Cách Thủ tướng Abe Shinzo đảm bảo 'sinh mạng' của nước Nhật trong cục diện khó lường

Bà Céline Pajon, nhà nghiên cứu Nhật Bản của Trung tâm châu Á thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Pháp trả lời phỏng vấn về sức mạnh, ảnh hưởng của Nhật Bản trên trường quốc tế; chính sách đối ngoại của Tokyo đối với các nước lớn, các khu vực trên thế giới dưới thời Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.

Thủ tướng Abe Shinzo thực sự là hiện thân cho sự trở lại đáng chú ý của Nhật Bản trên trường quốc tế. (Nguồn: AP)

Nhờ giữ vững ghế quyền lực kể từ năm 2012 - thời gian nắm quyền dài nhất của một Thủ tướng trong lịch sử Nhật Bản - từ khi lên nắm quyền, ông Abe Shinzo đã tiến hành một chính sách ngoại giao được coi là chủ động và thực dụng. Bà nghĩ sao về điều này?

Thủ tướng Abe Shinzo thực sự là hiện thân cho sự trở lại đáng chú ý của Nhật Bản trên trường quốc tế. Điều này là nhờ thời gian dài ông nắm quyền, nhưng chủ yếu cũng do sự quan tâm của cá nhân ông đối với các vấn đề chiến lược. Ông nhanh chóng trang bị cho Nhật Bản một “chiến lược an ninh quốc gia” thực sự, dựa trên “chủ nghĩa hòa bình tích cực trên thế giới” và một nền ngoại giao chủ động.

Thông qua nhiều chuyến thăm chính thức, cá nhân Abe Shinzo đã góp phần tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản trên trường quốc tế. Ông luôn tỏ ra chủ động để bảo vệ tốt hơn lợi ích của đất nước trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ, đồng thời để bảo vệ tầm nhìn về thế giới và vai trò quốc tế của Nhật Bản. Do đó, Tokyo đã tìm cách thể hiện mình như một trụ cột trung tâm của nền dân chủ tự do và là người đi đầu của hệ thống đa phương được kế thừa từ năm 1945.

Chính Nhật Bản đã góp phần phổ biến thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà giờ đây liên kết nhiều nước dân chủ lớn của châu Á trong một phong trào đối trọng với Trung Quốc và sáng kiến Con đường tơ lụa mới của họ.

Phần lớn chính sách đối ngoại của Nhật Bản nhắm tới mục tiêu trước hết là thúc đẩy một môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho đất nước; tối đa hóa các lựa chọn, chẳng hạn bằng cách tìm kiếm thêm các đối tác, hoặc thậm chí là đàm phán để đi tới một sự xích lại gần tạm thời và có điều kiện với Trung Quốc vì lý do kinh tế.

Phải chăng chính sách đối ngoại của Nhật Bản về cơ bản xoay quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Tokyo đánh mất ảnh hưởng ở châu Á?

Đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc quả thực là một ưu tiên quốc gia, dẫn tới việc tái cấu trúc và tác động đến toàn bộ nền ngoại giao của Nhật Bản, đó là không nói đến chính sách quốc phòng của nước này. Trên thực tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc (và đặc biệt là sự bành trướng trên biển) đặt ra hai rủi ro đối với Nhật Bản: rủi ro trực tiếp đối với an ninh và rủi ro hệ thống.

Từ năm 2012, việc Trung Quốc đã thường xuyên xâm phạm vùng biển và vùng trời xung quanh quần đảo Senkaku, trên biển Hoa Đông mà Bắc Kinh và Đài Bắc tuyên bố chủ quyền từ năm 1970, đặt ra một tình huống đặc biệt khó khăn đối với Nhật Bản. Đáp lại, Nhật Bản đã tăng cường tư thế răn đe quân sự bằng cách tăng khả năng giám sát, can thiệp trên không và trên biển ở phía Tây Nam, hiện đại hóa thiết bị và tăng cường liên minh với Washington.

