Cách tính lương hưu từ 1/1/2018 chưa bình đẳng với lao động nữ

'Lao động nữ nghỉ hưu kể từ năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với nam giới. Theo tôi, cách tính này với lao động nữ chưa bình đẳng', ĐBQH Ngàn Phương Loan nói.

Sáng 9/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận việc thực hiện mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới.

Điều hành buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Bình đẳng giới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.

Để cụ thể hóa chủ trương này, đồng thời thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trước quốc tế, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI đã thông qua luật Bình đẳng giới có hiệu lực từ 1/7/2007. Trong đó, xác định rõ mục tiêu bình đẳng giới là: Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ, thiết lập củng cố quan hệ hợp tác hỗ trợ giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

“Đến nay đã hơn 10 năm thực hiện luật Bình đẳng giới, việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể nhưng đồng thời còn rất nhiều khó khăn và thách thức”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Thảo luận sôi nổi tại hội trường, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, của ủy ban Về các vấn đề xã hội nhưng cũng còn nhiều vấn đề băn khoăn.

ĐBQH Ngàn Phương Loan. (Ảnh: Quochoi.vn).

ĐBQH Ngàn Phương Loan (đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) nêu thực trạng, hiện nay, nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, miền núi, vùng biên giới sang nước ngoài làm thuê bất hợp pháp.

Hệ lụy của vấn đề này là cảnh người phụ nữ sống tha phương, vợ xa chồng, mẹ một nơi, con một chốn; nhiều phụ nữ có thể bị lừa đảo tiền, trở thành nạn nhân trong các vụ buôn bán người, bị cơ quan chức năng nước bạn bắt, giam giữ, phạt tiền và lao động công ích; thậm chí một số trường hợp bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.

Dù biết những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao nhưng nhiều phụ nữ vẫn phải xuất cảnh trái phép và tình trạng này hằng năm giảm không đáng kể bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, có nguyên nhân chủ yếu do cuộc sống còn khó khăn, thu nhập thấp, công việc chưa ổn định. Mặc dù có nhiều lớp tập huấn, nhiều đề án, chính sách quan tâm đến lao động việc làm của phụ nữ nhưng đầu ra cho lao động nữ nông thôn sau học nghề còn nhiều trở ngại.

“Vì vậy để phụ nữ nhất là phụ nữ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới yên tâm ổn định sản xuất thì cần thiết phải có các giải pháp cụ thể và thiết thực, bảo đảm hiệu quả thực chất”, ĐBQH Ngàn Phương Loan nhấn mạnh.

Vị ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng đề cập đến cách tính lương hưu từ 1/1/2018 với lao động nữ. “Do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam giới, dẫn đến số lao động nữ nghỉ hưu kể từ năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với nam giới. Theo tôi, cách tính này với lao động nữ chưa bình đẳng trong tổng thể nguyên tắc chung về thực hiện mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới”, ĐBQH Ngàn Phương Loan nói.

ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh. (Ảnh: Quochoi.vn).

ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) nhấn mạnh: “Có sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018. Điều này thực sự gây thiệt thòi cho lao động nữ. Đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét quyết định nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của lao động nữ, không tạo ra những bức xúc trong xã hội, đảm bảo ổn định tình hình quan hệ lao động vào những tháng cuối năm, tránh việc phản ứng chính sách như đã xảy ra với Điều 60, luật Bảo hiểm xã hội thời gian qua”.

ĐBQH Lê Thị Yến (Phú Thọ) lo ngại khi khoa học và công nghệ y tế phát triển có thể chẩn đoán sớm giới tính thai nhi, can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi một cách dễ dàng. Điều này gây mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở lứa tuổi kết hôn. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra mà không có giải pháp hữu hiệu thì theo dự báo của quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, đến giữa thế kỷ này ở nước ta sẽ dư thừa từ 2,3-4,3 triệu nam giới trong độ tuổi trưởng thành, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Những nghiên cứu tại Ấn Độ, Trung Quốc đã chỉ ra, nam giới đến tuổi kết hôn mà không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ phải tìm cô dâu là người nước ngoài làm gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, gia tăng tỉ lệ mại dâm, hiếp dâm. Đây là những hậu quả có thể phòng tránh được nếu có giải pháp tích cực.

“Cần tuyên truyền sâu rộng, đưa nội dung bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi vào hương ước, quy ước của cộng đồng, xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi”, bà Yến nói.

Các ĐBQH cũng thảo luận và đề cập nhiều nội dung như: Ảnh hưởng của quan niệm cũ đến bất bình đẳng giới, bạo hành phụ nữ, bạo hành nam giới, tỉ lệ nữ làm cán bộ lãnh đạo còn ít, có tỉnh không có ĐBQH là nữ…

ĐBQH Trần Thị Phương Hoa (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng: “Qua hơn 10 năm thực hiện luật Bình đẳng giới đã bộc lộ một số hạn chế và tiến tới cần xem xét sửa luật để thực hiện tốt hơn mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới”.

Dương Thu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/cach-tinh-luong-huu-tu-1-1-2018-chua-binh-dang-voi-lao-dong-nu-a346066.html