Cái ác tới từ đâu? Thức ăn của cái ác là gì?

Ai cũng mong sống cuộc đời tươi đẹp nhưng một cách vô tình hay cố ý, chính bản thân chúng ta lại đang dung túng, nuôi dưỡng cho cái ác đâm chồi nảy lộc.

Trước biến cố khủng bố của IS tại thủ đô Paris vừa qua giết chết gần hai trăm người vô tội. Cả thế giới bị chấn động mạnh trước sự dữ sự ác đang lan rộng và hoành hành khắp nơi.

Cũng như mọi người, lòng tôi bị nỗi phiền muộn xâm chiếm nhưng rồi tôi chợt nhận ra rằng cái ác cái xấu là hoa quả được sản sinh ra từ tội lỗi của con người trong đó có sự góp phần của tôi.

Sự dữ sự ác ngày hôm qua cũng như hôm nay càng ngày càng phát triển tinh vi theo sự văn minh tiến bộ của con người trong mọi lĩnh vực. Nó không chỉ thể hiện bằng súng đạn gươm giáo mà còn nằm trong những vĩ thuốc bác sĩ kê toa, trong những thức ăn thức uống cho cả người lớn cũng như trẻ sơ sinh hay những hóa chất tăng trưởng động vật cũng như thực vật.

Tôi thầm nghĩ đến những cái chết của các thai nhi ngay khi còn trong lòng mẹ chỉ tính theo thống kê tại Việt Nam thôi là 19 giây trôi qua là có một thai nhi phải chết. Tính ra cứ 24 tiếng thì có 4.320 thai nhi phải chết.

Vậy tổng số thai nhi bị bức phải chết trên thế giới cho sự “điều hòa kinh nguyệt” này sẽ là con số bao nhiêu? Chắc hẳn là một con số rất rất là lớn. Ngoài ra còn có những người đang được đội ngũ y bác sĩ và người nhà “giúp đỡ” “trợ tử”

Hôm trước, tôi đi dã ngoại với trường của con trai mình. Cuộc trò chuyện của nhóm phụ huynh đi cùng dĩ nhiên là chuyện của cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giẻ lau. Tất cả mọi người đều không thể trả lời câu hỏi: “Vì sao cô giáo đó lại ác như thế? Liệu cô có bị tâm thần không?” – Trong cơn kích động của những bậc phụ huynh, tôi không dám nói ra điều tôi nghĩ. Dù tôi biết rằng, sự im lặng của tôi cũng là một lý do để cái ác tồn tại.

Vì sao cô giáo đó lại có hành vi ác độc đối với đứa học trò bé nhỏ của mình? Thực ra, câu trả lời đã xuất hiện ngay sau đó, bằng một bài báo kể rằng những đứa trẻ trong cái lớp học ấy đã khóc vì nhớ cô giáo, sau khi cô bị đình chỉ dạy.

Đó là những đứa trẻ lớp 3, chúng còn quá nhỏ để đóng vai giả dối. Tôi tin trẻ con, và tin những giọt nước mặt của con trẻ là cảm xúc thật thà.Cô giáo đó, như mọi con người, hẳn nhiên có những phần tốt đẹp của con người, và có cả phần ác độc của loài thú. Những giọt nước mắt nhớ thương của lũ trẻ, hẳn nhiên là dành để nhớ thương cho phần người của cô giáo. Vậy phần ác thú của cô giáo thì sao? Vì sao lũ trẻ ấy không thể nhìn ra sự độc ác khi cô bắt bạn của chúng phải uống nước giẻ lau? Bởi chúng chưa bao giờ được dạy dỗ rằng không một ai có quyền hành hạ, sỉ nhục người khác, bởi bất cứ lý do gì. Bởi chúng vẫn luôn nghĩ rằng,cô giáo có quyền trừng phạt chúng.

Cái phần ác thú trong mỗi con người chỉ có thể tồn tại, và phát triển trong điều kiện được nuôi dưỡng thường xuyên. Sự im lặng trước cái ác của lũ trẻ chính là thức ăn để nuôi dưỡng sự độc ác của cô giáo lớn lên, để cô có thể bình thản vắt nước giẻ lau cho một đứa bé uống trước mặt bạn bè nó.

Khi những đứa trẻ không có ý thức về quyền được tôn trọng của mình, chúng sẽ dễ dàng chấp nhận bị chà đạp khi lớn lên, và mất đi sự cảm thông với những thân phận bị chà đạp trong xã hội. Điều đó đã được chứng minh khi cô bé Song Toàn ở trường Long Thới bị bạn bè tẩy chay vì dám chống lại sự vô lối của cô giáo. Học trò nói ra sự thật phải chuyển trường vì sự hèn nhát, cam phận, và ích kỷ của bạn bè. Và cô giáo vô lối xin trở lại bục giảng. Những người bạn học của cô bé Song Toàn có lẽ không ý thức rằng chúng đã độc ác với bạn mình, khi để cô đơn độc trước cái ác, đơn độc trong nỗ lực đòi hỏi sự công bằng cho chính mình, và các bạn.

Vì sao những cô giáo đó lại ác độc như thế? Chẳng vì sao cả, đơn giản vì sự độc ác đó được chấp nhận nên nó tồn tại, và lớn lên qua thời gian. Khi người ta cảm nhận được quyền lực của mình được chấp nhận, họ dễ trở nên độc ác. Như đứa trẻ cầm đá ném con chó dưới đáy giếng chỉ vì chúng biết rằng con chó đó không thể nhảy lên để cắn chúng. Lũ trẻ sẽ không có cơ hội độc ác ném con chó dưới đáy giếng nếu như không có người thả con chó xuống đó. Và các cô giáo kia sẽ không thể hành xử vô lối với học trò, nếu như những đứa trẻ không bỏ mặc bạn mình trong cái giếng của sự cô độc.

Loài người chúng ta dễ gào thét kết án ném đá sự ác, nhưng lại dễ dàng toa rập góp tay sự tội khiến cho thế giới chúng ta rơi vào sự dữ.

Cùng với lương tâm của mọi người. Tôi mong mọi người cùng với tôi, chúng mình hãy hối hận và đấm ngực ăn năn về điều này.

Các tai ương, các biến cố khổ đau, tội lỗi và bất công đó sẽ trở thành dấu chỉ mang thông điệp. Ðó là sấm sét báo động kêu mời mỗi con người hoán cải tâm lòng, thay đổi cuộc sống và canh tân phù hợp với cuộc sống tốt lành thánh thiện hơn, để đừng gây ra chết chóc và khổ đau cho người khác, để khỏi phải chết đời này và nhất là khỏi phải chết đời sau.

Theo Khỏe Và Đẹp

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/cai-ac-toi-tu-dau-thuc-an-cua-cai-ac-la-gi-c37a280302.html