'Cái bang' bùng phát tại TP.HCM: Cơ quan chức năng lơ là?

Từ trước Tết Nguyên Đán Mậu Tuất đến nay, tình trạng người đứng ở các tuyến đường, chùa chiền, điểm du lịch... để xin tiền (hay quen gọi ăn xin) tại TP.HCM có dấu hiệu bùng phát.

Đa số người đứng xin tiền là trẻ em và người già. Các chuyên gia cho rằng, chừng nào chưa dẹp được các đối tượng chăn dắt chừng đó sẽ còn có nhiều người trở thành công cụ đi xin tiền.

Xuất hiện ngày càng nhiều

Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, tại TP.HCM, từ khu vực trung tâm đến các quận, huyện ngoại thành, tình trạng người xin tiền diễn ra ở nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Điển hình, trên đường Lý Chính Thắng, đoạn giao với Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) luôn có từ 1 - 2 người túc trực ở đây xin tiền. Trong đó, có một bà cụ thường ngồi và ngửa nón xin tiền, chủ yếu vào buổi chiều hàng ngày cho đến khuya.

Người đàn ông ngụy trang bằng bịch tăm bông kế bên... để xin tiền

Bà cụ này đã lớn tuổi. Tuy nhiên, khi PV tiếp cận, bà này lập tức bỏ đi, dù hỏi bất cứ câu gì cũng không trả lời. PV bám theo nhưng bà cụ lẩn vào một con hẻm và ngồi tại đây. Được khoảng 30 phút, bà trở lại tiếp tục hành “nghề cái bang”. Tương tự, đoạn đường Nguyễn Thái Sơn, đoạn giao với Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp) cũng có một ông cụ ngồi thổi sáo xin tiền. Ông này ngụy trang bằng một số gói tăm bông nhưng thực chất là xin ăn.

PV ghi nhận, nhiều người đứng chờ đèn đỏ tại ngã tư này đã cho tiền ông cụ. Người này ngồi từ sáng đến tối. HayayHay trước cổng chùa Như Lai (quận Gò Vấp) cũng có một số người đứng xin tiền. Trong đó có cả phụ nữ ẵm theo trẻ nhỏ. Những người này được một số đối tượng chở bằng xe máy đến. PV bám theo một người đàn ông khoản 50 tuổi. Tuy nhiên, sau khi bỏ các đối tượng trên, người này tấp vào quán cà phê gần đó và “án binh bất động”.

Bên cạnh các đối tượng nói trên, TP.HCM còn đó một lượng “cái bang” đông đảo từ Campuchia tràn sang. Tại giao lộ Lý Thường Kiệt – 3/2 (quận 10), có một nhóm gồm 5 người đứng xin tiền, trong đó có 4 trẻ nhỏ. Mỗi khi đèn đỏ bật lên, tất cả ùa ra ngửa nón, cầm ca nhựa... xin tiền. Thấy một phụ nữ trạc 40 tuổi, ẵm con đứng xin tiền tại khu vực này, PV tiếp cận để hỏi các thông tin. Tuy nhiên, người này lắc đầu và bế con đi, không trả lời bất cứ câu hỏi nào.

Tương tự, tại khu vực quận 3, các tuyến đường như Ngô Thời Nhiệm, Trần Quốc Thảo, Cách Mạng Tháng 8... cũng có nhiều em nhỏ lang thang xin tiền. Các em không tụ tập chờ đèn đường mà la cà đến các quán ăn, nhà hàng, cà phê... để xin tiền. Là thời điểm đầu năm mới âm lịch nên nhiều người đã cho tiền các em này.

Nhiều bà lão trực chiến thường xuyên trên các tuyến đường

Tuy nhiên, một số người đã biết được các em đi xin tiền là do chăn dắt nên từ chối. Ông Nguyễn Trọng Hòa, một người dân ở quận Bình Tân cho biết: “Thực chất cho tiền, các em cũng không được đồng nào mà rơi vào tay của những kẻ chăn dắt hám lợi. Chúng kinh doanh bằng máu và mồ hôi của trẻ nhỏ là hết sức tàn nhẫn và độc ác. Do vậy, tôi không hề cho các em đồng nào. Nếu có thể thì tôi sẽ làm việc thiện nguyện bằng cách khác, chứ đây không phải là cách”.

Ngoài TP.HCM, lực lượng “cái bang ngoại” còn kéo về một số tỉnh, thành khác như: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... Điển hình, ngay tại khu vực bến xe Tây Ninh (TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) thường có nhiều trẻ em tụ tập thành vài ba nhóm để đứng và bám theo khách xin tiền. Đa số các em đều từ 3 - 12 tuổi. Quan sát các em, PV rất dễ đoán biết là người từ Campuchia đổ bộ sang.

Em tên Na cho biết, được cha mẹ đưa từ Campuchia về và ở trọ tại huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) để hàng ngày đi xin tiền. Bà Nguyễn Thị Tám, ngụ TP.Tây Ninh cho biết: “Mấy đứa nhỏ này thường lang thang ở đây xin ăn, xin tiền. Tụi nó cũng ra tới chợ vào buổi tối. Đứa thì ẵm em, đứa với chạy lon ton, nhiều người thấy tội nên cho tiền”.

