Cải cách giáo dục: Cuộc chiến tranh lạnh?

L.T.S: Trong mặt bằng phản biện, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt là một trong những người từng có nhiều bộc bạch thẳng thắn về nhiều lĩnh vực. Tham góp cũng như cách nhìn của Nguyễn Trần Bạt về vấn đề cải cách giáo dục hiện nay, có lẽ cần thiết có nhiều sự tham chiếu, coi xét của các chuyên gia, nhà quản lý… Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi giữa chuyên gia Nguyễn Trần Bạt với nhà báo Xuân Ba.

Xuân Ba: Xin lỗi chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, quấy phiền anh dịp 20/11 như thế này là có duyên do cả. Tôi nghe nói hình như anh có cách nghĩ và lối thoát hiểm riêng trong ma trận của cái gọi là cải cách giáo dục hiện nay?

Nguyễn Trần Bạt: Thẳng thắn nhé! Xin các chuyên gia và các nhà báo hãy thương lấy bọn trẻ!

Tôi thấy hiện nay các bài báo viết về giáo dục quá nhiều. Nếu tiếp tục đặt vấn đề một cách ầm ĩ như hiện nay thì chỉ làm hại bọn trẻ. Đây là một vấn đề cần phải được nghiên cứu, phân tích một cách bình tĩnh, sâu sắc và nữa, phải làm trong sự yên tĩnh.

Các nhà giáo dục đòi hỏi phải có một cuộc cải cách giáo dục, nhưng xã hội chúng ta hiện nay chưa đủ khả năng để cải cách giáo dục. Cải cách giáo dục là cuộc cải cách quan trọng nhất liên quan đến năng lực của xã hội, nhưng để cải cách giáo dục thành công thì phải có cải cách thể chế và cải cách kinh tế. Bởi vì nếu không cải cách thể chế thật sự thì không thể có cải cách giáo dục được. Cái chính là chúng ta muốn biến trẻ con thành cái gì?

Nói đến giáo dục là phải nói đến việc đào tạo ra con người, phải đi một cách rất căn bản từ gốc rễ là tạo ra con người có kiến thức, có trí tuệ, có khát vọng. Nếu không cải cách kinh tế thì xã hội không định hướng được nhu cầu phát triển. Không định hướng được nhu cầu phát triển thì không có tiêu chuẩn để đào tạo con người. Không có năng lực tài chính thì rất khó đưa giáo dục về trạng thái có tiêu chuẩn, bởi vì tiêu chuẩn là tiền. Tôi không thấy ai bàn về những chuyện như vậy. Các nhà chuyên môn hiện nay chỉ bàn đến việc sửa sách giáo khoa hoặc đòi hỏi giáo dục phải có đẳng cấp quốc tế. Một trường đại học đẳng cấp quốc tế là tiền, tiền để tạo ra cơ sở hạ tầng của nó, tiền để trả lương cho giáo viên, mà chúng ta thì không có đủ năng lực tài chính để làm việc đó. Với tất cả những khả năng như hiện nay, chúng ta không thể có nền giáo dục đào tạo đẳng cấp quốc tế được. Với một xã hội mà năng lực dùng người như hiện nay thì chúng ta có đẳng cấp quốc tế để làm gì? Làm sao có thể dùng được sản phẩm giáo dục đẳng cấp quốc tế trong điều kiện xã hội bán chuyên nghiệp như thế này? Xã hội chưa dùng được người có chất lượng cao, xã hội cũng như chính phủ không có đủ tiền để chi trả cho những đào tạo cao cấp, vậy mà một số nhà giáo dục cứ đòi hỏi. Đấy là những đòi hỏi khác nhau, những tiếng nói khác nhau, nó không nhằm mục đích nào cả và xã hội không nhận được gì từ đấy cả.

Xuân Ba: Đấy đấy, tôi đang có cảm giác đương bị anh tiếp tục dắt vào ma trận. Anh nói gì cụ thể hay chỉ cho một đầu mối thoát hiểm?

Nguyễn Trần Bạt: Xin lỗi tôi chưa nói hết… Tôi đang nói đến các chuyên gia, nhà báo, nhà quản lý nhất là giới trí thức đang đua nhau oanh tạc vào khu vực này. Họ cãi nhau. Mà sau khi nghe một hồi thì xã hội không biết cái lý thuộc về ai. Đây là một vấn đề của giới trí thức, trí thức phải có cách tiếp cận thích hợp, phải ngồi lại với nhau để thảo luận và báo chí nên hạn chế tham gia vào chuyện đó. Cái gì cũng đăng lên báo cả thì sẽ làm cho trẻ con phân vân. Không phải cứ thi nhau thể hiện quan điểm là có thể tìm ra giải pháp, bởi vì giải pháp ấy không nằm trong giáo dục. Giải pháp nằm ở chỗ phải giải quyết được vấn đề năng lực tài chính ở đâu, giải quyết vấn đề tiêu chuẩn thế nào cho phù hợp.

