Cách tiếp cận mới trong quản lý báo chí

Trao đổi với Báo Nhân Dân nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2021), Cục trưởng Báo chí NGUYỄN THANH LÂM (bên phải) một lần nữa nhấn mạnh thông điệp của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng: 'Báo chí hiện nay phải đồng hành với sự phát triển của đất nước, phản ánh dòng chảy chính, khơi dậy những nguồn năng lượng tích cực, tạo được sự đồng thuận trong xã hội và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam thịnh vượng và phát triển'.

Không phải chỉ đề ra quy định, rồi xử phạt

- Xin ông cho biết kết quả thực hiện quy hoạch báo chí (QHBC) đến thời điểm này như thế nào? Để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình thực hiện quy hoạch, công tác quản lý báo chí phải được đổi mới ra sao, thưa ông?

- Tiến trình QHBC được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn I từ 2016 - 2020, và giai đoạn II đến hết năm 2025. Tính đến nay, công tác QHBC đã được thực hiện cơ bản đúng tiến độ, và đạt được một số hiệu quả nhất định. Đây có thể nói là đợt tổng kiểm tra "sức khỏe" của các cơ quan báo chí (CQBC) trên nhiều phương diện. Cụm từ QHBC có nhiều nội hàm, mà giai đoạn vừa qua chúng ta mới chỉ làm được bước đầu: Sắp xếp, quy hoạch theo các loại hình báo chí ứng với các cấp độ cơ quan chủ quản, rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện tôn chỉ, mục đích theo giấy phép được cấp. Tới đây, bước hai sẽ phải giải quyết những vấn đề mấu chốt, đóng góp vào sự thành công của việc quy hoạch, sắp xếp báo chí, trong đó nổi lên là vấn đề kinh tế báo.

Muốn thực hiện được tốt QHBC, quản lý báo chí (QLBC) cũng phải đổi mới theo cách tiếp cận, đo đạc, nắm bắt được những số liệu chính xác phản ánh hoạt động của báo chí. Đây là điều kiện bảo đảm cho báo chí đảm đương sứ mệnh phản ánh được dòng chảy chính của xã hội của một đất nước đang trong quá trình đổi mới, phát triển. Công tác QLBC không chỉ tập trung vào từng bài báo hoặc từng giấy phép hoạt động, mà về bản chất là phải định hướng được xu hướng, tham gia điều tiết liều lượng, "nhiệt độ" thông tin trên không gian báo chí, không gian mạng. Phải nắm được dữ liệu lớn (big data), là điều kiện tiên quyết để làm được điều đó.

Một điểm nữa, nếu QLBC chỉ là đề ra quy định, xong rồi xem xét, xử phạt thì điều đó chứng tỏ cơ quan QLBC chưa làm hết trách nhiệm. Theo tôi, cần phải tìm được "chìa khóa" để "mở lối" cho các CQBC phát triển. Thí dụ, về kinh tế báo, về công nghệ, hay câu chuyện chuyển đổi số báo chí như thế nào…, Bộ TT&TT đang là cơ quan dẫn dắt việc này, trong đó có trách nhiệm và phần công việc của Cục Báo chí.

- Sau những phép cộng trừ cơ học, liệu rằng, "sức khỏe" của các CQBC có tốt hơn không, thưa ông?

- Tôi thì không nhìn nhận những việc làm thời gian qua chỉ là những "phép cộng trừ cơ học", vì các cơ quan liên quan đã phải hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, mất nhiều công sức. Tuy nhiên, ta hãy tập trung trả lời câu hỏi này. Nếu nói về "sức khỏe" thì phải nhìn toàn diện ở cả hiện tại và tương lai. Hiện tại đã có một số mối lo và tương lai thì lại càng đáng lo ngại hơn! Thứ nhất, kinh tế báo đang đi xuống, khiến nhiều tòa soạn chật vật để cầm cự nên không đủ lực, và cũng không dám tính đến việc đầu tư cho phát triển và giữ chân được những cây bút giỏi. Lúc này, giữ được người tài, nuôi dưỡng "ngọn lửa nghề" một cách chân chính thật sự khó khăn.

Thứ hai, khi các CQBC bước vào không gian mạng cũng là thời điểm độc giả đã mất dần thói quen phải trả tiền để đọc tin tức trên báo in, thay vào đó là thói quen chỉ cần có điện thoại kết nối mạng là đọc, xem miễn phí lượng thông tin khổng lồ không phân biệt từ báo chí, hay là mạng xã hội (MXH). Như vậy, dần dần các báo mất đi cơ hội giữ chân độc giả trung thành, và mất đi cơ hội "nhận diện" độc giả của mình.

