Cách xử lý 'ô nhiễm' môi trường âm thanh

Trong sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa hiện nay, những tiếng nhạc chát chúa từ những công trình xây dựng, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, các nhóm hát rong… đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội.

Ô nhiễm tiếng ồn ở mức báo động

Hiện nay ở nước ta, nhất là ở đô thị lớn, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã đến mức báo động. Tiếng ồn có thể được hiểu đó chính là những âm thanh có cường độ và tần số khác nhau, hỗn loạn gây cảm giác khó chịu cho người nghe, có ảnh hưởng xấu đến làm việc và nghỉ ngơi của con người.

Theo kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, tại 12 đường và nút giao thông chính ở Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA.

Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA). Còn ở các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định.

Trong khi đó, việc chịu đựng lâu tiếng ồn có cường độ 50 deciben (dB) có thể khiến con người giảm hiệu suất làm việc, nhất là lao động trí óc; tiếng ồn 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày và giảm hứng thú lao động; tiếng ồn 90dB sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.

 Tiếng ồn từ các phương tiện giao thông vào khung giờ cao điểm gây phiền hà cho người dân. Ảnh Việt Khuê

Tiếng ồn từ các phương tiện giao thông vào khung giờ cao điểm gây phiền hà cho người dân. Ảnh Việt Khuê

Tương tự, kết quả quan trắc tiếng ồn do Viện Khoa học và kỹ thuật môi trường, trường ĐH Xây dựng Hà Nội đã thực hiện trên 3 tuyến đường lớn (mỗi điểm đo 4 đợt, lấy số trung bình) cho thấy: Tại phố Trần Hưng Đạo, mức ồn tối thiểu là 74dBA, tối đa 94dBA. Trên đường Giải Phóng, mức ồn tối thiểu là 75dBA, tối đa 95dBA. Ở đường Nguyễn Văn Linh, 2 chỉ số trên lần lượt là 79dBA và 107dBA.

Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn ở mức cao hơn so với mức cho phép. Ở các khu vực công cộng, con số đo được có thời điểm lên tới 85 - 90dBA, vượt quy chuẩn ít nhất 15dBA. Vào ban đêm, quy chuẩn thấp hơn tới 25dBA nhưng độ ồn tại các trục đường giao thông chỉ kém ban ngày 2 - 3dBA, vượt chuẩn rất xa.

Anh Nguyễn Thanh Hùng (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Khi di chuyển bằng xe máy trên các tuyến đường ở Hà Nội tâm lý vô cùng căng thẳng. Đôi khi, đang dừng đèn đỏ mà cũng bị còi ầm ĩ phía sau. Còn ở các tuyến đường vành đai thì thỉnh thoảng lại hết hồn với tiếng còi hơi của xe tải. Cảm giác âm lượng còi xe làm xe mình bị lảo đảo, suýt lao vào mép đường. Rất nguy hiểm”.

Ngoài còi xe, tiếng động công trình thi công, một đặc điểm ở đường phố Thủ đô mà người nước ngoài rất ngạc nhiên là tiếng động lớn quá mức được phát ra từ những chiếc loa của hàng karaoke dạo, các cửa hàng điện thoại, siêu thị điện máy khi vào mùa khuyến mãi.

Thậm chí, ở những không gian công cộng như trên xe khách, trong rạp chiếu phim hay sân bay, hành vi bật loa điện thoại, máy tính bảng, một người nghe nhạc nhưng bắt những người xung quanh bị tra tấn về thính lực vẫn khá phổ biến. Chị Thu Hằng (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Ngày nào mọi người trong gia đình tôi cũng bị làm phiền bởi tiếng loa phường lẹt xẹt, inh ỏi từ 9 giờ sáng, nhiều ngày cuối tuần muốn ngủ muộn thêm một chút cũng không được. Còn buổi tối thì lại bị “tra tấn” bởi một dãy quán lẩu, quán nhậu. Cứ từ 5 - 6 giờ chiều đến đêm là lúc nào cũng ầm ĩ, tiếng hò hét, tiếng mời chào. Mặc dù đóng kín cửa sổ, cửa nhà nhưng con tôi không thể tập trung học được vì tiếng ồn vẫn quá lớn”.

Một công trình xây dựng đã vượt ngưỡng cho phép về ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh Việt Khuê

Ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe

Theo kết quả nghiên cứu đánh giá của Sở KHCN&MT, ở những nơi như: trường học, BV, nhà trẻ… từ 18 - 21 giờ, âm thanh cho phép chỉ ở mức 55dB; từ 21 giờ - 6 giờ là 45dB. Với khu dân cư, âm thanh tối đa là ở mức 70dB. Vượt quá ngưỡng sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại Hà Nội cao hơn nhiều mức cho phép vào giờ cao điểm, một số nơi mức đo được lên đến hơn 10dB và ngay cả thời điểm đêm khuya, từ 23 giờ - 6 giờ sáng, mức độ tiếng ồn đo được vẫn vượt giới hạn cho phép. So với kết quả khảo sát trước đó 2- 3 năm trong cùng điều kiện về thời gian và không gian thì trung bình mức ồn tăng 4-5dB. Mức ồn giao thông càng lớn, phản ánh mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường càng cao, điều đó có nghĩa là chất lượng cuộc sống ngày càng giảm sút.

