Cải cách chính sách BHXH hướng tới an sinh bền vững

Theo Bộ LĐTB-XH, trong lần cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) này, hệ thống BHXH đa tầng đã được Đảng, Nhà nước xác định cụ thể, giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ với mục tiêu: Tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách Nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH, không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau.

Cải cách BHXH sẽ hướng tới mọi người già đều có lương hưu.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp nhận định, cho đến nay, chính sách BHXH nói riêng và hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta nói chung vẫn mang tính đơn lẻ và thiếu tính kết nối. Hệ quả của điều này là trên thực tế vẫn còn nhiều những khoảng trống chính sách mà ở đó các đối tượng người dân chưa nhận được sự bảo vệ, sự đảm bảo an toàn và an ninh thu nhập từ hệ thống an an sinh xã hội của Nhà nước.

Việt Nam hiện có trên 5 triệu người cao tuổi có độ tuổi trên 60 và dưới 80 (không thuộc hộ nghèo, không bị khuyết tật) không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng từ hỗ trợ của Nhà nước nên còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, trong lần cải cách chính sách BHXH này, hệ thống BHXH đa tầng đã được Đảng, Nhà nước xác định cụ thể. Trong đó để mở rộng diện bao phủ BHXH theo Nghị quyết 28-NQ/TW, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để tăng số người tham gia BHXH và số người được hưởng lương hưu hằng tháng.

Về mặt luật pháp, theo ông Diệp, chính sách cần rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm có nhu cầu và có khả năng như: Chủ hộ kinh doanh, người quản lý DN, người quản lý, điều hành HTX không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt; cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện, tăng mức hỗ trợ từ NSNN; cần sửa đổi chính sách để người lao động chọn phương án bảo lưu thời gian tham gia thay vì nhận BHXH một lần.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, chính sách BHXH vẫn còn tồn tại 7 vấn đề, như: Có nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH nếu không cải cách chính sách; Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2020 phải có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, nhưng đến nay mới chỉ đạt khoảng 29%; công thức tính lương hưu của Việt Nam quá thấp (các nước tính lương hưu cao nhất 60% nhưng Việt Nam là 75%); tình hình nợ đọng BHXH rất cao dù BHXH Việt Nam và Bộ LĐTB&XH đã rất quyết tâm; nhiều người lao động hưởng BHXH một lần; Việt Nam bắt đầu kết thúc thời kỳ dân số vàng và chuyển sang thời kỳ dân số già hóa.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện chúng ta có 50 triệu lao động, trong đó có khoảng 14 triệu lao động đã tham gia BHXH bắt buộc, 8 triệu người có quan hệ lao động và 34 triệu lao động tại khu vực phi chính thức nông nghiệp nông thôn. Vậy bài toán cải cách đặt ra ở đây là phải làm sao đưa tất cả các đối tượng lao động vào hệ thống BHXH để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài là hết sức quan trọng.

Với chính sách BHXH tự nguyện, hiện Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện với các mức hỗ trợ tương ứng từ 10 - 30% với một số đối tượng cụ thể. Nhưng, qua thực tế triển khai cho thấy, chính sách hỗ trợ này chưa đủ sức thu hút người dân tham gia, khiến việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không đạt yêu cầu. “Đứng trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, cần tăng mức hỗ trợ tham gia của Nhà nước với chính sách BHXH tự nguyện có thể lên mức từ 50-70% trong thời hạn nhất định, nhằm tạo “cú hích” thúc đẩy người dân, người lao động quan tâm tham gia BHXH tự nguyện. Sau khi hình thành và tạo dựng được “thói quen” tham gia BHXH tự nguyện của người dân, người lao động, chúng ta sẽ thiết kế lộ trình hỗ trợ đóng giảm dần tương ứng với những mốc thời gian cụ thể” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/do-thi/cai-cach-chinh-sach-bhxh-huong-toi-an-sinh-ben-vung-tintuc410604