Cách tính phụ cấp thâm niên nhà giáo thế nào?

Tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động đã nhận được một số câu hỏi chính liên quan đến quyền lợi của NLĐ về phụ cấp thâm niên của nhà giáo, các chế độ liên quan đến thai sản. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời từ Cơ quan BHXH TPHCM và Văn phòng TVPL của báo.

Lao động nữ đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi snh con thì được hưởng chế độ thai sản. Ảnh: NAM DƯƠNG

Dạy đủ 5 năm thì được hưởng phụ cấp thâm niên

Bạn đọc có email luongtamxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi đang giảng dạy ở trường tiểu học. Tôi vào trường từ 1.9.2012, đến 1.9.2013 thì được biên chế. Ngày 1.12.2013, tôi nghỉ thai sản. Vậy đến 1.9.2018 tôi có được hưởng phụ cấp thâm niên không?

Cơ quan BHXH TPHCM trả lời: Căn cứ quy định tại điều 2, Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV- BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 do liên bộ Bộ Giáo Dục và Đào Tạo; Bộ Nội Vụ - Bộ Tài chính; Bộ LĐTB&XH ban hành hướng dẫn về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên, mức hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại điều 2, điều 3 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, như sau:

1. Nhà giáo quy định tại điều 1 Thông tư liên tịch này có thời gian giảng dạy, giáo dục được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại khoản 1 điều này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

2. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau: a) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập; b) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập); c) Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có); d) Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề; đ) Thời gian quy định tại các điểm a, b khoản này không bao gồm thời gian quy định tại khoản 3, điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP.

3. Thời gian không tính hưởng phụ cấp bao gồm: Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu; Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về BHXH; Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Như vậy, trường hợp bạn có thời gian giảng dạy từ tháng 9.2012 đến tháng 9.2013 là thời gian tập sự hoặc thời gian hợp đồng lần đầu không tính hưởng phụ cấp thâm niên; thời gian nghỉ thai sản nếu đúng quy định pháp luật BHXH thì đến tháng 9.2018 bạn đủ điều kiện để hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Có được hưởng dưỡng sức sau thai sản khi nghỉ không lương?

Bạn đọc có email xuantnxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Công ty chúng tôi có một chị nghỉ thai sản 6 tháng, đến ngày 1.10.2018 thì bắt đầu đi làm lại. Tuy nhiên, chị báo là do sức khỏe yếu nên làm đơn xin công ty cho nghỉ không hưởng lương 1 tháng từ ngày 1 đến 31.10.2018. Trường hợp này công ty có thể giải quyết cho chị nghỉ dưỡng sức sau thai sản 5 ngày từ ngày 1 đến 4.10.2018 (nếu chị bổ sung thêm 1 đơn xin nghỉ dưỡng sức thời gian này) và nghỉ không hưởng lương từ ngày 4.10 đến 3.11.2018 được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 41 Luật BHXH 2014 quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản như sau:

1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 điều 34 của luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước. Như vậy, điều kiện tiên quyết để được hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản là phải đi làm trở lại sau khi nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản. Do đó, nếu NLĐ không đi làm mà nghỉ không lương ở nhà thì sẽ không đủ điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản.

Chế độ thai sản có gồm phụ cấp khu vực không?

Bạn đọc có email buigiangxxx.vixuyen gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Nghỉ thai sản có được hưởng phụ cấp khu vực không, vì trước ngày 1.1.2007 phụ cấp khu vưc nộp BHXH, còn từ ngày 1.1.2007 tới nay khi luật BHXH ra đời thì phụ cấp khu vực không đóng tính BHXH. Tại thông tư số 11/2005/TTLT/BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT, ngày 5.1.200 Quy định NLĐ ở khu vực nào thì hưởng khu vực đó - có người đã không hiểu đúng văn bản nên truy thu phụ cấp khu vực khi NLĐ nghỉ thai sản.

Cơ quan BHXH TPHCM trả lời: Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn quy định hiện hành quy định tiền lương tháng đóng BHXH không bao gồm phụ cấp khu vực và không thu phụ cấp khu vực. Do mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở tiền lương tháng đóng BHXH nên không có phụ cấp khu vực.

Khởi kiện ra tòa để được bảo đảm quyền lợi

Bạn đọc có email tranvananhatinhxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi hiện đang làm việc cho 1 công ty chăn nuôi đã được hơn 2 năm và đang có bầu 5 tháng, dự kiến sinh là 14.1.2019. Công ty tôi bắt đầu đóng BHXH từ 1.6.2018, nhưng ngày 10.9.2018 mới nộp cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH thông báo cho tôi biết sau khi sinh con, tôi sẽ không được hưởng chế độ thai sản do công ty nộp chậm hồ sơ. Tôi có quyền kiện công ty không?

Cơ quan BHXH TPHCM trả lời: Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp của bạn dự sinh là 14.1.2019, theo quy định trên, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh (từ 1.2018 đến 12.2018) nếu bạn có đóng BHXH đủ 6 tháng thì được hưởng chế độ thai sản. Nếu đơn vị chậm nộp BHXH dẫn đến quyền lợi của bạn bị ảnh hưởng thì bạn có thể khởi kiện ra tòa để được giải quyết.

NAM DƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/tu-van-phap-luat/cach-tinh-phu-cap-tham-nien-nha-giao-the-nao-634184.ldo