Cái ác ươm mầm trong học đường, gieo trồng ngoài xã hội?!

Sự việc động trời 231 cái tát này xảy ra vào chiều ngày 19/11 tại Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Em Hoàng Long N nói tục, bị Đội cờ đỏ của trường ghi sổ. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy năm nay 41 tuổi, làm chủ nhiệm lớp 6/2 đã thi hành quyết định phạt: Mỗi học sinh tát N. 10 cái, em nào tát nhẹ hay không tát thì bị tát trả lại 10 cái.

Lớp có 23 em tham gia “án phạt” đủ 230 cái tát. N. đau quá khóc, buột miệng nói: “Em ghét cô”. Lập tức, em hưởng thêm cái tát cuối cùng nữa thành ra 231 cái. Hậu quả là: học sinh Hoàng Long N. phải nhập viện với tình trạng “vùng má bị sưng tím, tổn thương phần mềm phía ngoài, há miệng hạn chế, nhai và ăn bị đau” phải nhập viện. Hậu quả là: Học sinh bị bạo hành ám ảnh sợ hãi mà cả các em tát bạn cũng sợ hãi ám ảnh. Hậu quả là: Học sinh bị 231 cái tát, nhưng cô giáo nhận vô vàn “cái tát” của dư luận xã hội.

Không thể tin được có một thứ kỉ luật học đường tàn khốc, những đứa trẻ lên 11 tuổi lần lượt thay nhau tát đứa 11 tuổi. Phải công nhận là cô giáo chủ nhiệm lớp 6/2 đầy “sáng tạo”, nhưng là thứ sáng tạo của dân giang hồ xử tội nhau, đi ngược lại giáo dục văn minh tiến bộ. Cần phải nhấn mạnh rằng: “Trước đây, khoảng 9-10 bạn cũng bị tát do nói tục”. Như vậy, hình phạt khốc liệt này không phải bốc đồng, nông nổi, nhất thời mà đưa ra, cô giáo Thủy áp dụng phạt học trò của mình có “hệ thống”.

Xưa nay, giáo dục Việt Nam bị ảnh hưởng giáo dục phong kiến đến mức khó mà thay máu. “Yêu cho vọt, ghét cho chơi”. Hư hỗn, hoặc trái ý thầy thì kê bàn tay lên này mà “ăn” thước kẻ. Cái thói dạy dỗ kiến thức và đạo đức một chiều áp đặt đi suốt chiều dài lịch sử. Kiến thức truyền đạt từ trên xuống dưới, có ý kiến trái chiều, phản biện về bài học thì bị đe nạt, trù úm. Không hề có dân chủ, sặc mùi chuyên chế, độc đoán, gia trưởng. Quan hệ thầy trò như cấp trên với cấp dưới theo kiểu độc tài. Lời thầy cô là lời vàng ý ngọc, là chân lý.

Thầy cô đã nói là chỉ có đúng, trò chỉ có việc là chấp hành và chấp hành. Không có tranh luận, trao đổi. Cấm góp ý, cấm phản biện, càng cấm cãi. Thầy cô có quyền uy ghê gớm trong con mắt học trò. Chúng ta cần lên án, không chấp nhận việc học sinh hư, hỗn hào với thầy cô, nhưng cũng không chấp nhận việc thầy cô mắng mỏ, sỉ vả, trù úm, hoặc ắp đặt, bạo hành học sinh.

Một nền giáo dục vốn ảnh hưởng nặng nề tư tưởng độc đoán, phong kiến, lại bị bệnh thành tích học đường thì học sinh chúng ta hai lần bất hạnh. Ở đâu cũng thấy phong trào thi đua. Tổ thi đua với tổ. Lớp thi đua với lớp. Trường thi đua với trường. Giáo dục huyện này thi đua với giáo dục huyện kia. Tỉnh này xếp loại dưới tỉnh kia là lãnh đạo giáo dục không chịu được. Xưa nay, tội vạ đến thường là cấp trên đổ lên đầu cấp dưới, cấp dưới như cái sọt rác đựng nỗi tức giận của cấp trên. Chả thế mà cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy sống quá nửa đời người còn hành động như kẻ mất trí vì sợ lớp xếp bét trường. Áp lực thi đua là một trong những nguyên nhân sinh ra lắm quy định phiền hà, nhiều báo cáo vô nghĩa, lắm việc làm vô ích.

Cô giáo Thủy nói rằng: “Cả lớp 6/2 chỉ có một học sinh khá, điểm thi đua toàn trường thì thường xuyên đứng cuối bảng” và “Tôi chỉ muốn có hình thức răn đe các em, việc làm này là sai, cũng do tôi nóng giận và một phần vì áp lực thi đua”. Giáo viên áp lực thành tích, hiệu trưởng cũng áp lực thành tích. Áp lực thi đua, thành tích mới sinh ra bao che, ém nhẹm thông tin, cô hiệu trưởng mới cầu khẩn báo chí không đưa tin để trường được công nhận chuẩn quốc gia khi đang chờ xét. Trường chuẩn gì mà học trò “đánh hội đồng” bạn học theo sự chỉ đạo của người đứng lớp. Hãy tự nguyện làm đơn rút khỏi danh hiệu hữu danh vô thực ấy đi cô hiệu trưởng ơi!

