Cách tính thời gian làm việc để chia quỹ khi cổ phần hóa

Việc xác định thời gian làm việc của người lao động, người quản lý, kiểm soát viên để tính chia Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi chỉ tính từ thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng quy định tại Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH.

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Minh (Công ty Vận tải biển Đà Nẵng), việc xác định thời gian làm việc của người lao động để phân chia số dư Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi đang có sự khác biệt giữa Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH.

Điều 19 Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định việc chi căn cứ số tháng công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa; với Quỹ khen thưởng thì phần còn lại chia cho người lao động đang làm việc ở doanh nghiệp theo số tháng công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa; với Quỹ phúc lợi thì phần còn lại chia cho người lao động, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên đang làm việc ở doanh nghiệp theo số tháng công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa. Nghĩa là bao gồm tổng thời gian người lao động làm việc tại doanh nghiệp đó (gồm cả thời gian người lao động được tuyển dụng lần đầu vào doanh nghiệp đến khi nghỉ hoặc chuyển doanh nghiệp khác mà sau đó quay trở lại doanh nghiệp cổ phần hóa thì được tính tiếp từ khi trở lại đến khi xác định chia quỹ tại doanh nghiệp cổ phần hóa).

Còn Khoản 3, Điều 4 Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH khi hướng dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP thì lại giới hạn thời gian, chỉ quy định tính từ thời điểm tuyển dụng lần cuối vào doanh nghiệp cổ phần hóa.

Cụ thể, thời gian làm việc để tính chia phần còn lại của số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng của người lao động, Quỹ phúc lợi được xác định như sau:

- Thời gian làm việc để tính chia phần còn lại của số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng của người lao động, Quỹ phúc lợi là tổng thời gian đối tượng được chia đã làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa tính từ thời điểm tuyển dụng lần cuối vào doanh nghiệp cổ phần hóa (đối với người lao động) hoặc từ thời điểm được điều động và bổ nhiệm về làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa (đối với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên đang làm việc tại doanh nghiệp) đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

- Thời gian làm việc để tính chia phần còn lại của số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng của người lao động, Quỹ phúc lợi bao gồm cả thời gian mà đối tượng được chia đã làm việc tại doanh nghiệp trước khi sáp nhập, hợp nhất với doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc chia, tách thành doanh nghiệp cổ phần hóa (nếu có).

Bà Minh hỏi, với quy định của Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH thì người lao động đang bị giới hạn thời gian khi xác định thời gian công tác để chia số dư Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi có đúng không? Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH có đang hạn chế thời gian công tác so với quy định của Nghị định 126/2017/NĐ-CP không?

Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH cũng khác với quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Thông tư 33/2012/TT-BLĐTBXH. Quy định trước đây cũng xác định là tổng thời gian công tác (theo số năm công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa) chứ không phải chỉ xác định từ lần tuyển dụng cuối cùng như quy định tại Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH.

Như vậy, khi áp dụng Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH thì thời gian làm việc của người lao động bị giới hạn hơn so với Thông tư 33/2012/TT-BLĐTBXH và Nghị định 59/2011/NĐ-CP nếu trong trường hợp người lao động có thời gian công tác cách quãng và không làm việc liên tục tại doanh nghiệp cổ phần hóa có đúng không?

Về vấn đề này, Cục Quan hệ Lao động và Tiền Lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 19 Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thì số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa được sử dụng để bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động (nếu có), chi cho người lao động theo chế độ quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước, phần còn lại chia cho người lao động đang làm việc ở doanh nghiệp theo số tháng công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

Số dư bằng tiền của Quỹ phúc lợi tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa được sử dụng để bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động, người quản lý và kiểm soát viên (nếu có), chi cho người lao động, người quản lý và kiểm soát viên theo chế độ quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước, phần còn lại chia cho người lao động, người quản lý và kiểm soát viên đang làm việc ở doanh nghiệp theo số tháng công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

Theo quy định của pháp luật về lao động, khi người lao động thôi việc ở doanh nghiệp thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên (Điều 47 Bộ luật Lao động).

Trường hợp sau đó người lao động làm việc cho doanh nghiệp khác thì thực hiện theo giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mới.

Việc trích quỹ khi doanh nghiệp có lợi nhuận

Theo quy định tại Điều 31, 32 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp thì lợi nhuận còn lại sau khi chia lãi cho các bên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng kinh tế đã ký kết (nếu có) và bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định được phân phối theo thứ tự:

- Trích quỹ đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (nếu có);

- Trích tối đa 30% vào Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp;

- Trích Quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp;

- Trích Quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên. Quỹ khen thưởng dùng để thưởng cuối năm, thưởng thường kỳ, thưởng đột xuất, thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng cho người lao động trong doanh nghiệp (bao gồm cả người quản lý doanh nghiệp làm việc theo hợp đồng lao động. Quỹ phúc lợi dùng để đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của doanh nghiệp;

- Chi cho các hoạt động phúc lợi của người lao động trong doanh nghiệp;

- Góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng;

- Sử dụng một phần Quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động.

Căn cứ các quy định nêu trên thì Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp tăng do sự cống hiến của người lao động đang làm việc, được trích khi doanh nghiệp có lợi nhuận.

Hàng năm, doanh nghiệp chi Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi cho người lao động, người quản lý, kiểm soát viên theo quy chế của doanh nghiệp. Khi người lao động nghỉ việc, chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp khác thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật và người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Do đó, việc xác định thời gian làm việc của người lao động, người quản lý, kiểm soát viên để tính chia Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi chỉ tính từ thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng quy định tại Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH ngày 1/8/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng lao động và thực hiện chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần là phù hợp với quy định pháp luật.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/cach-tinh-thoi-gian-lam-viec-de-chia-quy-khi-co-phan-hoa/351951.vgp