Xuân Ba: Có một nhà thơ hài hước về các cuộc tranh biện rằng, khi chưa được nghe tình hình thì rất hoang mang. Nhưng nghe xong tình hình thì càng hoang mang tợn…

Nguyễn Trần Bạt: Tôi không bi quan gì cả. Người ta thấy bi quan bởi vì người ta cứ đòi những điều cao hơn khả năng của mình. Cái mâu thuẫn lớn nhất là chúng ta không ý thức được xã hội chúng ta là một xã hội còn ở mức độ phát triển thấp. Chúng ta không thể đòi hỏi nền giáo dục có chất lượng cao trong điều kiện xã hội như vậy. Chúng ta có thể lên án cách quản lý hay chuyện tham nhũng trong giáo dục. Lên án cái nọ, cái kia với mức độ vừa phải, nhưng cái quan trọng hơn là làm thế nào để cân đối được quan niệm của xã hội về chất lượng giáo dục trong điều kiện xã hội chúng ta chỉ có thế. Chấp nhận là một triết lý. Chúng ta buộc phải chấp nhận vì nếu không thì chúng ta làm gì? Chúng ta thay hết bộ trưởng này đến bộ trưởng khác và rồi chúng ta chẳng hài lòng với bộ trưởng nào cả. Chúng ta đòi hỏi quá nhiều thứ. Tôi là một người sử dụng lao động tiên tiến trong số những người sử dụng lao động, nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng nếu được sử dụng những người lao động có chất lượng cao hơn nữa là bản thân tôi thấy bế tắc. Làm sao chúng ta có thể giáo dục lại toàn bộ hệ thống cả lãnh đạo cả quản lý xã hội lẫn quản lý kinh doanh được. Với trình độ hiện nay của các tổng giám đốc, các chủ tịch tập đoàn thì không có cách gì để sử dụng lao động chất lượng cao.

Tôi từng ấp ủ, hy vọng và dằn vặt về một lối ra...

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017. Ảnh: Ngọc Châu.

Xuân Ba: Anh nói ngay đi! Lối ra đó là gì?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ, nên chăng không áp đặt chính trị hóa đời sống giáo dục. Không có cách nào cả. Này nhé, con người muốn sáng suốt thì phải không có định kiến. Chính trị hóa học đường là một cách thức tạo ra định kiến. Cho nên, tôi không muốn nói thêm về vấn đề này vì nó động chạm đến những vấn đề cội rễ của xã hội. Chúng ta nghèo nhưng chúng ta lắm sĩ diện, chúng ta thích đẳng cấp. Nói tóm lại, chúng ta thích rất nhiều thứ nhưng chúng ta không có khả năng. Chính cái bệnh sĩ diện nó tạo ra cho chúng ta một đống những đòi hỏi vô lý. Anh thử nghĩ mà xem. Chúng ta đòi hỏi Bộ Giáo dục làm quá nhiều việc không có khả năng.

Xuân Ba: Liệu có khi nào anh nghĩ đến những cú hích, những thủ lĩnh đầu ngành…

Nguyễn Trần Bạt: Vấn đề không phải là chức vụ. Những người làm bộ trưởng giáo dục từ trước đến nay đều là những người thông minh cả. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ đều là những người được đào tạo rất cẩn thận. Bộ trưởng Phạm Minh Hạc còn là viện sĩ. Bộ trưởng Trần Hồng Quân cũng thế… Cái lỗi của mọi Bộ trưởng Bộ giáo dục từ trước đến nay là không có kinh nghiệm thực tế. Báo chí không nên điềm nhiên tham gia vào những cuộc cãi cọ chính trị không công bằng. Nhiều ông giáo sư chỉ nhằm vào bộ trưởng trước đây để chỉ trích! Tôi không bênh vị bộ trưởng nào cụ thể, nhưng tôi nghĩ mọi việc phải công bằng. Tôi không ghét ai cả mà tôi thương bọn trẻ. Tôi nói về chuyện này bằng tấm lòng chứ không phải để khoe kiến thức của tôi. Nếu anh không thương sinh viên, không thương trẻ con thì đừng viết về giáo dục. Nhiều người đang viết và nói về giáo dục bằng sự căm ghét những người quản lý giáo dục hiện nay chứ không phải bằng sự yêu thương trẻ con.

Vâng, chúng ta đã thể nghiệm tất cả những gì thông minh mà người Việt có cho chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Hệ thống của chúng ta chưa có khả năng đề bạt những cán bộ có tài năng lớn hơn, xã hội không có tiền để trả lương cao hơn, phụ huynh học sinh cũng không có tiền để trả học phí cao hơn, thế thì chúng ta đòi hỏi ở nền giáo dục cái gì bây giờ?

Tôi nghĩ rằng chúng ta có khả năng đến đâu thì làm đến đấy. Chất lượng của nền giáo dục sẽ phát triển dần dần cùng với sự thức tỉnh của xã hội. Trong tình hình hiện nay không ai có thể đưa ra chương trình nào có cơ sở để cải cách nền giáo dục hay nâng cao chất lượng giáo dục trước khi có sự thay đổi quan điểm chính trị về giáo dục.

(Còn nữa)

X.B

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/cai-cach-giao-duc-cuoc-chien-tranh-lanh-1209146.tpo