Cách Việt Nam tìm F1, F2 của bệnh nhân Covid-19

Ngay khi phát hiện các ca mắc Covid-19, việc truy vết F1, F2 là nhiệm vụ mang tính sống còn, giúp nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.

Cách thức truy tìm F1, F2 được Bộ Y tế quy định trong Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính ban hành ngày 3/12.

 Xét nghiệm Covid-19 các cư dân chung cư ở TP.HCM bị phong tỏa hồi tháng 8. Ảnh: Quỳnh Danh.

Xét nghiệm Covid-19 các cư dân chung cư ở TP.HCM bị phong tỏa hồi tháng 8. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thần tốc, triệt để, không bỏ sót

Dịch Covid-19 có tốc độ lan trong cộng đồng rất nhanh. Do đó, việc truy vết người tiếp xúc các ca bệnh để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan có ý nghĩa sống còn. Bộ Y tế xác định nhiệm vụ này phải "thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc". Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả.

Công cuộc này cần thực hiện trên nguyên tắc tiến hành truy vết càng sớm càng tốt, ngay khi có thông tin ca bệnh. Chúng ta cần xác định các mốc dịch tễ trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc.

Mốc dịch tễ là địa điểm, sự kiện mà người mắc Covid-19 đến hoặc tham gia trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi được cách ly y tế.

Nhiệm vụ này cần sử dụng đồng thời nhiều lực lượng truy vết để truy vết nhanh theo các mốc dịch tễ. Biệt đội "săn F1, F2" sẽ áp dụng nhiều biện pháp truy vết, đầu tư nguồn lực và thời gian để hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Việc truy vết F2 thực hiện sau khi đã cơ bản hoàn thành với đối tượng F1.

Cách thức truy vết F1, F2

F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 m với người mắc Covid-19 trong khoảng 3 ngày trước khi khởi phát bệnh đến khi được cách ly y tế. Ngày khởi phát của ca bệnh được tính là thời điểm có triệu chứng bất thường đầu tiên về sức khỏe bệnh nhân cảm nhận được. Với trường hợp người lành mang trùng (người không có triệu chứng), ngày khởi phát là thời điểm lấy mẫu bệnh phẩm có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

F2 là người tiếp xúc gần trong vòng 2 m với F1 trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với ca bệnh đến khi F1 được cách ly y tế.

Quận 6, TP.HCM, đang cách ly tập trung sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 mới. Ảnh: Chí Hùng.

Để truy tìm những F1, các cơ quan tiến hành theo 5 bước:

Bước 1: Xác định các “mốc dịch tễ"

Bước 2: Thông báo các “mốc dịch tễ" cho bộ phận điều phối truy vết (bộ phận điều phối)

Bước 3: Triển khai truy vết F1

Bước 4: Rà soát và hoàn thiện danh sách F1

Bước 5: Tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm

Các mốc dịch tễ thường gặp như đám cưới, tang, giỗ, sinh nhật, tân gia; liên hoan ăn uống đông người; siêu thị, chợ, rạp chiếu phim; quán bar, vũ trường; chùa, đền thờ; trường học, bệnh viện, nơi làm việc; xe buýt, taxi, xe khách…

Sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1, việc tiến truy vết F2 theo các cách:

- Phát Biểu mẫu tự cung cấp thông tin về F2 cho F1 tự khai báo

- Cơ sở cách ly tập trung, chính quyền địa phương và y tế cơ sở tiếp tục điều tra truy vết F2 tại cộng đồng cũng như khai thác F2 từ F1 tại cơ sở cách ly tập trung

- Chuyển danh sách F2 truy vết được cho địa phương để tổ chức cách ly y tế tại nhà theo quy định.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-viet-nam-tim-f1-f2-cua-benh-nhan-covid-19-post1159673.html