Rủi ro thứ hai đối với Nhật Bản mang tính hệ thống. Tokyo coi Bắc Kinh như một cường quốc xét lại, không chấp nhận trật tự thế giới tự do sau năm 1945. Dự án Con đường tơ lụa mới là một ví dụ minh họa hoàn hảo về tham vọng này của Trung Quốc. Đối mặt với rủi ro mang tính hệ thống này, Nhật Bản đưa ra một chiến lược đối trọng, bằng cách tăng cường liên minh với Washington, đa dạng hóa các đối tác quốc tế và đề xuất một tầm nhìn thay thế cho châu Á, dựa trên sự bảo vệ các giá trị tự do, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Tuy nhiên, Tokyo thận trọng để không làm tổn hại mối quan hệ thương mại với đối tác kinh tế số một của họ (Trung Quốc).

Liệu việc chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc dự kiến ban đầu vào tháng 4/2020 và cuối cùng đã bị hoãn vô thời hạn vì đại dịch Covid-19 có làm phương hại tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo?

Sự ấm lên của quan hệ hai nước hiện nay, bắt đầu vào năm 2018, chỉ mang tính hoàn cảnh và phần lớn phụ thuộc vào thái độ hòa giải của Bắc Kinh, vốn đang gặp khó khăn dưới áp lực của Mỹ.

Vào tháng 10/2018, tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Abe Shinzo đã tuyên bố một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ hai nước, đặc biệt dựa trên sự hợp tác kinh tế ở các nước thứ ba. Chuyến thăm cấp nhà nước của Tập Cận Bình, ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 4/2020, lẽ ra đã là điểm cao trào của mối quan hệ ấm lên này, với việc thông qua một lộ trình song phương mới cho 10 năm tới.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã trì hoãn chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Dù sao đi nữa, trên thực tế cuộc gặp này cũng không tạo nên một bước ngoặt cơ bản trong mối quan hệ, vẫn còn đó những rào cản quan hệ như những ký ức chiến tranh, tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh chiến lược. Năm 2019 là một năm kỷ lục về sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku. Do đó, Nhật Bản không hề "ngây ngô", và tiếp tục thực hiện một chiến lược răn đe, đối trọng và cam kết có điều kiện với Trung Quốc.

Thủ tướng Abe Shinzo đôi khi được coi là đồng minh tốt nhất của Donald Trump trên trường quốc tế. Điều này có thực sự đúng và là mối quan hệ hai chiều tương xứng?

Quan hệ Nhật-Mỹ là sự bảo đảm "sinh mạng" cho Tokyo. Do đó, điều quan trọng có tính chất sống còn đối với Chính quyền Nhật Bản là phải hòa hợp với ông chủ Nhà Trắng, bất kể đó là ai. Thủ tướng Shinzo Abe đã làm những gì cần phải làm để chiếm cảm tình từ Tổng thống Donald Trump.

Trên mặt trận an ninh, những nỗ lực này nhìn chung đã mang lại kết quả, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định rằng hiệp ước an ninh song phương vẫn là nền tảng của hòa bình ở châu Á, và đã được áp dụng thuận lợi cho vấn đề tranh chấp tại quần đảo Senkaku, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, Tokyo gặp nhiều khó khăn hơn trên lĩnh vực thương mại. Vào mùa Xuân năm 2018, Washington đã áp thuế đối với việc xuất khẩu thép và nhôm, mà không cho Nhật Bản được hưởng cơ chế miễn trừ dành cho các đồng minh của Mỹ. Rốt cuộc, Tokyo miễn cưỡng chấp nhận mở các cuộc đàm phán cho một hiệp định thương mại song phương (văn kiện đầu tiên về nông nghiệp đã được ký kết vào tháng 9/2019).

Trong vấn đề Triều Tiên, Tokyo cũng cảm thấy bất an đối với Washington sau khi Tổng thống Donald Trump quay sang ủng hộ cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng.

Cuối cùng, Tổng thống Mỹ tiếp tục chỉ trích chi phí cho các liên minh của mình và có thể gia tăng áp lực đối với Nhật Bản trong các cuộc tái đàm phán sắp tới đây đòi Tokyo tăng đóng góp tài chính cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc đảo này.

Thu Hiền

(theo areion24.news)

Thu Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cach-thu-tuong-abe-shinzo-dam-bao-sinh-mang-cua-nuoc-nhat-trong-cuc-dien-kho-luong-118609.html