Cách tiếp tế bí mật

Từ năm 1963-1968, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được giao nhiệm vụ chỉ huy tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Đêm 29-2-1968, anh chỉ huy tàu mang mật danh 235 tiếp tế vũ khí cho mặt trận tỉnh Khánh Hòa. Khi đến vùng biển Hòn Hèo, địch đưa máy bay, tàu chiến ngăn chặn, Nguyễn Phan Vinh mưu trí chỉ huy tàu lách qua đội hình địch, xả khói mù, tăng tốc độ chạy đến đích an toàn.

Sau khi tàu 235 hoàn thành nhiệm vụ giao hàng quay ra tới vùng biển ở chân đèo Cả (Phú Yên) thì bị địch vây ráp. Chúng sử dụng 5 trực thăng, 8 tàu chiến, một trung đoàn lính thủy đánh bộ ép chặt hòng bắt sống cán bộ, chiến sĩ tàu 235. Với quyết tâm không để tàu rơi vào tay giặc, Nguyễn Phan Vinh đã bình tĩnh chỉ huy cán bộ, chiến sĩ trên tàu sử dụng hỏa lực DKZ nòng dài, súng chống tăng B40 và 3 khẩu súng máy 14,5mm kiên quyết đánh trả địch. Kết quả, hai máy bay HU-1A và hai tàu tuần tiễu của địch bị bắn cháy. Tuy nhiên, do chênh lệch lực lượng giữa ta và địch quá lớn, tàu 235 bị trúng đạn, một số thủy thủ hy sinh. Trước tình thế nguy cấp, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh cho 5 chiến sĩ dùng phao bơi rời tàu, lánh lên đèo Cả. Anh cùng với thợ máy ở lại phá hủy tàu sau đó mới lên bờ giữa vòng vây của địch. Khi lên bờ, anh đã cùng đồng đội chiến đấu diệt 10 tên địch. Do lực lượng quá chênh lệch, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã hy sinh.

Còn 5 chiến sĩ đã vượt vòng vây lên trước được đèo Cả thì đối diện với tình thế khó khăn, vì khu vực này địa thế hiểm trở, lại nằm trong vùng địch tạm chiếm, dân cư thưa thớt, không có lương thực, thực phẩm. Các chiến sĩ phải luồn sâu vào vạt rừng rậm, tìm kiếm rau, củ, quả ăn tạm qua ngày. Cũng may, trong rừng sâu có một số nương bãi của dân trồng ngô, khoai, sắn. Vì vậy, lúc đói quá, các chiến sĩ phải nhờ vào nương của bà con. Một hôm, trên nương xuất hiện một cái am nhỏ, trong đó có cả mâm xôi và con gà. Sau khi quan sát, kiểm tra, thấy an toàn, các anh liền lấy về sử dụng. Đến đêm hôm sau, trở lại, mọi người ngạc nhiên vì lại có mâm cơm khác. Tìm hiểu, các anh mới biết, một má người địa phương là cơ sở cách mạng của ta, đoán biết được có một số chiến sĩ tàu 235 đang trú trên đèo, nên đã nghĩ ra cách tiếp tế “bí mật không lời” như vậy. Khi biết được sự tình, 5 anh em đã gặp má, nhờ má chở che, giúp đỡ. Ba tháng sau, các chiến sĩ tàu 235 đã nhập được vào đường giao liên của Quân khu 5 và trở về Bắc an toàn.

NGUYỄN VĂN TUÂN

(Theo tài liệu của Bảo tàng Quân chủng Hải quân)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/cach-tiep-te-bi-mat-618032