Cái bắt tay lịch sử

Cái bắt tay kéo dài hơn thường lệ giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trước hội đàm tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đã đi vào lịch sử.

Bởi, để có được cái bắt tay ấy là điều không hề dễ dàng sau nhiều thập kỷ căng thẳng và nghi kỵ giữa hai bên. Nhưng cuối cùng, tư duy lành mạnh đã giúp hai bên "vượt qua những trở ngại, đến được với cuộc gặp thượng đỉnh này".

Cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: CNN

Thế giới đã được chứng kiến giây phút lịch sử, giây phút của những thay đổi lớn lao khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ký kết văn kiện chung Mỹ-Triều, được chờ đợi suốt 7 thập kỷ qua, với những nội dung "cốt tử" mà hai bên không thể thống nhất trong ngần ấy năm. Giờ đây Triều Tiên đồng ý cam kết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Về phía Mỹ, Washington cũng đưa ra cam kết "bảo đảm an ninh" với Triều Tiên.

Văn kiện chung tuy chỉ dài hơn một trang giấy, nhưng nội dung được cả hai bên đồng lòng ký kết phản ánh đúng nguyện vọng chính đáng của hai nước; đạt được các tiêu chí trước đó hai bên đề ra. Trong đó, Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ Mỹ-Triều mới thể theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng. Mỹ và Triều Tiên sẽ tham gia nỗ lực nhằm xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom ngày 27-4-2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm lại và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), gồm cả việc đưa những hài cốt đã được nhận dạng về nước ngay lập tức.

Văn kiện chung được thông qua là câu trả lời rõ nhất về những băn khoăn của nhiều người đặt ra trước hội nghị này: Liệu hai bên có vượt qua được căng thẳng và thù địch nhiều thập kỷ qua để mở ra một tương lai mới trong mối quan hệ? Thiện chí và lòng tin mà hai bên dành cho nhau chính là chìa khóa giúp thu hẹp những bất đồng lớn lâu nay.

Kết quả hội nghị thượng đỉnh này thậm chí còn vượt qua mong đợi, khi Triều Tiên cam kết phá hủy cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa, còn Tổng thống Trump cam kết chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, thậm chí có thể xem xét rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc trong tương lai. Kết quả đó cũng mở ra hy vọng rằng cuộc chiến tranh Triều Tiên sẽ sớm chính thức chấm dứt, để Mỹ và Triều Tiên có thể xây dựng quan hệ bạn bè, như lời Tổng thống Trump khẳng định "lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng kẻ thù hoàn toàn có thể trở thành bạn bè”.

Tất nhiên, không thể kỳ vọng một hội nghị kéo dài chỉ nửa ngày có thể giải quyết hết những bất đồng giữa hai quốc gia từng là địch thủ trong nhiều thập kỷ. Đối với Mỹ, kết quả tích cực bước đầu của hội nghị thượng đỉnh này cho thấy cách tiếp cận của Mỹ và Tổng thống Donald Trump trong giải quyết "hồ sơ" Triều Tiên theo cách đàm phán trực tiếp cấp lãnh đạo cao nhất, thay vì cơ chế đàm phán 6 bên như trước đây, là phù hợp.

Lịch sử đã chứng minh rằng giải pháp ngoại giao luôn là con đường tối ưu để giải quyết mọi xung đột, căng thẳng. Thành công của cuộc gặp lịch sử này cũng được coi là thành tựu ngoại giao nổi bật của Tổng thống Donald Trump sau một năm rưỡi cầm quyền. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa cuộc gặp này, cần nhớ lại rằng, chưa từng có một cuộc gặp nào giữa Tổng thống Mỹ đương nhiệm và nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên diễn ra trong lịch sử.

Quan hệ Mỹ-Triều đã bước sang trang mới. Cho dù còn nhiều chông gai trước mắt, nhưng đích đến là hòa bình và ổn định đã ở gần. Những công việc còn dang dở sẽ tiếp tục được tiếp nối. Hành động Tổng thống Donald Trump mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Nhà Trắng cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đang thực sự muốn bước chung con đường, đi tới cùng một đích: Đích của hòa bình, thịnh vượng. "Một sự thay đổi lớn lao" giữa Mỹ và Triều Tiên đang diễn ra.

Chắc chắn kết quả khả quan của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ tác động tích cực đến tình hình quốc tế và khu vực. Ít nhất, việc chấm dứt đối đầu và căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra hàng thập kỷ nay sẽ mở ra triển vọng hòa bình quốc tế và khu vực châu Á, trước hết là Đông Bắc Á. Điều đó tạo ra bước ngoặt cho sự thay đổi lớn lao về quan hệ và quyền lợi của nhiều nước có liên quan. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà các nước như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều lên tiếng hoan nghênh và cam kết hỗ trợ triển khai kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Về khía cạnh đối nội, kết quả này chắc chắn sẽ tác động đến diễn biến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với không ít các vấn đề phát sinh do chính sách của mình hơn một năm qua. Còn với Triều Tiên, sau nhiều thập kỷ chiến tranh, bị cô lập khiến kinh tế kiệt quệ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang quyết liệt thực hiện mục tiêu cải thiện nền kinh tế, giảm bớt sức ép cấm vận từ bên ngoài. Cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ thành công đồng nghĩa với việc ông tiến thêm một bước nữa để cải thiện quan hệ với thế giới, nền tảng vững chắc để tiếp tục các bước đi tiếp theo hướng tới gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và từng bước cải thiện cuộc sống của người dân.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đã khép lại nhưng kết quả của nó lại mở ra tương lai tốt đẹp hơn. Lãnh đạo hai nước quyết "gác lại quá khứ" để cùng nhau xây dựng một tiến trình phi hạt nhân được cho là sẽ bắt đầu "rất nhanh chóng". Dù mới chỉ là bước đầu, nhưng những gì mà hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đạt được tại cuộc gặp đầu tiên này chắc chắn sẽ là cú hích quan trọng và quý giá cho các bước đi tiếp theo trên con đường bảo đảm an ninh khu vực, thiết lập hòa bình lâu dài cũng như thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/cai-bat-tay-lich-su-541319