Cách xử lý tin đồn trong thị trường chứng khoán hiện nay

Sáng ngày 15/5, Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán'.

Nhà báo Vũ Kim Thành - TBT Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.

Nhà báo Vũ Kim Thành - TBT Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của Nhà báo Vũ Kim Thành – Tổng biên tập Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam; ông Nguyễn Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cùng nhiều đại diện các cơ quan, chuyên gia chứng khoán.

Phải kịp thời phản ứng với các tin đồn

Đại diện các cơ quan và chuyên gia thảo luận tại buổi tọa đàm.

Ông Nguyễn Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong đời sống kinh tế - xã hội thông tin là một kênh rất quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, tác động đến tâm lý của tất cả mọi người. Thị trường chứng khoán (TTCK) là thị trường của thông tin, chất lượng của các loại hàng hóa được giao dịch trên TTCK phụ thuộc rất lớn vào thông tin.

Trên thế giới, kể cả các thị trường chứng khoán phát triển tin đồn vẫn xuất hiện. Ở trong TTCK non trẻ, cũng như TTCK khi chất lượng thông tin, độ minh bạch, công khai hóa đang ở mức thấp thì tin đồn càng có khả năng, có đất sống.

Như vậy, thông tin của tin đồn tức là thông tin được truyền tải những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực hoặc độ chính xác không cao qua nhiều phương tiện: truyền miệng, mạng xã hội do vậy sức lan tỏa của tin đồn rất lớn.

Tin đồn có thể là tin đồn trở thành sự thật, có thể là tin đồn thất thiệt. Tin đồn có thể xuất phát từ thực tiễn, từ sự kiện nhưng tin đồn cũng có thể được tạo ra từ trong một nhóm đối tượng nào hoặc một cá nhân nào đó.

Trên thế giới, có ý kiến cho rằng mục tiêu của tin đồn là gây ra sự bất thường trong hoạt động hoặc lĩnh vực kinh tế nào đó. Do vậy, trong một số quy định ở các nước mà nền kinh tế có TTCK phát triển, tin đồn là mục tiêu để một đối tượng hoặc một nhóm đối tượng trục lợi thị trường. Vì thế, khi xem xét đến hành vi giao dịch mang tính thao túng thị trường, người ta còn xem xét đến hành vi đầu cơ thông tin.

Tin đồn có đất sống là do các đối tượng, chủ thể liên quan đến tin đồn chưa có phản ứng kịp thời để cung cấp thông tin minh bạch, công khai.

Ông Nguyễn Thế Thọ cho rằng, giải pháp đầu tiên, nhanh nhất để hạn chế tin đồn chính là các tổ chức liên quan đến các tin đồn đó phải kịp thời công bố thông tin, kịp thời phản ứng với các thông tin đó.

Ông Nguyễn Thế Thọ cho rằng, giải pháp đầu tiên, nhanh nhất để hạn chế tin đồn chính là các tổ chức liên quan đến các tin đồn đó phải kịp thời công bố thông tin, kịp thời phản ứng với các thông tin đó. Tuy nhiên, cần phải có những sự kiểm chứng đảm bảo các thông tin được đưa ra cho các đối tượng tiếp nhận thông tin, đặc biệt là các nhà đầu tư là các thông tin có độ chính xác.

Thứ hai, đối với các công ty có cổ phiếu giao dịch tại các Sở giao dịch chứng khoán, khi có những tin đồn thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu các Sở giao dịch phải có các giải pháp kịp thời: phối hợp yêu cầu các tổ chức niêm yết phải công bố thông tin hoặc đưa ra những thông tin phối hợp, thậm chí có thể tổ chức các buổi đối thoại kịp thời ổn định tâm lý các nhà đầu tư. Các công ty đại chúng cần phối hợp với cơ quan quản lí để xác minh kiểm chứng thông tin.

Tiếp đó, các cơ quan báo chí cần phối hợp với các cơ quan quản lý để xác minh, kiểm chứng thông tin làm công cụ để đưa ra thông tin chính xác nhất.

Cuối cùng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước phải có các biện pháp phối hợp để hạn chế, xử lí các tin đồn thất thiệt, tác động xấu. Các nhà đầu tư nên sử dụng các thông tin đã được kiểm chứng.

Nguyễn Trọng Nghĩa - chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các nhà đầu tư phải thật tỉnh táo trước tin đồn.

Trao đổi về vấn đề tin đồn trên thị trường chứng khoán, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, nếu nói về tin đồn, chúng ta sẽ có nhiều cách tiếp cận. Đầu tiên là phải phân loại tin, có tin đồn có chủ đích, có tin đồn không có chủ đích. Có tin đồn có chủ thể, có lợi ích, có tin đồn không có “tác giả” cụ thể và ngay những người lan ra tin đồn thì cũng chưa chắc tin đồn đã mang lại lợi ích cho họ. Có những tin đồn sẽ trở thành sự thật và có những tin đồn chẳng bao giờ là sự thật. Cũng có thể có những tin đồn mang đến lợi ích, có những tin đồn lại mang đến thiệt hại.

Theo chuyên gia Nguyễn Trọng Nghĩa, tin đồn cũng là một thông tin. Tin đồn là thông tin thì tin đồn phải trị bằng chính thông tin, đó là yếu tố quan trọng nhất. Một khi bưng bít thông tin, thông tin khác sự thật mà không có thông tin phản hồi thì câu chuyện sẽ khác.

Thông tin sẽ khuếch tán và phát triển và đôi khi nó lại gặp sự thật. Như vậy, tin đồn là 1 loại thông tin có lợi, có hại song hành với thị trường chứng khoán và “liều thuốc” trị tin đồn chính là thông tin. Để đảm bảo “liều thuốc” đó được đưa ra đúng lúc, đúng bệnh thì có rất nhiều cơ quan, người phát ngôn của các công ty.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, các nhà đầu tư phải thật tỉnh táo trước tin đồn. Pháp luật hiện nay đã có những bước tiến, những tin đồn liên quan đến thiệt hại của nhà đầu tư, của công ty niêm yết có cả điều tra, xác minh.

Cũng cùng quan điểm với các ý kiến trên, bà Đoàn Thái Ly, Phó Giám đốc Phòng Quản lý niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng cho rằng khi xuất hiện tin đồn, các nhà đầu tư phải thật bình tĩnh, doanh nghiệp phải có các chiến lược, kế hoạch trong việc xử lý tin đồn này. Đồng thời, doanh nghiệp phải phối hợp với các cơ quan báo chí chính thống để công bố thông tin kịp thời, chính xác cho thị trường, cho nhà đầu tư.

Tú Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/cach-xu-ly-tin-don-trong-thi-truong-chung-khoan-hien-nay-d97502.html