quan-doi-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-trong-tinh-hinh-moi-630349