Cách xử lý khi máy tính nhiễm phần mềm hù dọa Scareware

Bên cạnh virus, phần mềm lừa đảo và phần mềm tống tiền, người dùng máy tính đôi lúc cũng đối mặt với một dạng phần mềm độc hại nguy hiểm không kém khác là phần mềm hù dọa (Scareware). Vậy Scareware nguy hại thế nào và làm gì để xử lý nó?

Người dùng cần bình tĩnh trước các cảnh báo của Scareware. Ảnh: MUO

Người dùng cần bình tĩnh trước các cảnh báo của Scareware. Ảnh: MUO

Scareware là gì?

Máy tính của bạn bất ngờ xuất hiện các thông báo nổi hay các cảnh báo đi kèm tiếng bíp rất lớn, cho biết máy tính của bạn đã bị nhiễm nhiều virus. Sau đó là một số điện thoại để gọi hay một liên kết (link) để tải về phần mềm để xử lý vấn đề. Đó là các dấu hiệu cho thấy máy tính của bạn đã bị nhiễm Scareware.

Scareware có mục tiêu tương tự như các phần mềm độc hại khác như phần mềm lừa đảo và phần mềm tống tiền. Nguyên nhân là do bạn bất cẩn nhấp vào một link độc hại nào đó trên Internet, nhấp vào một ứng dụng độc hại, hay tải về một tiện ích trình duyệt web độc hại.

Scareware gây ra thiệt hại gì?

1. Hốt hoảng và tốn tiền

Các tiếng bíp và cảnh báo bằng giọng nói lớn có thể khiến người dùng hốt hoảng, dẫn đến lập tức nhấp vào link để mua phần mềm giả. Từ hành động này, người dùng có thể mất từ vài USD đến cả trăm USD.

2. Cài đặt phần mềm độc hại

Một số Scareware có thể yêu cầu người dùng tải về phần mềm giả, trong khi số khác sẽ tự động tải về mà không cần người dùng cho phép. Phần mềm giả mạo này sẽ lây nhiễm mã độc vào máy tính của người dùng, vô hiệu hóa các chương trình và “mở cửa” cho tin tặc truy cập các thông tin cá nhân quan trọng của người dùng, như tài khoản ngân hàng và số thẻ tín dụng.

3. Bị theo dõi

Một số Scareware có thể dụ người dùng cài đặt phần mềm diệt virus. Tuy nhiên, phần mềm này sẽ không bảo vệ máy tính của người dùng trước các virus thật. Kết quả là các tin tặc sẽ sử dụng nó để theo dõi các hoạt động ngoại tuyến của người dùng, truy cập thông tin nhạy cảm của người dùng, cũng như theo dõi thói quen lướt web của người dùng.

4. Chiếm quyền điều khiển thiết bị

Scareware có thể vô hiệu phần mềm diệt virus mà người dùng đang sử dụng và cài đặt phần mềm độc hại để thu thập thông tin cá nhân của người dùng, đồng thời có thể ăn cắp thông tin tài chính của người dùng. Bằng cách thu thập dữ liệu, các cú nhấp chuột và thông tin đăng nhập các tài khoản, Scareware có thể chiếm toàn quyền điều khiển thiết bị của người dùng.

Cách xử lý Scareware

1. Cập nhật tất cả trình duyệt web

Một số người dùng không có thói quen cập nhật các trình duyệt web, nên đã vô tình bỏ quên thao tác bảo vệ đơn giản này. Việc đảm bảo trình duyệt web luôn cập nhật sẽ giúp giảm khả năng máy tính bị nhiễm Scareware. Tốt nhất, người dùng có thể đặt lịch cập nhật tự động để đảm bảo an toàn cho các trình duyệt web.

2. Mở công cụ chặn cửa sổ nổi

Đây là cách hiệu quả trong việc chống Scareware. Nếu không có cửa sổ nổi, sẽ không có quảng cáo hay chương trình diệt virus giả để lừa người dùng.

3. Tuyệt đối không nhấp vào các link

Thậm chí sau khi đã mở công cụ chặn cửa sổ nổi, bạn vẫn có thể bắt gặp một số cửa sổ nổi. Khi đó, cho dù có bất cứ việc gì xảy ra, bạn nên tuyệt đối không nhấp vào bất cứ link nào hay nút tải về (download) có trong cửa sổ nổi.

4. Mã hóa Email

Mã hóa email là quy trình đảm bảo an toàn cho các email của người dùng bằng cách sử dụng các thuật toán mã hóa. Mã hóa email hay sử dụng một dịch vụ email mã hóa sẽ giúp người dùng có thể chặn các email của Scareware xuất hiện trong hộp thư của người dùng.

5. Cài đặt phần mềm diệt virus hợp pháp

Cài đặt một phần mềm diệt virus có thể giúp quét tất cả tập tin và thư mục của người dùng. Tuy nhiên, người dùng chỉ nên cài đặt phần mềm diệt virus của các công ty nổi tiếng mà mình biết rõ. Người dùng nên tránh các phần mềm diệt virus miễn phí của các công ty không biết rõ thông tin, vì nhiều phần mềm miễn phí là giả.

LÊ PHI (Theo MUO)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/cach-xu-ly-khi-may-tinh-nhiem-phan-mem-hu-doa-scareware-a131554.html