Cải cách cách viết Quốc Ngữ: Nói cho vui...

Chữ Quốc ngữ ra đời năm 1615, vậy tính tới nay được 405 năm. Trong lịch sử tồn tại, có không ít ý kiến đòi cải cách ''hay đáo để mọi nhẽ''.

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, cuốn tự điển giải thích tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên, do người Việt Nam biên soạn.

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, cuốn tự điển giải thích tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên, do người Việt Nam biên soạn.

Chúng tôi sẽ liệt kê một số ý tưởng đòi cải cách ‘’cách viết chữ Quốc Ngữ’’ từ khoảng năm 1868 tới nay, để bạn đọc tham khảo, và cười… cho vui:

Cha Alexadre de Rhode, người soạn Tự vị Việt Bồ La.

Tây cũng...cải cách tiếng Việt

Trước tiên, có một số học giả người Pháp nêu ra vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ, nhằm làm cho ‘’nó phù hợp với… chữ Pháp hơn nữa’’. Nghe hài hước không, các giáo sư cũng nặng tâm hồn thực dân đến vậy.

Trong cuốn Dictionnaire Élémentaire Annamite-Francais, Saigon, 1868, Le Grand de la Liraye đề nghị dùng ‘’dz’’ thay ‘’d’’, dùng ‘’sh’’ thay cho ‘’s’’, vì trong tiếng Việt ‘’s’’ không phát âm như trong tiếng Pháp.

Aymonier đề nghị dùng ‘’k’’ là phụ âm thay cho ‘’c’’ và ‘’q’’ trong mọi trường hợp. Dùng ‘’c’’ thay cho ‘’ch’’, dùng ‘’d’’ thay cho ‘’đ’’, dùng ‘’z’’ thay cho ‘’d’’, dùng ‘’j’’ thay cho ‘’gi’’…

Ông này cũng cố bỏ hết dấu phụ trên các chữ nguyên âm, bằng cách thêm các con chữ chắp đôi, như ‘’aa’’ là ‘’a’’, còn ‘’a’’ thay cho ‘’ă’’, ‘’ae’’ thay cho ‘’â’’. Hay ‘’ee’’ thay cho ‘’e’’, còn ‘’e’’ là ‘’ê’’… Vân vân.

Mấy năm sau, Hội nghị quốc tế khảo cứu về Viễn Đông, hay Hội đồng cải lương học chính (1906) họp cũng chỉ loanh quanh vài đề án thay vì viết thế này nên viết thế kia, kiểu như thay cách viết ‘’ây’’ bằng ‘’êi’’, hay ‘’uy’’ sẽ là ‘’ui’’, hoặc bỏ ‘’h’’ sau ‘’ng’’ hoặc ‘’g’’… không thấy có gì khác, hay mới, đột phá.

Năm 1912, Jules Roux còn tiên đoán sự phát triển tự nhiên của chữ Quốc ngữ là cuối cùng sẽ xóa bỏ gạch nối đang còn nối liền hai chữ đơn âm như ‘’nghỉ-ngơi’’, ‘’sung-sướng’’… thành viết liền ‘’nghỉngơi’’, ‘’sungsướng’’. Tiên đoán này, hiện tới nay mới đúng một nửa là bỏ dấu gạch, còn đợi xem có đúng nốt một nửa nữa hay không.

Năm 1928, Tay Zuong (bút danh của Gustave Hue) trong cuốn L’Avenir du Tonkin, supplemment đề nghị dùng con số 2,3,4,5,6 viết sau đuôi chữ thay cho các dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Ví dụ: ‘’tài xế’’ thành ‘’tai2 xê3’’. Đọc tới đây quý vị đừng cười nhé. Không phải những bộ óc thông minh nhất thì không có lúc ngây ngô.

Học giả Pháp thì vậy, học giả ta thì sao?

Năm 1919, trong bài ‘’Cách viết tên riêng’’ trên tờ ‘’Trung – Bắc tân văn’’ ngày 30 tháng 7 năm 1919, Phó Đức Thành đề nghị dùng các con chữ B, D, K, L, Q thay cho thanh điệu huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng.

Cũng năm 1919, Nguyễn Háo Vĩnh thí nghiệm cách viết liền, trước hết là tên người, địa phương của tiếng nước ngoài, rồi cả những từ khác như ‘’quốcdân’’, ‘’mụcđích’’, ‘’xuhướng’’…

Nhà thơ Tản Đà.

Năm 1920, thi sỹ Tản Đà, chắc là trong lúc say, viết rằng ‘’Trời bượch cười’’… Ông còn đề xuất viết ‘’ông’’ bằng ‘’ônh’’, ‘’ôc’’ bằng ‘’ôch’’… khiến đời sau tự hỏi, viết thế thì thơ ông có hay hơn không…

Trần Trọng Kim, trong bài ‘’Sự sửa đổi chữ Quốc ngữ’’ đăng trên ‘’Trung – Bắc tân văn’’ ngày 10/11/1928. đề nghị cách viết phân biệt từ đồng âm dị nghĩa. Ví dụ chữ ‘’minh’’ nghĩa sáng viết là ‘’minhs’’. ‘’Minh’’ nghĩa tối trong ‘’u minh’’, viết là ‘’minht’’. ‘’Minh’’ kêu viết là ‘’minhk’’, ‘’minh’’ nghĩa là thề viết là ‘’minhth’’, ‘’minh’’ trong ‘’bài minh khắc trên chuông’’ viết là ‘’minhb’’…