Thi đua và thành tích mới tự... sinh ra các tổ chức “quyền nghiêng thiên hạ”. Tuổi thơ đi học, ai cũng khiếp đảm về cái gọi là “Đội cờ đỏ”. Lớp có Đội cờ đỏ, trường cũng có Đội cờ đỏ. Đi học muộn... Ghi! Bỏ quên khăn quàng đỏ. Ghi! Ngủ gật trong giờ học... Ghi! Đi dép không kéo quai hậu... Ghi!... Ghi để rồi... trừ điểm thi đua. Không biết các nước có nền giáo dục chất lượng cao như Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Nhật bản... có Đội cờ đỏ không, và nếu có thì nó hoạt động ra sao? Chứ ở Việt Nam, Đội cờ đỏ đang lợi ít hại nhiều. Hại là bởi: Bắt các em làm công việc Thanh tra, Kiểm tra, bắt phạt quá sớm ở cái tuổi đầu đời. Các cháu phải chơi và học, phải khám phá. Mới nứt mắt ra đã bị biến thành gã Gia ve theo dõi “Những người khốn khổ” thì chả nên chút nào. Coi chừng thói bắt bớ, thù vặt cá nhân, tưởng mình có uy quyền, ông kễnh quá lớn được hình thành tự lúc nào chẳng biết từ Đội cờ đỏ này.

Em N đã trở lại trường học

Nói đi thì cũng phải nói lại: Ngành giáo dục có hàng chục vạn giáo viên đang sống trong môi trường thi đua, mà tại sao nhiều thầy cô khác cũng chịu “áp lực thi đua” lại không bạo hành học trò? Vấn đề cơ bản là con người – con người giáo viên. Cô giáo Thủy quá thiếu nhân ái, yêu thương mà quá thừa hung bạo. Cụ Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" có nghĩa là: Điều mình không muốn thì đừng bắt người khác làm. Thầy cô không làm được thì không bắt học sinh làm. Cô giáo dùng bạo lực để duy trì trật tự theo ý muốn của mình là thói giáo dục chuyên chế. Tát vào mặt đứa bé 11 tuổi 231 cái là... ác. Cô giáo đem cái ác và dùng cái ác hành xử với đứa bé đang tuổi con mình, mà dửng dưng, vô cảm, không thương xót. Rồi đây, cái ác này sẽ theo chân các em ra ngoài xã hội, thì có phải cô là người vô tình gieo trồng mà không biết?

Nếu cha mẹ là người thầy thứ nhất thì giáo viên là người thầy thứ hai. Giáo viên là người cha tinh thần của mỗi con người. Hạnh phúc cho ai có thầy cô nhân từ, nhân ái, quay lưng lại với phương pháp giáo dục “yêu cho vọt, ghét cho chơi”. Bất hạnh cho ai trong đời phải gặp thầy cô nào đó kỉ luật học trò bằng bạo lực côn đồ. Có phải chất lượng giáo viên đang là nỗi lo lắng? Rõ ràng là đầu vào các trường sư phạm đang có vấn đề chất lượng, lỏng lẻo, dễ dãi ở khâu tuyển sinh. Tuyển sinh đến cả thí sinh dưới trung bình để đi dạy dỗ và càng không chú ý đến tuyển sinh và thải loại những người không đủ tư cách làm thầy tương lai.

Tại sao bị bạo hành, mà các em không nói? Không phản ứng tự vệ? Học trò lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh đã từng 11 lần bị trừng phạt tát theo quy định của cô Nguyễn Thị Phương Thủy mà không em nào biết phòng vệ, chẳng trò nào biết phản kháng. 10 lần bị trừng phạt mà các em vẫn chấp nhận, giấu diếm bố mẹ, và bạn cùng trường, rồi thỏa hiệp, chịu đựng... chịu đựng và chịu đựng, để rồi lần thứ 11 quả bom mang tên chịu đựng mới nổ tung ra chấn động toàn quốc.

Học sinh im lặng, nhẫn nại chịu đựng 231 cái tát của cả bạn học và cô giáo là điều... không tốt lành. Không chỉ em N mà nhiều em khác bị thầy cô áp dụng các hình phạt không luật nào của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra, đều là nỗi bất hạnh của tuổi trẻ nước ta. Nhẫn nhịn. Đau đớn. Chịu đựng một cách... đớn hèn, sợ hãi. Chẳng qua là học sinh của chúng ta quá yếu ớt, thụ động, không làm chủ bản thân. Học trò không được dạy để biết cách tự bảo vệ mình.

Việt Nam đã tham gia ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Giáo dục nước ta cũng nghiêm cấm các hành vi làm tổn thương danh dự và bạo hành thân thể trẻ em. Nhưng, chương trình giáo dục nước nhà lại chưa có môn học “Kỹ năng sống”. Nếu học trò được dạy bài “Phòng vệ và phản kháng khi cá nhân bị xâm phạm” thì chắc chắn em Hoàng Long N đã biết cách ứng xử kịp thời để bảo vệ thân thể của mình. Chẳng hạn, em sẽ nói với cô rằng: “Bố mẹ em sinh ra em, cũng chưa bao giờ đánh em. Không ai được phép xâm phạm thân thể của em”. Hoặc: “Thưa cô! Đánh người, nhất là đánh trẻ con là phạm tội bạo hành học đường. Em không muốn cô phải ngồi trong song sắt nhà tù”. Chắc chắn cô giáo sẽ... chùn tay. Chẳng hạn, nếu cô giáo vẫn ra tay và chỉ đạo học sinh trừng phạt, thì N phải bỏ chạy. Chạy lên phòng hiệu trưởng. Chạy ra đường kêu cứu. Thì 231 cái tát kia sẽ biến thành không khí. Những điều này, các em không biết thì bố mẹ phải dạy, nhà trường phải dạy. Tiếc thay, kỹ năng sống của con em chúng ta dường như vẫn còn là con số 0 tròn trĩnh!

Sương Nguyệt Minh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/cai-ac-uom-mam-trong-hoc-duong-gieo-trong-ngoai-xa-hoi-d2059268.html