Cách tính tiền lương một tiết dạy thêm

Ông Hà Mạnh Tuyên là giáo viên THCS hạng III, hệ số lương 3,96. Năm học 2020-2021, từ tuần 1 đến tuần 6, ông được phân công dạy 18 tiết/tuần. Từ tuần thứ 7 trở đi, do có cô giáo nghỉ thai sản nên ông được phân công dạy 23 tiết/tuần.

Ngày 27/1/2021, ông Tuyên nhận được tiền dạy thêm giờ là 1.293.000 đồng do kế toán chỉ tính theo công thức chung là 43.000 đồng/tiết dạy vượt giờ. Ông Tuyên hỏi, cách tính và số tiền trả cho ông có đúng quy định hay không?

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

Tiền lương 01 giờ dạy = (Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học : Định mức giờ dạy/năm) x (Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ) : 52 tuần)

Theo đó, tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học là tổng tiền lương các tháng theo biên chế năm học từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 của năm liền kề bao gồm: Mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Tiền lương một tháng được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC sau khi đã trừ các khoản đóng góp BHXH, BHYT và BHTN của nhà giáo theo quy định.

Chẳng hạn: Giáo viên A đang giảng dạy ở trường THCS có hệ số lương 3,96 thì tiền lương 1 giờ dạy thêm sẽ được tính như sau: (3,96 x 1.490.000 x 12 x 1.5 x 37)/(19 x 42 x52) = 94.700 đồng (số tiền này chưa trừ các khoản phải đóng góp theo quy định), nếu vượt định mức giờ dạy/năm bao nhiêu tiết sẽ nhân với số tiền 1 tiết để thanh toán tiền lương dạy thêm giờ.

Với cách tính như trên, ông Hà Mạnh Tuyên cần trao đổi cụ thể với hiệu trưởng và kế toán để được làm rõ.

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/cach-tinh-tien-luong-mot-tiet-day-them-2918407.html