Học giả Trần Trọng Kim

Nguyễn Triệu Luật cũng đề xuất giống Trần Trọng Kim. Ví dụ tính từ ‘’thanh’’ nghĩa là trong (văn vắt) viết là ‘’rthanh’’, với danh từ ‘’thanh’’, nghĩa là tiếng, viết là ‘’tthanh’’. ‘’Thanh’’ là từ chỉ màu xanh, viết là ‘’xthanh’’…

Đừng cười vội nhé, bạn đọc yêu quý. Còn nữa. Năm 1942, Nguyễn Xuânquang đề nghị viết liền cả thành ngữ, như ‘’nămthìmươìhọa’’, ‘’ngôìlêđôimách’’…

Đặc biệt, ông còn cho rằng cách viết liền làm cho động từ trong tiếng Việt cũng có đủ các cách, các thì, các thể… như trong tiếng Pháp. Ví dụ ‘’bịtù’’ – thể thọ động, ‘’chảlo’’ – thể phủ động, ‘’đángsợ’’ – thể khả động, ‘’chưabiết’’ – thể nghi vấn, ‘’đãcó’’ – thì quá khứ…

Báo Trung - Bắc tân văn.

Chúng tôi nghĩ liệt kê như thế cũng đã dài. Cười vui thế cũng đã đủ. Vì sao các học giả cứ muốn cải cách cách viết chữ Quốc ngữ đến như vậy?

Có lẽ các nhà ngôn ngữ học quan niệm một cách hàn lâm rằng: Nguyên tắc chính tả cơ bản của chữ Quốc ngữ là nguyên tắc ‘’ngữ âm-âm vị học’’, hoặc ‘’ngữ âm học’’ – tức là phát âm thế nào thì ghi lại như thế.

Chúng tôi nghĩ rằng, quan niệm thế đúng nhưng chưa đủ. Bởi từ tiếng Việt, bộ phận từ Hán Việt, viết bằng chữ Quốc ngữ (về khía cạnh chính tả) còn liên qua tới từ gốc trong chữ Hán nữa.

Nhà báo, học giả Trương Vĩnh Ký. Người có công truyền bá chữ Quốc ngữ bằng công cụ báo chí.

Trong quá khứ, khi các Cha Thừa Sai nghiên cứu, họ đã cộng tác cùng nhiều bậc túc Nho để so sánh đối chiếu. Nếu chỉ nghe phát âm, thì chỉ âm ‘’s’’ và ‘’x’’, hay ‘’d, gi, r’’ hay các vần… thì từ Bắc vào Nam mỗi vùng đã một kiểu. Ví dụ như ‘’làm quen’’ thì người Quảng nói ‘’lồm quen’’, ‘’bài chòi’’ người Quảng Nam nói thành ‘’bờ chùa’’. Hỏi làm sao có được cách viết ổn định như hôm nay?

Bằng chứng của sự hợp tác giữa các Cha Thừa Sai và người giỏi chữ Hán Nôm đã cho ra đời các cuốn sách giảng kinh bằng chữ Nôm.

Và để lại những sự phân biệt rất tinh tế. Ví dụ như trường hợp chữ ‘’chưng’’ với phụ âm kép ‘’ch’’ là chữ Hán Việt, gốc chữ Hán là chữ có bộ Hỏa, nghĩa là đun sôi nhỏ lửa. Còn chữ ‘’trưng’’ liên quan tới chữ trưng có bộ Xích, nghĩa là bày ra, trưng ra, gọi đến… Cũng nhân đây, nếu chỉ nghe rồi ký âm, thì sao có ‘’chưng’’ và ‘’trưng’’… được.

Tờ Gia Định Báo. Tờ báo đầu tiên tại Việt Nam, ra đời ở Nam Bộ bằng chữ Quốc ngữ.

Ngày hôm nay, vẫn có nhiều người hăm hở cho rằng cách viết chữ Quốc ngữ chưa hợp lý, xét theo nguyên tắc ‘’ngữ âm-âm vị học’’ hay ‘’ngữ âm học’’… Họ nghiên cứu miệt mài.

Tinh thần lao động thì phải khen ngợi. Nhưng nếu xét cách viết chữ Quốc ngữ hiện nay đã ‘’ổn định tương đối’’ như một ngôn ngữ, thì cải cách cách viết để làm gì?

Các thay đổi sẽ khiến 100 triệu người đi học lại. Toàn bộ sách vở từ văn chương triết học, khoa học, văn bản hành chính… sẽ làm lại. Cách viết tiếng Việt như cũ, tồn tại trong hàng tỷ tỷ tỷ… văn bản sẽ thành ‘’tử ngữ’’ như tiếng Latin.

Trong khi đó, cách viết tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ như hiện tại, đã đạt đến độ ổn định cao, và đang được nhiều bộ óc người Việt sáng tạo, cũng có nghĩa là sức sống nội tại của cách viết đó đang phát huy sức sáng tạo.

Hàn Thủy Giang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/cai-cach-cach-viet-quoc-ngu-noi-cho-vui-3401742/