Cách sử dụng truyện kể trong dạy học môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông

Truyện kể là một trong những nguồn tư liệu quan trọng trong dạy học môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông, đặc biệt là đối với các bài dạy đạo đức. Ngoài những tư liệu dạy học cơ bản như thông tin – sự kiện, tình huống điển hình, tranh ảnh, văn thoe, âm nhạc thì truyện kể là một dạng tư liệu có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình dạy học phân môn này

1. Với tư cách là một dạng tư liệu dạy học, truyện kể là một tác phẩm có tính chất văn học, ở đó có cốt truyện, tình tiết có thể được dùng để kể lại nhằm đáp ứng một mục đích nhất định nào đó. Truyện kể gắn bó chặt chẽ với hình thức kể chuyện của phương pháp thuyết trình. Trong quá trình khai thác truyện kể, người giáo viên (GV) dùng lời nói diễn cảm kết hợp với các phương tiện khác (điệu bộ, cử chỉ, đồ dùng trực quan,...) để thuật lại nội dung của truyện nhằm đáp ứng yêu cầu của nội dung bài dạy.

Vai trò và ý nghĩa của truyện kể trong dạy môn Giáo dục công dân (GDCD) trước hết được thể hiện ở chỗ nó tạo ra sự hứng thú và hấp dẫn cho bài học. Sự hấp dẫn ấy đến từ chính nội dung cốt truyện, từ những tình tiết, những mâu thuẫn nảy sinh và cách giải quyết các tình huống qua cách kể của người GV. Bên cạnh đó, đối với các bài dạy đạo đức, truyện kể là một trong những phương thức giáo dục đạo đức luôn mang lại hiệu quả cao.

Thông qua những hình tượng nghệ thuật, truyện kể sẽ tác động vào tình cảm HS, giúp các em chuyển tri thức thành niềm tin và thói quen thực hiện hành vi đạo đức một cách tự nhiên. Vì vậy, truyện kể không chỉ có tác dụng đem lại mỹ cảm nghệ thuật, làm phong phú đời sống tâm hồn mà còn bồi dưỡng thái độ yêu ghét rõ ràng: đối với cái xấu thì lên án, đối với cái tốt thì học tập, bắt chước làm theo.

Ngoài ra, nếu được sử dụng một cách khoa học và nghệ thuật, truyện kể còn góp phần bồi dưỡng và phát triển các năng lực cơ bản, phát huy tính tích cực, sáng tạo của HS trong các bài dạy đạo đức. Bài giảng sẽ tránh được sự đơn điệu, nhàm chán nhờ có sự tham gia của người học trong quá trình tiếp thu nội dung và chiêm nghiệm ý nghĩa từ các câu chuyện.

2. Vấn đề đáng lưu ý nhất trong quá trình sử dụng truyện kểlà GV cần nắm vững cách thức sử dụng chúng trong trong môn GDCD, tức là căn cứ vào mục đích dạy học để chọn lựa cách thức sử dụng cho phù hợp. Nhìn chung, truyện kể thường được dùng theo các cách thức sau:

2.1. Sử dụng truyện kể để dẫn dắt vào nội dung bài học

Trước khi vào nội dung chính của bài học, GV thường dùng lời nói để giới thiệu về nội dung bài học mới để dẫn dắt, tạo tâm thế tiếp nhận bài học và kích thích sự hứng khởi của HS. Sử dụng truyện kể, GV sẽ dẫn dắt HS vào nội dung bài học bằng một câu chuyện đạo đức cụ thể .

Thực chất đây là hình thức GV dùng câu chuyện có nội dung phù hợp với chủ đề bài học để khơi gợi vấn đề sắp được nghiên cứu. Từ nội dung câu chuyện, GV làm rõ chủ đề bài học bằng những câu hỏi có tính định hướng nhằm chuẩn bị tâm thế tiếp nhận bài học mới cho HS.

Ví dụ, để dẫn HS vào bài “Công dân với tính yêu, hôn nhân và gia đình” (bài 12, tiết 2, GDCD 10), GV có thể kể câu chuyện sau:

“Bức tranh tuyệt vời”

Một họa sĩ suốt đời mơ được vẽ một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đến hỏi vị giáo sĩ để biết được điều gì đẹp nhất. Vị giáo sĩ trả lời: "Tôi nghĩ điều đẹp nhất trần gian là niềm tin, vì niềm tin nâng cao giá trị con người".

