Cái bẫy khiến Anh sa lầy trong đại dịch Covid-19

Thủ tướng Boris Johnson hôm 4/1 đã tái áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn nước Anh vì dịch Covid-19. Nguyên nhân đợt bùng dịch này được cho là phức tạp hơn những lần trước.

Nước Anh lần đầu phải phong tỏa vì dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Thời điểm đó, quốc đảo sương mù chịu thiệt hại về người và suy thoái kinh tế nặng nề nhất châu Âu.

Tình hình trở nên khả quan hơn vào mùa hè khi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì dịch có dấu hiệu hạ nhiệt. Để khống chế tình hình giống nhiều quốc gia châu Âu khác, nước Anh đã phải trả giá bằng hàng nghìn sinh mạng.

Bước sang năm mới 2021, nước Anh một lần nữa sa vào vết xe đổ của chính mình. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 15/1, nước Anh đã ghi nhận hơn 3,2 triệu ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có hơn 86.000 trường hợp tử vong.

 Thủ tướng Johnson tuyên bố tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 4/1. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Johnson tuyên bố tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 4/1. Ảnh: Reuters.

Trong bài phát biểu hôm 4/1, Thủ tướng Johnson cảnh báo về nguy cơ lan rộng của biến chủng virus mới và lo ngại hệ thống bệnh viện ở Anh sẽ bị quá tải. Do đó, ông tuyên bố tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong vỏn vẹn 9 tháng.

Nguyên nhân dẫn đến đợt bùng dịch mới nhất được cho là phức tạp hơn những lần trước, tạp chí Atlantic nhận định.

Thiếu quyết đoán

Giới quan sát cho rằng một trong những nhân tố trực tiếp gây ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở Anh chính là lối vận dụng “khuyến cáo khoa học” chưa hợp lý của Thủ tướng Johnson.

Chính trị gia 56 tuổi được cho là đã không hành động quyết đoán theo lời khuyên của các chuyên gia y tế. “Tình hình hiện tại không phải là thất bại đến từ các khuyến cáo khoa học”, cựu cố vấn Mark Walport của chính phủ Anh nói với tờ Atlantic. “Các nhà hoạch định chính sách thực tế đã lường trước được những rủi ro có thể xảy đến”.

Cố vấn Ian Boyd của chính quyền Thủ tướng Johnson cũng cho biết: “Kể từ tháng 4, mọi người đều hiểu rằng diễn biến dịch bệnh vào mùa đông (2020) sẽ rất tệ. Ai ai cũng nhận thấy đó là điều tất yếu sẽ xảy ra”.

Cựu cố vấn Mark Walport của chính phủ Anh. Ảnh: ITV Hub.

Ngay từ ngày 3/3/2020, khi Anh lần đầu phong tỏa toàn quốc, các chuyên gia y tế nước này đã cảnh báo về nguy cơ bùng dịch trong giai đoạn cuối năm 2020 thậm chí sẽ khó kiểm soát hơn, do đó nên chuẩn bị sẵn phương án đối phó.

Vào tháng 7/2020, một báo cáo công bố bởi Học viện Y khoa Anh cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự về khả năng bùng dịch trong mùa đông.

Tờ Financial Times nhận định rằng Thủ tướng Johnson đã rơi vào chiếc bẫy của chủ nghĩa ái quốc cực đoan khi cố biến Anh trở thành trường hợp ngoại lệ trên phương diện chống dịch tại châu Âu.

Để tách biệt với Pháp, Italy và Tây Ban Nha, ông Johnson đã chần chừ không áp dụng ngay các biện pháp giãn cách xã hội khi diễn biến dịch có dấu hiệu xấu đi, theo Financial Times. Điều này đã tạo điều kiện cho mầm bệnh Covid-19 lây lan mạnh trong nửa sau của năm 2020.

Cả hai ông Walport và Boyd đều cho rằng Thủ tướng Johnson đang cố chống dịch một cách "trung dung": khống chế dịch bệnh mà không phá hủy cuộc sống bình thường và nền kinh tế. Điều này hoàn toàn hợp lý, cả hai đều thừa nhận. Tuy nhiên, ông Walport cho rằng cách tiếp cận "nước đôi" này hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng lợi bất cập hại.

Phố xá ở Anh vắng vẻ vì lệnh phong tỏa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tác động của biến chủng mới

Mặt khác, Thủ tướng Johnson lập luận rằng sự xuất hiện của biến chủng virus mới dễ lây lan hơn ở Anh đã khiến chiến lược chống dịch của chính phủ đi vào ngõ cụt.

Quả thực, với độc lực mạnh và khả năng phát tán nhanh, sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2 mới tại Anh là một trong những nguyên nhân khiến tình hình đại dịch ở nước này vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, sự phức tạp của tình hình dịch bệnh trong giai đoạn cuối 2020 là điều đã được các cố vấn y tế chính phủ Anh lường trước.

Do đó, sự “thất thủ” dẫn đến lệnh tái phong tỏa toàn quốc một phần xuất phát từ khả năng chuẩn bị đối phó với dịch bệnh chưa hiệu quả và không triệt để của giới chức Anh, tờ Atlantic nhận xét.

Sự xuất hiện của biến chủng mới ở Anh đặt hệ thống y tế nước này vào tình trạng báo động. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, trước khi xuất hiện biến chủng mới, dịch Covid-19 ở Anh đã có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian ngắn. Theo Worldometers, tính riêng trong ngày 15/12/2020, một ngày trước khi giới chức Anh công bố về sự xuất hiện của biến chủng mới, số bệnh nhân mắc Covid-19 ở nước này đã tăng 18.450 ca trong vỏn vẹn 24 giờ.

Từ đó có thể thấy, sự lây lan rộng của mầm bệnh SARS-CoV-2 trong cộng đồng suốt quãng thời gian dài đã làm gia tăng tỷ lệ xuất hiện đột biến nguy hiểm.

Chung quy lại, hệ quả từ quá trình Brexit và đường lối chống dịch của chính quyền Thủ tướng Johnson đã đẩy nước Anh rơi vào tình trạng cô lập trên nhiều phương diện, tờ Financial Times nhận định.

Người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 ở Anh Anh vừa công bố những hình ảnh về buổi tiêm chủng vaccine Covid-19 đầu tiên hôm 8/12. Bà Margaret Keenan, 90 tuổi là người đầu tiên được tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-bay-khien-anh-sa-lay-trong-dai-dich-covid-19-post1170711.html