Cái bản nó nhớ thầy nhiều đấy

Em là Vàng Seo Mỷ đây. Em nhớ thầy nhiều lắm. Cái bản nó nhớ thầy nhiều lắm. Tối qua trưởng bản sang nhà chơi, bảo: Nếu mày nhớ thầy giáo. Mày biên thư cho nó. Ké, mế cũng bảo: Mày biên thư nói thầy giáo nhanh nhanh về bản dạy chữ đi. Cái bản nhớ thầy nhiều như lá rừng rồi. Vì thế mà em viết thư cho thầy đấy.

Thầy ơi!

Em cũng mong, nhưng cái mong không nói thành lời đâu. Em mong khi thầy nhận được thư này đã hết hè, chúng em không còn lên nương cùng con trâu nữa. Em ghét cái hè. Vì nó làm chúng em xa thầy, bắt thầy phải về đồn công tác mà không dạy chúng em cái chữ nữa. Em biết có thể thầy không vui vì thầy vẫn dạy chúng em không được thù ghét. Nhưng em vẫn ghét lắm mùa hè thầy ạ. Em ghét mùa hè rồi ghét lây sang thầy đấy.

Thầy về đồn cũng không nhớ chúng em. Nếu thầy nhớ, thầy đã về với chúng em. Có nhiều đứa trong bản ác mồm, chúng nó bảo, thầy về đồn, nhiều việc không còn nhớ đến lũ học sinh chúng em. Em nói với chúng nó: Không phải đâu. Thầy vẫn nhớ học sinh của bản nhưng nhiều việc thầy phải làm nên không về thăm được. Em cãi hộ thầy nhưng lòng em cũng thấy buồn. Em phải ra hòn đá cạnh suối rìa rừng ngồi khóc.

Thầy ơi. Em muốn quên nhưng cái nhớ không cho em quên. Khi thầy cùng đội công tác Biên phòng về bản dạy chữ. Bản em nghèo, chỉ có ngô và sắn. Thầy cùng các chú bộ đội nấu cơm. Chúng em ngửi mùi cơm, bu lấy xung quanh. Thầy nói mọi người nhường chúng em ăn trước. Bao giờ chúng em ăn no mọi người mới được ăn. Thế là thầy và cả đội công tác phải nấu đến nồi cơm thứ 3.

Số gạo thầy và đội công tác mang theo chỉ một ngày là hết. Thầy và đội công tác lại ăn ngô, sắn cùng dân bản. Vì nhà nghèo, sáng chưa nhìn thấy đường chúng em đã phải theo ké, mế lên nương. Chiều, bao giờ trâu đi vấp móng mới về. Ngày đó ké hay bảo: Không có ngô sắn mới chết, không có chữ vẫn sống. Bao đời nay dân bản em chỉ biết đến cây ngô, cây sắn, con trâu kéo người trên nương. Nghe thầy và đội công tác về mở lớp học chữ. Vì thiếu người lên nương, ké, mế không vui. Không muốn cho thầy và mọi người vào nhà. Thầy và đội công tác phải mắc võng ngoài rừng để ngủ.

Sáng ké, mế lên nương, thầy cũng đi theo. Một ngày, hai ngày rồi nhiều ngày. Thầy làm giúp ké, mế tra ngô, lấp hốc sắn. Thầy lên nương là mong cho xong việc nương để ké, mế cho em đi học. Thầy nói với ké, mế cách trồng sao cho củ sắn to, bắp ngô nhiều hạt. Ké, mế nghe theo, biết cái nghèo là do không có chữ, không biết đọc để học theo cách của mọi người.

Thấy thầy lên nương, già bản khen: Cái bộ đội khỏe như con ngựa, chăm hơn con trâu. Muốn cho trẻ biết chữ mà cái bộ đội lên nương, xuống suối. Bộ đội của dân bao giờ cũng thế. Giọt nước chảy lâu cái lu cũng đầy. Ké, mế nghe lời cho em đi học cái chữ. Cái chữ đã cho chúng em biết được nhiều điều hay, biết được các bạn ở các dân tộc khác. Có cái chữ em cũng biết viết cái thư gửi thầy hôm nay đấy.