Thứ ba, khi không gian mạng phát triển, thông tin đã được phân phối theo những quy tắc và công nghệ mới, không phụ thuộc vào CQBC nữa, mà lại phụ thuộc vào thuật toán của các nền tảng MXH như Google, Facebook... và như vậy, chúng ta đứng trước nguy cơ mất quyền kiểm soát việc phân phối nội dung. Hậu quả của tình trạng này là doanh thu quảng cáo trên báo chí ngày càng thấp. Nền tảng công nghệ nước ngoài đang chiếm đến 70-80% doanh thu quảng cáo trên mạng. Điều đó đã làm cho CQBC vốn đã khó khăn, lại chồng chất khó khăn.

Tăng chế tài xử lý "báo hóa tạp chí"

- Khi triển khai QHBC, Bộ TT&TT đã tuyên bố sẽ có chế tài kiểm soát việc "báo hóa tạp chí". Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề này vẫn khá nhức nhối, thưa ông?

- Chúng ta phải làm rõ rằng, sự chuyển đổi từ báo sang tạp chí không phải chỉ ngày một, ngày hai (về vấn đề giấy phép), mà sâu xa hơn, đòi hỏi các tòa soạn phải có sự sắp xếp, hoàn thiện lại mô hình tổ chức, phương thức hoạt động... Về góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đã triển khai đo đạc số liệu để rà soát, đánh giá việc thực hiện của tất cả các CQBC (chứ không chỉ các tạp chí) có đúng tôn chỉ, mục đích hay không. Hơn hết, Bộ TT&TT có khả năng và đủ điều kiện để nắm bắt, giám sát, xử lý các cơ quan hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, hoặc không đúng với tính chất là tạp chí...

- Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ TT&TT làm rõ trách nhiệm của CQBC, người đứng đầu CQBC khi để các chuyên trang, ấn phẩm có nhiều vi phạm, sai phạm... Liệu rằng, tăng chế tài có đủ sức chấn chỉnh, thưa ông?

- Về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cơ quan QLBC phải nghiêm túc thực hiện. Cơ quan quản lý có đủ các công cụ để làm rõ trách nhiệm của cơ quan, người quản lý báo chí.

Trong thời gian tới, những vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Thí dụ, quyết định đình bản một CQBC có thể kéo dài thời hạn tới một năm, theo Nghị định 119. Tôi nghĩ rằng, chắc khó có CQBC nào chịu được thời hạn đình bản dài như vậy. Do đó, tôi cũng mong các CQBC "hết sức tránh". Không phải chỉ có Bộ TT&TT mà các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều có thể thi hành xử phạt nếu CQBC vi phạm. Tôi muốn nhấn mạnh thêm: Các mức xử phạt tới đây là rất nặng, "không thể đùa được"!

- Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác quản lý nhà nước cần phải làm gì để thúc đẩy, hỗ trợ các CQBC của Việt Nam tiến hành chuyển đổi số, bắt kịp yêu cầu thời cuộc?

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là một câu chuyện dài, khó có thể nói trong mấy lời vắn tắt. Bản thân chúng tôi ở Cục Báo chí cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở về câu chuyện chuyển đổi số của đất nước, của tất cả các lĩnh vực ngành nghề trong xã hội, trong đó có báo chí, và để bây giờ cũng đã thống nhất được nhận thức rằng, đây là xu thế tất yếu. Báo chí có vai trò dẫn dắt để tạo sự đồng thuận xã hội trong những thay đổi lớn, ở đây là câu chuyện chuyển đổi số. Như vậy các CQBC cũng phải đi đầu trong chuyển đổi số. Tuy nhiên chuyển đổi số trong báo chí không chỉ đơn thuần là đưa nội dung thông tin báo chí lên không gian mạng, mà còn phải tìm được và kiểm soát được các phương thức phân phối nội dung và mô hình kinh doanh (quảng cáo-thu phí) trên không gian mạng.

Thách thức lớn nhất hiện nay là các công ty công nghệ nước ngoài, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang kiểm soát các xu hướng phát tán nội dung và ăn chia quảng cáo, khiến các CQBC nói riêng, hệ sinh thái nội dung số trong nước nói chung lệ thuộc vào họ. Đây là thực trạng cần phải thay đổi và chúng ta cần phải nắm lại quyền kiểm soát. Nhưng như tôi vừa nói, đó là một câu chuyện dài kỳ...

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

LÊ ĐỨC NGHĨA (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/cach-tiep-can-moi-trong-quan-ly-bao-chi-651368/