Cách vượt qua áp lực tìm việc cho người vừa tốt nghiệp

Sinh viên (SV) mới ra trường được coi là thế hệ trẻ, có năng lực, nhiệt huyết, được gia đình và xã hội kỳ vọng sẽ thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, những người trong cuộc mới hiểu rằng để bắt đầu đi làm, họ phải đối mặt với áp lực, với nỗi lo tìm việc làm.

Ra trường, các bạn SV sẽ phải bước vào "trận chiến" thực sự để tìm kiếm một công việc lý tưởng bằng chính sức lực của mình. Lần đầu xin việc, lần đầu viết hồ sơ xin việc, lần đầu phỏng vấn, có quá nhiều cái gọi là "lần đầu tiên" khiến ứng viên lo lắng, chẳng hạn như lo về quy trình tuyển dụng, không biết nhà tuyển dụng yêu cầu như thế nào, lo chưa có kinh nghiệm liệu có được tuyển không hay lo sợ bị từ chối chỉ vì mới ra trường...

Các chuyên gia tuyển dụng khuyên rằng để quá trình tìm việc làm bớt nặng nề và áp lực hơn, SV cần biết khoanh vùng và thu hẹp phạm vi lĩnh vực nghề nghiệp để có thể dễ dàng tìm được lựa chọn phù hợp. Đặt điểm xuất phát từ chính bản thân mình, SV cần tìm hiểu xem bản thân có đam mê với lĩnh vực nào, liệu năng lực và phẩm chất của mình có đáp ứng được những yêu cầu của công việc đó hay không. Có như vậy, SV mới có thể tìm được vị trí công việc như ý, mới có thể gắn bó lâu dài và phát triển trong tương lai.

Tham gia ngày hội việc làm cũng là cách sinh viên chuẩn bị cho quá trình tìm việc sau này

Tham gia ngày hội việc làm cũng là cách sinh viên chuẩn bị cho quá trình tìm việc sau này

Bên cạnh những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, muốn lọt vào mắt của nhà tuyển dụng, SV còn cần chuẩn bị trau dồi các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tổ chức và lên kế hoạch... Ngoài ra còn có những kỹ năng liên quan tới tuyển dụng như viết sơ yếu lý lịch, viết đơn xin việc, kỹ năng trả lời phỏng vấn... Chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bản thân đáp ứng những yêu cầu kỹ năng và trình độ mà công việc yêu cầu sẽ giúp SV mới ra trường ghi điểm và nâng cao khả năng cạnh tranh với nhiều ứng viên đối thủ.

Kinh nghiệm làm việc là phần mà các nhà tuyển dụng đặt nhiều sự chú ý, kể cả khi xét duyệt hồ sơ của một SV mới ra trường. Điều này có nghĩa SV cần cố gắng tích lũy được càng nhiều kinh nghiệm càng tốt, đặc biệt là những kinh nghiệm làm việc liên quan tới công việc hoặc lĩnh vực đang theo đuổi. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, SV có thể tham gia làm việc bán thời gian, làm thực tập sinh cho các công ty, tổ chức, tham gia công tác tình nguyện để mở rộng trải nghiệm thực tế và nắm lấy cơ hội rèn luyện và áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình.

Có được sự tự tin từ việc chuẩn bị kỹ càng, quá trình tìm việc sau khi tốt nghiệp sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Hãy nghiêm túc suy nghĩ và lên kế hoạch cho bản thân, dự liệu trước để sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống có thể xảy ra. Lúc đó, nỗi lo tìm việc sẽ không còn là một vấn đề quá lớn đối với SV mới ra trường nữa.

Bài và ảnh: Giang Nam

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cach-vuot-qua-ap-luc-tim-viec-cho-nguoi-vua-tot-nghiep-20210505204304634.htm