Em nhớ lắm cái ngày bị dân bản nói là có con ma ngũ hải trong người mà làm cho chảy máu. Dân bản xa lánh, đuổi em ra rừng để sống với con ma. Ké, mế thương em mà không biết làm sao. May có thầy biết. Thầy theo em vào rừng.

Em cũng nghĩ mình bị con ma ngũ hải. Khi thầy đến gần, em kéo tay để cắn. Thầy cứ để em cắn làm máu chảy tràn xuống đất. Em cắn mà thầy không thành con ma. Lúc đó thầy mới nói cho biết, đó không phải là do ma ngũ hải mà phụ nữ ai cũng bị thế.

Thầy nhờ già bản, mời mọi người đến nhà. Thầy nói cho mọi người biết đó là hiện tượng sinh lý của bất kỳ người phụ nữ nào đến tuổi trưởng thành. Nhiều người vì lấy chồng sớm, sinh nhiều con nên không biết. Nhiều người nghe nhưng chưa tin. Thầy phải bảo đảm và xin được đưa em về chỗ đội công tác để ở. Nếu con ma có bắt người thì sẽ bắt thầy trước.

Thầy đưa em về chỗ ở của đội, nói em biết cách vệ sinh. Thầy xé màn, dạy cho em biết cách để làm. Khi em trở lại bản, thấy em vẫn khỏe, thầy vẫn như mọi người, lúc ấy dân bản mới tin. Cũng từ đó, câu chuyện con ma ngũ hải chui vào người làm chảy máu cũng không còn nữa. Dân bản cũng từ đó mà biết cái chữ nó giúp cho mọi người được điều hay.

Thầy giỏi hơn cả lão Púng, thầy cúng của bản. Lão Púng không thích thầy nhưng sợ thầy, không dám đi cúng ma để lấy gà, lấy lợn của dân bản nữa. Ké, mế thấy em trở về, mừng lắm. Cứ nắm tay thầy mà nói: Cái thầy giáo biên phòng mày giỏi như con nhà trời trong chuyện xưa được cử xuống giúp dân rồi. Đêm đó bản vui hơn vào hội.

Thầy ơi. Em không kể hết những gì thầy đã làm cho dân bản được đâu. Viết bao nhiêu chữ cũng không hết. Thầy về đồn có nhớ chúng em không? Thầy còn nhớ canh rong đá suối không? Con chó nó nhớ hơi thầy hay ra đầu bản ngóng. Nó cũng nhớ thầy lắm đấy.

Em nhớ thầy, cũng muốn lên đồn. Già bản bảo: Thầy giáo bộ đội về đồn còn nhiều việc phải làm. Mày lên đó làm mất việc của thầy giáo thì thầy càng lâu về bản. Ké, mế cũng nói, việc trên nương chưa xong. Em đi, việc chưa làm xong, khi thầy về lại bản, thêm vất vả, phải làm giúp cho kịp mùa vụ. Thầy dặn rồi. Gieo cấy không đúng mùa vụ cái cây không cho năng suất cao. Nhưng em nhớ. Cái nhớ làm em mất ngủ. Con chim “bắt cô trói cột”, con tắc kè cũng không ngủ. Đêm nào cũng kêu bên mé rừng. Con trâu cũng nhớ thầy đánh ngà hục hặc suốt đêm. Thầy có biết không?

Đêm qua già bản bảo: Dịp này thầy giáo biên phòng xuống. Già và dân bản sẽ làm lễ đổi tên, nhận họ cho thầy. Nếu già bản làm, thầy nhớ mang họ của em đấy thầy nhé.

Thầy ơi thầy về bản đi. Thầy đi lâu cái chữ lại rời khỏi đầu chúng em rồi đấy.

Cái bản nhớ thầy nhiều nhiều, như em rồi thầy ạ.

MS 39

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/cai-ban-no-nho-thay-nhieu-day-3922804-b.html