Cải cách chính sách tài chính: Xây dựng chính sách huy động nguồn lực hiệu quả, chặt chẽ

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là xu hướng, mục tiêu và được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, lĩnh vực tài chính có nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy, mở đường trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thu, chi ngân sách ở tất cả các cấp, ngành, địa phương và đơn vị. Ảnh: Thùy Linh.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thu, chi ngân sách ở tất cả các cấp, ngành, địa phương và đơn vị. Ảnh: Thùy Linh.

Khu vực kinh tế tư nhân chưa tạo được động lực phát triển

Để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, suốt thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu, hoạch định chính sách tài chính nhằm huy động và phân phối các nguồn lực sản xuất trong xã hội, chuyển tải các nguồn lực tài chính quốc gia để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thu, chi ngân sách ở tất cả các cấp, ngành, địa phương và đơn vị. Nhờ vậy, tỷ trọng chi thường xuyên giảm (năm 2018 giảm còn dưới 62% tổng chi ngân sách nhà nước, mục tiêu là dưới 64%), tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng (năm 2018 đạt trên 27%, mục tiêu là 25 - 26%). Cùng với việc tích cực xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững. Bộ Tài chính đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, triển khai các giải pháp phát triển cân bằng và toàn diện thị trường tài chính, cùng với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thông qua việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thu đủ số cổ tức, lợi nhuận sau thuế, tiền bán vốn tại các doanh nghiệp theo nghị quyết Quốc hội... Có thể khẳng định, các chính sách tài chính đã đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã đi vào thực chất hơn, tạo ra nhiều chuyển biến quan trọng và rõ nét.

Tuy nhiên, phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2019 mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu nền kinh tế, thực hiện cơ cấu lại nền tài chính quốc gia 10 năm qua đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng những thách thức, khó khăn còn rất lớn. Điều này thể hiện ở việc, mặc dù tăng trưởng đạt được ở mức độ 6,35% cho giai đoạn 5 năm qua, tuy nhiên chất lượng tăng trưởng và đổi mới còn hạn chế.

Xây dựng chính sách tài khóa an toàn, bền vững

Để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới, cần có những giải pháp cải cách mang tính đột phá, đồng bộ các chính sách tài chính nhằm tạo động lực. Đề xuất giải pháp, GS.TS Nguyễn Thị Cành, Đại học Kinh tế luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhà nước cần xây dựng chính sách tài chính nói chung và chính sách tài khóa nói riêng hướng đến tính an toàn, bền vững. Cần tuân thủ chặt chẽ kỷ luật tài khóa, để không xảy ra tình trạng phá vỡ các kế hoạch ngân sách đã phê duyệt. Hạn chế tối đa các khoản chi cho tiêu dùng, trong đó chi hành chính cho bộ máy Nhà nước được xem là khá cồng kềnh. Do đó, cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, chuyển các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ tài chính để giảm bớt gánh nặng chi sự nghiệp từ nguồn vốn ngân sách.

“Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ có thể phát triển hạ tầng thông qua các hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) trong các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, PPP tại Việt Nam mang lại hiệu quả chưa cao, vì vậy cần xem xét lại các quy định pháp lý và tăng cường giám sát có hiệu quả. Cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư công và hệ thống theo dõi tập trung nhằm cải thiện chất lượng báo cáo đầu tư công, góp phần đưa ra các quyết định kịp thời để thực hiện các dự án hiệu quả”, GS. TS Nguyễn Thị Cành nhấn mạnh.

Gợi ý các chính sách tài chính trong thời gian tới, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định, cần tìm nguồn lực tài chính cho thời gian tới như chính sách thuế tài sản, huy động nguồn lực từ đất đai để tái cơ cấu nền kinh tế.

“Cơ cấu lại nền kinh tế, phải làm rõ đó là phương tiện hay mục đích, định hướng cụ thể ra sao, mô hình là như thế nào. Trong đó, chính sách huy động nguồn lực đóng vai trò quan trọng. Cần duy trì ổn định tỷ trọng thu thuế, phí; đơn giản hóa các chính sách, đơn giản mục tiêu. Hơn nữa, thu ngân sách nên bình đẳng, công bằng, còn hỗ trợ nên chuyển sang phần chi ngân sách”, ông Hà Huy Tuấn nhận định,

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, về các chính sách thu ngân sách, thuế trực thu cần phải ưu đãi, mở rộng diện chịu thuế. Đối với thuế gián thu, cũng cần giải ưu đãi, mở rộng diện chịu thuế và hợp nhất, đơn giản hóa thuế suất. Cần chú ý đến thuế tài sản và phải coi đây là nguồn thu quan trọng, giá tính thuế thực hiện theo giá thị trường gắn với quy hoạch đất đai và thuế suất.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/cai-cach-chinh-sach-tai-chinh-xay-dung-chinh-sach-huy-dong-nguon-luc-hieu-qua-chat-che-112171.html