Người ứng cử Đại biểu Quốc hội nhỏ tuổi nhất sinh năm 1997

Theo ông Bùi Văn Cường - Tổng thư ký Quốc hội, người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV lớn tuổi nhất là 77 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 24 tuổi.

Ngày 27/4, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách 868 người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV từ 184 đơn vị bầu cử, để bầu ra 500 Đại biểu Quốc hội. Theo ông Bùi Văn Cường - Tổng thư ký Quốc hội, người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV lớn tuổi nhất là 77 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 24 tuổi.

Cụ thể, người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV lớn tuổi nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (77 tuổi, sinh năm 1944), nhỏ tuổi nhất là Lý Thị An và Quàng Thị Nguyệt (24 tuổi, sinh năm 1997, tỉnh Điện Biên).

Tổng thư ký Quốc hội - Bùi Văn Cường.

Tổng thư ký Quốc hội - Bùi Văn Cường.

Hai trường hợp ứng cử Đại biểu Quốc hội đã rút sau vòng Hiệp thương là ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (nhập viện do đột quỵ) và bà Phạm Thị Bích Ngọc, hàm Vụ trưởng Đối ngoại thuộc Văn phòng Quốc hội (bà Ngọc có đơn xin rút vì lý do gia đình).

Đáng chú ý, Quốc hội khóa XV có 9 người tự ứng cử. Cụ thể: Hà Nội có 3 người là ông Lương Thế Huy (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường), ông Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân), ông Nguyễn Anh Trí (Chủ tịch Hội huyết học và truyền máu Việt Nam); TP HCM có 2 người là ông Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM), bà Ung Thị Xuân Hương (Phó Ban Nghiên cứu và đào tạo, Hội luật gia Việt Nam); Cần Thơ có 1 người là ông Nguyễn Thiện Thức (Giám đốc điều hành Trung tâm dạy nghề Thành Phúc); Bắc Kạn có 1 người là ông Nguyễn Kim Hùng (Quyền Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam); Nam Định có 1 người là bà Khương Thị Mai (Giám đốc điều hành Công ty TNHH nhôm Namsung Việt Nam); Sóc Trăng có 1 người là ông Trần Khắc Tâm (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng).

Về cơ cấu người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV cụ thể như sau:

Thủ đô Hà Nội có 49 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu được bầu là 29 người, trong đó Trung ương có 12 và địa phương có 17.

Thành phố Hồ Chí Minh có tổng số 50 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu được bầu là 30 người, trong đó Trung ương là 13 và địa phương là 17.

Thành phố Hải Phòng có 15 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu được bầu là 9 người, trong đó Trung ương 4 và địa phương 5.

Thành phố Đà Nẵng có 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu được bầu là 6 người, trong đó Trung ương 2 và địa phương 4.

Thành phố Cần Thơ có 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu được bầu là 7 người, trong đó Trung ương có 3 và địa phương có 4...

Các phóng viên báo chí đến dự buổi họp báo tại tòa nhà Quốc hội

Cơ cấu kết hợp chung của cả nước như sau:

- Người ứng cử là phụ nữ: 393 người, tỉ lệ 45,28%.

- Người ứng cử là người dân tộc thiểu số: 185 người, tỉ lệ 21,31%.

- Người ứng cử là người ngoài Đảng: 74 người, tỉ lệ 8,53%.

Về trình độ chuyên môn:

+ Người ứng cử có trình độ trên đại học: 564 người, tỉ lệ 64,98%.

+ Người ứng cử có trình độ đại học: 294 người, tỉ lệ 33,87%.

+ Người ứng cử có trình độ dưới đại học: 10 người, tỉ lệ 1,15%.

Về trình độ lý luận chính trị:

+ Cử nhân: 55 người, tỉ lệ 6,34%.

+ Cao cấp: 587 người, tỉ lệ 67,63%.

+ Trung cấp: 111 người, tỉ lệ 12,79%.

+ Sơ cấp: 35 người, tỉ lệ 4,03%.

+ Có 80 người không có chứng chỉ về trình độ lý luận chính trị, tỉ lệ 9,22%.

- Về trình độ ngoại ngữ, tin học: Hầu hết người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học.

- Người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử: 205 người, tỉ lệ 23,62%.

- Người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 224 người, tỉ lệ 25,81%.

- Về độ tuổi bình quân (tính trung bình trong 868 người ứng cử): 46 tuổi. Trong đó, người cao tuổi nhất là 77 tuổi, người trẻ tuổi nhất là 24 tuổi.

Trong số 203 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương:

- Các cơ quan Đảng: 11 người, tỉ lệ 5,42%.

- Cơ quan Chủ tịch Nước và các cơ quan Tư pháp: 5 người, tỉ lệ 2,46%.

- Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương): 129 người, tỉ lệ 63,55%.

- Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an): 15 người, tỉ lệ 7,39%.

- Lực lượng vũ trang:

+ Quân đội (cơ quan bộ, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu): 12 người, tỉ lệ 5,91%.

+ Công an: 2 người, tỉ lệ 0,99%.

- Kiểm toán Nhà nước: 1 người, tỉ lệ 0,49%.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên: 28 người, tỉ lệ 13,79%.

Về cơ cấu kết hợp: Phụ nữ 45 người (22,17%); Dân tộc thiểu số 22 người 10,84 (%); Tôn giáo 04 người (1,97%); Người ngoài Đảng 4 người (1,97%); Trình độ học vấn (trên đại học: 168 người, 82,76%; đại học: 35 người, 17,24%; dưới đại học: 0); Tái cử 99 người (48,77%); Trẻ tuổi 5 người (2,46%).

Trong số 665 người từng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở địa phương:

- Người ứng cử là phụ nữ: 348 người, tỉ lệ 52,33%.

- Người ứng cử là người dân tộc thiểu số: 163 người, tỉ lệ 24,51%.

- Người ứng cử là người ngoài Đảng: 70 người, tỉ lệ 10,53%.

- Về trình độ chuyên môn:

+ Người ứng cử có trình độ trên đại học: 396 người, tỉ lệ 59,55%.

+ Người ứng cử có trình độ đại học: 259 người, tỉ lệ 38,95%.

+ Người ứng cử có trình độ dưới đại học: 10 người, tỉ lệ 1,5%.

- Người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 219 người, tỉ lệ 32,93%.

- Người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử: 106 người, tỉ lệ 15,94 %./.

Xuân Lộ/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nguoi-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-nho-tuoi-nhat-sinh-nam-1997-853364.vov