Cách xử trí nhanh khi bất ngờ côn trùng bay vào mũi, miệng

Đi đường, nhất là lúc chiều tối, rất dễ bị ruồi muỗi, côn trùng bay trong không trung lọt vào mũi, miệng. Nếu không xử lý kịp thời sẽ rất khó chịu, thậm chí đau đớn.

Nhiều người đã bị côn trùng chui vào mũi, miệng

Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn vừa cấp cứu một bệnh nhân nữ trung tuổi ra đường quên đeo khẩu trang nên đã bị côn trùng bay vào mũi trái, gây đau đớn và cực kỳ khó chịu vì mùi hôi của nó.

Bác sĩ Nhâm Tuấn Anh (Phụ trách đơn nguyên Tai Mũi Họng - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn) đã gắp ra từ mũi bệnh nhân một con bướm vẫn còn sống. Đây là một trong nhiều trường hợp bác sĩ trực chuyên khoa tai mũi họng thường gặp vào lúc nửa đêm hay gần sáng.

Côn trùng rất hay "tấn công" vào các khiếu trên mặt. Ảnh minh họa.

Côn trùng rất hay "tấn công" vào các khiếu trên mặt. Ảnh minh họa.

Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) từng cấp cứu thành công bệnh nhi 8 tháng tuổi, quê Cần Thơ bị côn trùng chui vào đường thở rất hiếm gặp. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng được đặt nội khí quản ở tuyến trước, tím tái, suy hô hấp. Phim chụp X-quang cho thấy niêm mạc bệnh nhi đã phù nề và tổn thương nặng, có dị vật là một con côn trùng đã chết nằm trong khí quản, tiết dịch đầy lòng khí quản khiến bệnh nhi khó thở.

Qua siêu âm, các bác sĩ thấy con bọ có kích thước 1,5x2cm trong đường thở khiến khí quản của bệnh nhi bị phù nề, niêm mạc xấu, suy hô hấp nặng. Có thể lúc bọ còn sống đã cựa quậy, cắn, gây tổn thương đường thở của bé.

Nhiều trường hợp bị gián, ruồi, côn trùng chui vào mũi miệng nhưng tự điều trị theo cách dân gian ở nhà làm bệnh nhân bị ngứa ngáy, đau đớn, khó thở, đến khi bị viêm nhiễm nặng mới đưa tới bệnh viện.

Khi bị côn trùng chui vào miệng, mũi cần tới bệnh viện sớm. Ảnh minh họa.

Cách xử trí khi côn trùng chui vào mũi, họng

Ở làng quê và những người hay đi xe máy trên đường rất dễ bị côn trùng bay trong không trung chui vào mũi, họng, tai, mắt..., nhất là vào buổi chiều tối, gây cảm giác khó chịu.

Theo bác sĩ Nhâm Tuấn Anh, trường hợp không may bị côn trùng chui vào mũi, đầu tiên nên xử trí ngay tại chỗ bằng cách dùng nước sạch bơm nhẹ vào mũi rồi xì ra.

Nếu côn trùng không chui ra thì phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt để được bác sĩ dùng đồ chuyên dụng gắp côn trùng ra ngoài.

Ở bệnh viện mới có đủ dụng cụ chuyên dùng để gắp côn trùng ra. Ảnh minh họa.

Sai lầm của nhiều người - nhất là với trẻ em - khi bị côn trùng chui vào đường thở thì người lớn móc tay vào cổ họng trẻ để cố moi, khều ra, việc này vô tình đẩy côn trùng vào sâu hơn.

Hoặc người lớn dùng những cách dân gian như hơ lá, xông hơi, dùng tăm bông ngoáy vào mũi trẻ sẽ làm côn trùng hoảng, càng cố rúc sâu vào trong hốc mũi.

Vì vậy các bác sĩ khuyên người lớn tuyệt đối không được tự khều côn trùng khi không có dụng cụ và không quan sát rõ côn trùng. Sự thiếu hiểu biết đó sẽ làm côn trùng giãy giụa nhiều hơn, gây tổn thương, chảy máu, phù nề trong mũi, họng chứ không giết được côn trùng, thậm chí còn có nguy cơ khiến bệnh nhân bị tai biến và thương tật vĩnh viễn.

Phòng ngừa côn trùng chui vào mũi, họng

- Sống sạch sẽ, dọn dẹp nhà cửa thoáng mát để hạn chế côn trùng ẩn náu.

- Ngủ giường, hạn chế ngủ trên đất hay những nơi ẩm thấp và phải mắc màn khi ngủ.

- Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bé bú sữa, thay quần áo, ga, áo gối thường xuyên.

Để hạn chế bị ruồi muỗi, côn trùng "tấn công" thì khi tham gia giao thông nên giảm ga, đi chậm vào khoảng thời gian chiều tối hoặc mang theo kính mắt, đeo khẩu trang bịt mặt khi đi đường.

Ngọc Hà

Nguồn: Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/cach-xu-tri-nhanh-khi-bat-ngo-con-trung-bay-vao-mui-mieng-20190720040306951.htm