Cải cách chính sách BHXH: Tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu

Trong lần cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) này, hệ thống BHXH đa tầng đã được Đảng, Nhà nước xác định cụ thể, giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ với mục tiêu: Tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách Nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH, không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau.

Phân tích rõ hơn về nội dung cải cách theo hướng đa tầng trong lần cải cách BHXH này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhận định, cho đến nay, chính sách BHXH nói riêng và hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta nói chung vẫn mang tính đơn lẻ và thiếu tính kết nối.

Việc cải cách chính sách BHXH nhằm tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu, dảm bảo, không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau. Ảnh: B.H

Việc cải cách chính sách BHXH nhằm tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu, dảm bảo, không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau. Ảnh: B.H

Hệ quả của điều này là trên thực tế vẫn còn nhiều những khoảng trống chính sách mà ở đó các đối tượng người dân chưa nhận được sự bảo vệ, sự đảm bảo an toàn và an ninh thu nhập từ hệ thống an an sinh xã hội của Nhà nước.

Việt Nam hiện có trên 5 triệu người cao tuổi có độ tuổi trên 60 và dưới 80 (không thuộc hộ nghèo, không bị khuyết tật) không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng từ hỗ trợ của Nhà nước nên còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, trong lần cải cách chính sách BHXH này, hệ thống BHXH đa tầng đã được Đảng, Nhà nước xác định cụ thể.

Tầng thứ nhất là trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách Nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Theo đó, sẽ có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.

Tầng thứ hai là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện: BHXH bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động.

BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách Nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân. Mở rộng diện bao phủ BHXH theo lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp từng thời kỳ.

Tầng thứ ba là bảo hiểm hưu trí bổ sung. Đây là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

“Khi thực hiện hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách Nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH. Đảm bảo, không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau”, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm về nội dung cải cách hệ thống BHXH đa tầng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, phần gốc cải cách mà chúng ta cần tập trung thực hiện trong lần cải cách chính sách BHXH lần này là tầng thứ hai - BHXH cơ bản.

Theo đó, với BHXH bắt buộc, dự kiến đến năm 2021 sẽ bổ sung thêm 4 đối tượng (gồm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý Hợp tác xã, đặc biệt là nhóm người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức…) tham gia.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện chúng ta có 50 triệu lao động, trong đó có khoảng 14 triệu lao động đã tham gia BHXH bắt buộc, 8 triệu người có quan hệ lao động và 34 triệu lao động tại khu vực phi chính thức nông nghiệp nông thôn. Vậy bài toán cải cách đặt ra ở đây là phải làm sao đưa tất cả các đối tượng lao động vào hệ thống BHXH để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài là hết sức quan trọng.

Với chính sách BHXH tự nguyện, ông Lợi cho biết, hiện, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện với các mức hỗ trợ tưng ứng từ 10%-30% với một số đối tượng cụ thể. Nhưng, qua thực tế triển khai cho thấy, chính sách hỗ trợ này chưa đủ sức thu hút người dân tham gia, khiến việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không đạt yêu cầu.

“Đứng trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, cần tăng mức hỗ trợ tham gia của Nhà nước với chính sách BHXH tự nguyện có thể lên mức từ 50-70% trong thời hạn nhất định, nhằm tạo “cú hích” thúc đẩy người dân, người lao động quan tâm tham gia BHXH tự nguyện. Sau khi hình thành và tạo dựng được “thói quen” tham gia BHXH tự nguyện của người dân, người lao động, chúng ta sẽ thiết kế lộ trình hỗ trợ đóng giảm dần tương ứng với những mốc thời gian cụ thể,” Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.

Ngày 23/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Với mục tiêu tổng quát, cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Theo đó, sẽ có 11 nội dung về chính sách BHXH sẽ được tập trung cải cách trong thời gian tới, trong đó nội dung đầu tiên là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cai-cach-chinh-sach-bhxh-tien-toi-moi-nguoi-cao-tuoi-deu-co-luong-huu-76573.html