Cách tính tạm nộp thuế TNDN: Doanh nghiệp có thể bị phạt nặng?

Với quy định 'ngặt nghèo' về cách tính tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12, nếu doanh nghiệp không cẩn thận rất có thể bị phạt nặng.

Quy định mới tại Nghị định 126 khiến các doanh nghiệp lo ngại sẽ bị phạt tiền nộp chậm thuế TNDN. (Ảnh: int)

Quy định mới tại Nghị định 126 khiến các doanh nghiệp lo ngại sẽ bị phạt tiền nộp chậm thuế TNDN. (Ảnh: int)

Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 5/12/2020) hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số

thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp doanh nghiệp (DN) nộp thiếu sẽ phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế thiếu.

Với quy định này, nếu DN nộp thuế thu nhập quý I, II, III thấp nhưng quý IV nộp mức cao, đặc biệt tăng đột biến, khiến tỷ lệ nộp thuế 3 quý đầu năm thấp hơn 75% tổng số thuế TNDN phải nộp, sẽ bị coi là chậm nộp.

Ví dụ, DN có thu nhập trung bình 3 quý đầu năm là 100 tỷ đồng/quý, thuế TNDN tạm nộp 20 tỷ đồng/quý. Tuy nhiên, sang quý IV thu nhập tăng lên 200 tỷ đồng, thuế tạm nộp 40 tỷ đồng. Cộng lại cả năm, thu nhập của DN là 500 tỷ đồng, có số thuế phải nộp là 100 tỷ đồng.

Thế nhưng, trong 3 quý đầu DN này mới chỉ nộp thuế TNDN là 60/100 tỷ đồng, tương ứng 60%, tức thấp hơn quy định 75% với số thuế phải nộp là 75 tỷ đồng. Nếu áp theo quy định trên, DN này phải đóng thêm tiền chậm nộp 679,5 triệu đồng (75 – 60 = 15 tỷ đồng; 15 tỷ đồng x 0,03%/ngày x 151 ngày).

Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này bất lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh theo mùa vụ một số mặt hàng như: bánh kẹo, hàng Tết… Bởi quý IV mới là thời điểm doanh thu tăng mạnh, thậm chí gấp từ 2-4 lần so với 2 quý đầu năm.

Trước đó, các DN đang thực hiện nộp thuế TNDN theohướng quy định tạiNghị định 91/2014/NĐ-CP vàThông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn tạm nộp thuế TNDN hằng quý và kê khai quyết toán theo năm.

Theo đó, với quy định này hằng quý, các DN tạm tính số thuế phải nộp và phải đảm bảo nộp tối thiểu 80% số quyết toán trong năm trước ngày 30/1 năm sau. Như vậy, DN có thể an tâm sản xuất kinh doanh, tăng tốc cuối năm mà vẫn thoải mái nộp thuế theo số tiền tạm tính, chỉ cần rà soát kỹ vào thời điểm trước 30/1 năm sau.

Tuy nhiên, ôngNguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế cho hay, từ khi thực hiện Nghị định 91xảy ra thực trạng nhiều DN không tuân thủ và lợi dụng quy định về tính tiền chậm nộp này, không thực hiện tạm nộp hằng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý IV (thông thường vào ngày 30/1 năm sau) mới nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Từ đó dẫn đến thuế TNDN phát sinh phải nộp trong năm ngân sách trước đó bị chiếm dụng và nộp vào năm ngân sách kế tiếp, gây ảnh hưởng đến cân đối NSNN hằng năm. Đồng thời, không đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế giữa các DN tuân thủ tốt và các DN không tuân thủ.

"Để khắc phục hạn chế trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126quy định về tính tiền chậm nộp đối với thuế TNDN tạm nộp trong năm, kê khai quyết toán cuối năm được sửa đổi tại Điểm b, khoản 6, Điều 8 như trên", ông Huy cho hay.

Đối với ý kiến cho rằng khi thực hiện theo Nghị định 126 sẽ bất lợi cho các DN có kết quả tăng trưởng mạnh vào quý cuối cùng của năm, ông Huy cho rằng: "Khi sản xuất kinh doanh, các DN đều có phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm, hoàn toàn chủ động trong việc xác định/ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm để thực hiện quy định tạm nộp thuế TNDN theo quy định. Còn trường hợp DN có kết quả tăng bất thường về sản xuất kinh doanh trong quý IV mà DN không dự kiến được trước không phải phổ biến", ông Huy nói.

Theo Hoàng Hà/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/phap-luat/cach-tinh-tam-nop-thue-tndn-doanh-nghiep-co-the-bi-phat-nang/20201123094654824