Cải cách bộ máy Chính phủ

Bộ Nội vụ đề nghị đến năm 2030, giảm còn 16 - 18 đầu mối các Bộ, cơ quan ngang Bộ thay vì 22; đẩy mạnh chuyển đổi số, Chính phủ số.

Bộ Nội vụ đề nghị, phấn đấu đến năm 2030, giảm còn 16 - 18 đầu mối các Bộ, cơ quan ngang Bộ thay vì 22 như hiện nay; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số.

Một việc vẫn còn nhiều bộ ngành quản lý

Chuyện một sản phẩm, một sự việc 3, 4 (thậm chí nhiều hơn) bộ ngành cùng quản lý lâu nay là câu chuyện không phải hiếm.

Một DN thực phẩm từng kể: “Một cái xúc xích của chúng tôi nhưng có đến bảy bộ, ngành quản lý. Đó là các Bộ: Y tế, Bộ NN-PTNT, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính (cùng với Tổng cục thuế và Tổng cục Hải quan), Khoa học Công nghệ và Công an nữa”.

Hay như mới đây, vào tháng 7 - 8/2020, khi xảy ra sự việc người tiêu dùng sản phẩm pate Minh Chay (Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới tại Hà Nội) bị ngộ độc mới thấy được sự vòng vèo trong quản lý của nhiều bộ ngành.

Sản phẩm này được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn. Cơ quan Quản lý thị trường thuộc ngành công thương thực hiện vai trò kiểm tra. Còn Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng có văn bản với vai trò là quản lý về an toàn thực phẩm.

Như vậy, ít nhất là 3 bộ ngành tham gia quản lý sản phẩm này nhưng cho đến khi sự việc xảy ra, rất nhiều đoàn kiểm tra vào cuộc, công ty này mới bị đình chỉ hoạt động sản xuất.

Trong kiến nghị gửi lên Chính phủ tại một kỳ họp Quốc hội khóa XIV vào năm 2019, cử tri đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phản ánh, lĩnh vực xăng dầu thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhưng có nhiều Bộ ngành cùng quản lý như: Bộ Công an, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và môi trường, Tài chính...

Ngày 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ triển khai công việc sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự. Ảnhh: Nhật Bắc

Ngày 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ triển khai công việc sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự. Ảnhh: Nhật Bắc

Chuyện 1 lít xăng dầu có đến hơn 5 Bộ ngành cùng quản lý với những quy định khác nhau đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Thảo luận tại hội trường về dự luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV vào cuối năm 2018, ĐB Trần Quang Chiểu cũng nêu thực tế 2 bộ cùng quản lý ngân sách nhà nước. Cụ thể Bộ KH-ĐT quản lý phân bổ, chi đầu tư còn Bộ Tài chính quản lý phân bổ chi thường xuyên.

Việc này dẫn đến tình trạng nguồn lực phân tán, chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý. Từ đó làm giảm hiệu quả chi ngân sách và sử dụng phân tán, manh mún, xé lẻ, thiếu sự gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư.

“Trên thế giới có trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ có Việt Nam là có 2 bộ quản lý vốn ngân sách nhà nước. Trong khi quy mô nền kinh tế cũng như quy mô ngân sách của chúng ta không lớn. Vì vậy không có lý do gì không tập trung về một mối. Việt Nam không thể một mình một kiểu”, ĐB Trần Quang Chiểu nói.

Chỉ mới cắt phần ngọn

Đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác giúp người đứng đầu Chính phủ nhiều việc, trong đó có việc rà soát sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quản lý, điều hành của các bộ ngành từ những thủ tục cụ thể.

Thời gian đầu làm việc với các bộ ngành về thủ tục kiểm tra chuyên ngành vào năm 2017, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thời điểm đó là ông Mai Tiến Dũng đảm nhiệm đã nêu con số giật mình. Trung bình một năm các DN phải mất gần 30 triệu ngày công và chi phí gần 15.000 tỷ đồng cho kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hiện có gần 100.000 mặt hàng phải kiểm tra khi thông quan, con số rất lớn, kiểm tra rất nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất ít, chỉ khoảng 0,06%.

“Một dây chuyền sản xuất ô tô, đã kiểm tra khi nhập khẩu rồi nhưng khi lắp ráp xong ở nhà máy thì bộ khác lại đến kiểm tra lần nữa. Hay cần cẩu thì phần dưới thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, phần trên của Bộ LĐ-TB-XH là không ổn” ông Mai Tiến Dũng lưu ý.

Chính vì vậy, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ khi đó là giảm tối đa tình trạng chồng chéo trong kiểm tra, một mặt hàng chỉ giao 1 đầu mối quản lý.

