Cách xử lý nhanh tình huống xe ô tô mất phanh

Xe ô tô mất phanh là một trong những tình huống nguy hiểm nhất đối với tài xế. Nhưng cũng có những cách giúp người lái hạn chế những trường hợp rủi ro nếu ô tô bị mất phanh. Hãy tìm hiểu các bước cần thực hiện sau nếu bạn phải trải qua tình huống nguy hiểm này.

- Giữ bình tĩnh. Lời khuyên này thường bị coi là nhàm chán theo kiểu “biết rồi khổ lắm nói mãi”, cho tới khi chúng ta rơi vào nguy hiểm. Không bình tĩnh thì không thể thực hiện những bước tiếp theo. Chỉ cần người lái giữ sự chủ động cơ hội cho người xung quanh đã cao hơn rất nhiều.

- Nhấc chân khỏi chân ga hoặc tắt hệ thống kiểm soát hành trình nếu đang kích hoạt. Hệ thống kiểm soát hành trình có thể tự động tắt khi đạp phanh hoặc ngắt côn, nhưng để an toàn, người lái nên chủ động tắt.

- Tập trung thử phản ứng của chân phanh. Nếu chân phanh mềm, dễ đạp sát sàn nhiều khả năng dầu phanh thấp dưới mức cho phép hoặc có vấn đề với piston thủy lực, bộ trống hoặc kẹp phanh. Người lái có thể tạo áp lực phanh phần nào khi đạp liên tiếp vào chân phanh. Nếu chân phanh cứng và không nhúc nhích, hãy quan sát dưới sàn xem có gì đó mắc ở chân phanh không; nếu có bạn đồng hành, có thể nhờ quan sát để tập trung vào việc điều khiển xe.

- Nhấp, nhả chân phanh liên tục vài lần có thể phục hồi áp lực cho hệ thống phanh để dừng xe. Việc này sẽ mất chút thời gian, nhưng nên thử, kể cả khi xe trang bị chống bó cứng phanh ABS. Người lái đạp chân phanh sát sàn để quá trình khôi phục áp suất hiệu quả hơn.

- Đối với xe số sàn, tài xế nên chuyển về số thấp để động cơ hãm tốc độ xe chạy thay cho phanh. Việc chuyển số nên thực hiện tuần tự theo tốc độ thực tế xe đang chạy, nếu ngay lập tức chuyển xe về số 1, 2 có thể làm người lái mất kiểm soát xe.

- Đối với xe số tự động, người lái đưa cần số sang vị trí chuyển số tay và lần lượt chuyển xe về các số thấp hơn.

- Phanh tay có thể sử dụng để dừng xe, quá trình kéo phanh tay nên thực hiện từ từ, đều đặn thay vì kéo phanh quá nhanh khiến bánh xe bị khóa, nhất là khi xe chạy tốc độ cao. Khi bánh xe bị khóa, người lái sẽ khó kiểm soát xe do bị trượt bánh. Sử dụng nút bấm ở đầu tay phanh để điều chỉnh lực phanh tác động lên bánh sau, khi cảm thấy có hiện tượng trượt bánh hãy điều chỉnh tay phanh.

- Đối với phanh tay điện tử, có thể tác động lên nút bấm 3 lần liên tiếp, để kích hoạt phanh chậm và bấm tiếp 1 hoặc 2 lần để xe dừng hẳn.

- Bật đèn khẩn cấp và bấm còi liên tục để các phương tiện tham gia giao thông khác chú ý và chủ động tránh đường. Mở cửa sổ để lợi dụng sức gió phần nào làm giảm tốc độ, cũng như hô hoán cảnh báo cho người khác.

- Nếu đường đủ rộng, hãy liên tục đánh lái trái - phải để tạo ma sát giúp giảm tốc độ xe. Tuy nhiên, chỉ thực hiện thao tác này khi xe không chạy với tốc độ cao. Việc đánh lái liên tục ở tốc độ cao có thể gây lật xe.

- Người lái có thể thử vận may bằng cách áp sát xe vào những chướng ngại ven đường. Ma sát tạo ra có thể giúp xe dừng lại, nhưng đây chỉ là giải pháp cuối cùng. Tài xế có thể áp sát vào thanh bảo vệ đường để dừng xe, hoặc điều khiển xe vào những khu vực như bãi sỏi, bãi cát, bụi cây nhỏ hoặc đâm vào đuôi của xe khác đang lưu thông.

Ngọc Anh

Tổng hợp

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/cach-xu-ly-nhanh-tinh-huong-xe-o-to-mat-phanh-221764.html