Đánh trống bỏ dùi

Bên cạnh các đối tượng xin ăn, xin tiền thì còn đó không ít các đối tượng đóng giả là người hành khất, nhà sư để lợi dụng lòng tốt của người dân. Ngày 26/2/2018, thông tin từ ban Chỉ đạo Lễ hội Rằm tháng Giêng TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 trường hợp giả nhà sư để đi khất thực tại chùa Bà Thiên Hậu (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một).

Hai đối tượng này đều quê ở tỉnh Tiền Giang là Nguyễn Minh Thành (45 tuổi) và Lê Văn Sinh (50 tuổi). Để lấy lòng tin của người dân và du khách, các đối tượng này làm giả giấy tờ xác nhận là nhà sư tại chùa Kim Quang (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số giấy tờ ghi danh những phật tử đã ủng hộ tiền cho chùa. Hai đối tượng này sau đó đã bị lập biên bản và yêu cầu chấm dứt hành vi khất thực.

Nhiều bà lão trực chiến thường xuyên trên các tuyến đường

Bàn về tình trạng “cái bang” có dấu hiệu bùng phát trở lại, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Cẩm Anh cho rằng, cơ quan chức năng cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt để dẹp vấn nạn này. “Tôi nhớ trước đây, lãnh đạo TP.HCM đã có chỉ đạo, nếu để tình trạng ăn xin, xin tiền diễn ra thì người đứng đầu địa bàn đó phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa thấy một vị Chủ tịch, Bí thư phường nào, quận nào hay ngành nào “phải chịu trách nhiệm” về tình trạng người xin tiền đang có dấu hiệu bùng phát trở lại như hiện nay”.

“Rõ ràng là công tác quản lý địa bàn đang có vấn đề đối với người xin tiền. Do đó, tôi cho rằng, một mặt, lực lượng chức năng cần phải mạnh tay truy quét, bắt giữ và đưa ra xét xử trước pháp luật về hành vi chăn dắt người xin tiền. Phải xử phạt thật nặng, nghiêm minh, có tính nêu gương cho những người khác. Mặt khác, phải tiến hành chiến dịch đưa người lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa... (là đối tượng chủ yếu đi xin tiền), do các đối tượng chăn dắt tổ chức vào các trung tâm bảo trợ xã hội”, bà Anh phân tích thêm.

Bà cũng khẳng định: “Đối với những người xác minh được thông tin thì trả về địa phương (nếu họ có gia đình) và hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề một cách bền vững. Song song đó, các địa phương cũng cần phải phối hợp, vì đa phần người xin tiền, xin ăn là ở các địa phương đổ về TP.HCM và các đô thị... để thực hiện hiệu quả, tránh đánh trống bỏ dùi. Bởi, có thời điểm hô hào, làm quyết liệt nhưng thời điểm khác lại nguội lạnh”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Huế, Giám đốc công ty Tư vấn Nguồn nhân lực Vista cho rằng, vấn nạn xin tiền diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứ không phải riêng gì ở Việt Nam hay TP.HCM. Xã hội càng phát triển thì khoảng cách giàu nghèo cùng ngày càng được nới rộng ra, một bộ phận không nhỏ người yếu thế nhất là ở khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số sẽ rơi vào tình trạng đói nghèo.

“Nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng này thì họ rất dễ phải đi xin ăn, xin tiền hoặc rơi vào cạm bẫy của các đối tượng chăn dắt chuyên nghiệp. Do đó, vấn đề đặt ra là phải giải quyết tận gốc, nghĩa là khi người dân có dấu hiệu đói nghèo, cùng đường... thì chính quyền địa phương phải có biện pháp hỗ trợ ngay, tránh để phải dẹp tình trạng xin ăn, xin tiền. Đây là phần ngọn của vấn đề và rất khó giải quyết, trở thành gánh nặng cho xã hội”, ông Huế khuyến nghị.

Liên quan đến các đối tượng xin tiền, PV đã liên hệ sở LĐ-TB&XH TP.HCM nhưng chưa nhận được câu trả lời. Theo ông Lê Chu Giang, nguyên Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thì, thời gian gần đây, có xuất hiện tình trạng người xin tiền trên nhiều tuyến đường, chùa chiền.... Đây thực chất là các đối tượng chuyên giả dạng hoặc do các đối tượng chăn dắt người đi xin tiền. Người dân cũng nên cảnh giác, không nên cho tiền các đối tượng này.

Gọi theo 3 đường dây nóng về tiếp nhận thông tin người xin ăn, xin tiền trên địa bàn TP.HCM do sở LĐ-TB&XH công bố vào đầu năm 2016 nhưng PV không hề nhận được câu trả lời nào. Ở số điện thoại 028.38292491 của phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH thì điện thoại đổ chuông nhưng không ai nghe máy. Số điện thoại 028.35553258 (trung tâm Hỗ trợ xã hội, trực 24/24h) không thể liên lạc được. Riêng số di động 0903959929 là của ông Lê Chu Giang, nguyên Trưởng phòng Bảo trợ xã hội liên lạc được nhưng đã nghỉ hưu. Do đó, ông Giang cũng không phải là người đại diện của Sở để tiếp nhận các thông tin liên quan.

Chí Quang

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phong-su/cai-bang-bung-phat-tai-tp-hcm-co-quan-chuc-nang-lo-la-10663.html