Sự nỗ lực của Thủ tướng, Chính phủ và của Tổ công tác trong cả nhiệm kỳ qua đã giúp cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa chuyên ngành. Tuy nhiên những tiếng kêu ca của DN về tình trạng phải “đi nhiều cửa” để làm thủ tục và phải “đón tiếp” nhiều đoàn, nhiều ngành “đến thăm” vẫn còn.

Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/20200

Dù công cuộc cải cách thủ tục hành chính có nỗ lực bao nhiêu đi nữa thì đó vẫn là phần ngọn, cắt thủ tục này thì thủ tục khác vẫn có thể mọc ra. Cái gốc của vấn đề nằm ở sự quản lý chồng chéo, trùng lắp chức năng nhiệm vụ giữa các bộ ngành, một việc có nhiều bộ ngành cùng tham gia quản lý.

Gốc rễ ở bộ máy

Đảng đã nhìn rõ gốc rễ của chuyện này và đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong Nghị quyết 18, Trung ương 6 khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Đó là, khẩn trương rà soát, cương quyết sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành và các tổ chức trực thuộc các bộ, ngành; khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Đảng cũng yêu cầu rà soát, sắp xếp theo hướng giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách.

Nghị quyết cũng lưu ý, tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông – xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ có nhấn mạnh đến việc: “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Thực hiện các chủ trương của Đảng, Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, một trong các giải pháp bộ đưa ra để thực hiện tinh gọn bộ máy là: “Đẩy mạnh đổi mới bộ máy Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Việc này nhằm khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đảm bảo nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Mạnh dạn giảm 4 – 8 bộ, ngành

Trong dự thảo Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các bộ ngành lần cuối để trình Thủ tướng ban hành cũng đề cập nhiều điểm đáng chú ý về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong giai đoạn sắp tới.

Trong đó, Bộ Nội vụ đề nghị tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định.

“Phấn đấu đến năm 2030, giảm còn 16 - 18 đầu mối các Bộ, cơ quan ngang Bộ; giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian…".

Để thực hiện việc này, Bộ Nội vụ đưa ra một số nhiệm vụ, trong đó có xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức Chính phủ trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chủ động tham gia, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất thí điểm mô hình các cơ quan độc lập có chức năng thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực, tiến tới tách chức năng thực thi pháp luật khỏi các Bộ, cơ quan ngang Bộ để tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước.

Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh đến việc, rà soát, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan hành chính phải thực hiện, những công việc cần phân cấp cho địa phương, cấp dưới thực hiện; công việc cần chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; trên cơ sở đó thiết kế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính phù hợp ở Trung ương và địa phương.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng cho rằng, cần nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối, trọng tâm là các ngành, lĩnh vực: Giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; dân tộc - tôn giáo, thanh tra - kiểm tra, giáo dục - khoa học và công nghệ,...

Thiết kế lại vận hành của Chính phủ

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình điều hành, chỉ đạo của bộ máy Chính phủ là một yếu tố không thể thiếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0 hiện nay để giúp cho bộ máy không những tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà còn thông suốt.

Chính vì vậy, Bộ Nội vụ cũng đặt ra mục tiêu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chiều 10/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong quý 2 này, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, điều quan trọng nhất của Chính phủ số là cung cấp dịch vụ số cho người dân, toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

Quan điểm cơ bản phát triển Chính phủ số là: Toàn bộ hoạt động của Chính phủ an toàn trên môi trường số; có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng, đưa ra quyết định nhanh hơn, kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó là định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác nhau tham gia vào vận động của cơ quan nhà nước, tương tác cơ quan nhà nước để tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ. Cơ quan nhà nước là dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Ngoài ra, nền tảng là giải pháp đột phá, phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt, có thể sử dụng mọi nơi. Thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, coi Chính phủ số là thị trường phát triển công nghệ.

Chiến lược Chính phủ số đặt ra 5 mục tiêu: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân và doanh nghiệp; sự vận hành tối ưu của cơ quan nhà nước dựa trên công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội như y tế, giáo dục, giao thông...

Việc chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là chuyển đổi có tính căn bản, từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số; khái niệm hệ thống công nghệ thông tin được thay bằng nền tảng số; từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận theo hướng dữ liệu; từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước và người dân, doanh nghiệp; từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị...

Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cũng sẽ đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số quốc gia, phát triển nền tảng số quốc gia, phát triển dữ liệu quốc gia, phát triển các ứng dụng quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Mục tiêu đến 2025:

- 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc

- 100% Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia;…

- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội (không bao gồm nội dung mật) phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/cai-cach-bo-may-chinh-phu-n-474574.html