Các chuyên gia môi trường cảnh báo, ô nhiễm tiếng ồn không chỉ có những tác hại về sinh lý, tâm lý con người mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tiếng ồn gây thương tích tai, gây bệnh điếc, sống trong tiếng ồn, sẽ khiến con người bị mắc những bệnh như đau đầu, lâu dần thành bệnh kinh niên, gây stress, căng thẳng thần kinh, dễ bị kích động. Nguy hại hơn nữa là những bệnh về tim mạch và huyết áp.

Đưa ra các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, ThS Hà Lan Phương, Phó Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường) cho rằng, biện pháp giảm thiểu tiếng ồn tại các khu đô thị là cần phải giảm thiểu tiếng ồn từ các phương tiện khi tham gia giao thông - đó là hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường giao thông công cộng; tăng cường chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới, cấm hoạt động các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn; trồng cây xanh 2 bên đường giao thông.

Riêng đối với các khu vực cần yên tĩnh như: BV, trường học, đường cao tốc qua khu dân cư…, cần xây tường cao chắn ồn. Về lâu dài, việc quy hoạch đô thị, khu công nghiệp phải xem xét đến yêu cầu chống tiếng ồn đối với các khu dân cư, nơi công cộng.

Bà Phương cũng cho biết, khi chịu đựng lâu tiếng ồn có cường độ 50 dB có thể khiến con người giảm hiệu suất làm việc, nhất là lao động trí óc; tiếng ồn 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày và giảm hứng thú lao động; tiếng ồn 90dB sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.

Tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhưng hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù đã có các chế tài quy định chi tiết về quy chuẩn tiếng ồn tại Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT và Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính bảo vệ môi trường quy định rõ, với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 5dB - 40dB sẽ là từ 1 triệu đồng - 160 triệu đồng, với mức vi phạm nặng hơn, cơ sở vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện nay việc xử lý vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn khó hơn rất nhiều so với những loại ô nhiễm hữu hình như hóa chất độc hại, rác thải, nước thải… Bởi ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu tập trung ở các đơn vị xây dựng, cơ sở sản xuất và từ hệ thống giao thông.

Thực tế, rất khó có thể “bắt tận tay” những vi phạm vì không thể biết được lúc nào họ bóp còi hơi, hoặc gây tiếng ồn, còn đối với các phương tiện giao thông thì thường xuyên di chuyển sẽ rất khó để “xử”. Bộ TN&MT vẫn thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp. Nhưng hình thức áp dụng chủ yếu hiện nay là nhắc nhở, cảnh cáo các đơn vị vi phạm, còn theo tôi thấy thì chưa ai bị phạt vì vi phạm ô nhiễm tiếng ồn.

Theo chuyên gia giao thông đô thị, Thạc sĩ Đinh Quốc Thái, việc xác định được đâu là tiếng ồn và mức độ tiếng ồn to hay nhỏ thì không khó khăn. Nhưng việc xác định mức độ tiếng ồn như thế nào được coi là vượt mức ồn tối đa cho phép tại khu công cộng và dân cư theo quy định hiện hành thì không phải là điều dễ dàng.

Đây cũng là khó khăn chung đối với các cơ quan quản lý khi không biết xử lý ở đâu, xử lý như thế nào. “Chúng ta cần có các phương tiện để giám sát tiếng ồn, ví dụ như đồng hồ đo cường độ tiếng ồn đặt công khai ở các khu vực công cộng chẳng hạn. Để từ đó, chúng ta có căn cứ xử phạt vi phạm, thực hiện có hiệu quả việc đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn đô thị hiện nay” - Thạc sĩ Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.

Mặt khác, bên cạnh các Nghị định xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường và an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chính quyền TP cần phát động phong trào đẩy lùi ô nhiễm tiếng ồn, tạo một nét văn hóa trong cộng đồng dân cư để nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ đôi tai, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.

Theo Luật Môi trường, ở những nơi như: trường học, BV, nhà trẻ… từ 18g đến 21g, âm thanh cho phép chỉ ở mức 55dB; từ 21g đến 6g là 45dB. Với khu dân cư, âm thanh tối đa cũng chỉ ở mức 70dB. Vượt quá ngưỡng sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Thế nhưng, theo khảo sát mới đây của cơ quan quản lý về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, thì ở Hà Nội vào giờ thấp điểm nhưng âm lượng cao hơn mức tối đa cho phép ở mức 74dB, tại các nút giao thông, vào giờ cao điểm lên tới 110dB.

Việt Khuê

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cach-xu-ly-o-nhiem-moi-truong-am-thanh-108618.html