Họa sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với cô gái và được trả lời: "Tình yêu là điều đẹp nhất trần gian, bởi tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào, mang đến nụ cười cho kẻ khóc than, cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao nếu không có tình yêu".

Họa sĩ gặp một người lính mới trở về từ trận mạc. Người lính trả lời: "Hòa bình là cái đẹp nhất trần gian, ở đâu có hòa bình là ở đó có cái đẹp".

Họa sĩ tự hỏi: "Làm sao tôi có thể vẽ cùng lúc niềm tin, hòa bình và tình yêu ?...".
Khi trở về nhà, ông nhận ra niềm tin trong ánh mắt các con, tình yêu trong cái hôn của người vợ. Chính những điều đó làm tâm hồn ông ngập tràn hạnh phúc và bình an. Và ông đã hiểu thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Người họa sĩ nhanh chóng thực hiện tác phẩm của mình. Sau khi hoàn thành tác phẩm, ông đặt tên cho nó là Gia đình.

Kể xong, GV có thể dẫn dắt: Câu chuyện trên kể về một người họa sĩ trong cuộc đời sáng tác tranh cuối cùng cũng đã nhận ra một chân lý về vai trò của gia đình đối với cuộc sống của mỗi con người. Gia đình là nơi đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, tiếng hát của người mẹ và sức mạnh của người cha.

Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ học những điều hay lẽ phải, niềm tin và lý tưởng sống. Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ; là nơi những món ăn đơn sơ cũng thành mỹ vị; chính nó mang lại niềm tin, tình yêu và hòa bình hạnh phúc. Vậy gia đình là gì? Làm thế nào để có thể xây dựng cho mình một gia đình hạnh phúc? Chúng ta sẽ tìm hiểu điều đó ở bài học hôm nay.

2.2. Sử dụng truyện kể để minh họa nội dung tri thức

Đây là cách thức được GV sử dụng thường xuyên, đặc biệt là khi giảng dạy các đơn vị kiến thức cần nhiều dẫn chứng. GV dùng truyện kể có nội dung phù hợp để làm sáng rõ tri thức của bài. Hay nói cách khác, bên cạnh dùng lý luận để phân tích, lý giải tri thức bài học, GV sử dụng để thực hiện nhiệm vụ này. Ta lấy trường hợp sau đây làm ví dụ:

Khi giảng dạy bài "Công dân với cộng đồng" (bài 13, GDCD 10), sau khi giảng giải ý nghĩa của lối sống hòa nhập, để làm sáng tỏ hơn đơn vị kiến thức này, GV có thể kể câu chuyện sau:

“Hai biển hồ”

Biển Galilê

Biển Galilê

Biển Chết

Người ta bảo ở bên Palextin có hai biển hồ... Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống cũng bị bệnh. Không một ai muốn sống ở gần đó.

Biển hồ thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút khách du lịch nhiều nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng có thể sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây ở đây tốt tươi nhờ nguồn nước này...

Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ, nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát.

Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó mà tràn qua các các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.

Kể xong cây chuyện, GV có thể phân tích, minh họa theo hướng: câu chuyện nói về một hiện tượng thiên nhiên kì thú nhưng ẩn chứa bài học nhân sinh vô cùng sâu sắc, một thông điệu rất ý nghĩa trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình: Trong đời sống xã hội, chúng ta rất cần phải biết sống chan hòa, hòa nhập với mọi người xung quanh để có nhiều niềm vui và hạnh phúc như dòng nước trong xanh của biển hồ Galilê.

2.3. Sử dụng truyện kể để củng cố bài học

Đây là hình thức kể chuyện được dùng sau khi kết thúc bài học. GV kể cho HS nghe câu chuyện có nội dung phù hợp với bài học. Sau đó tạo ra tình huống có vấn đề từ trong truyện kể và yêu cầu HS dựa vào những tư tri thức đã được lĩnh hội để giải quyết tình huống đó.

Chẳng hạn, khi kết thúc bài "Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (Bài 14, GDCD 10), GV có thể kể câu chuyện sau đây:

"Đất quý, đất yêu"

Ngày xưa, có hai người khách du lịch từ châu Âu đến nước Ê-ti-ô-pi-a. Họ đi khắp nơi thăm đường xá, núi đồi, sông ngòi. Vua nước Ê-ti-ô-pi-a mời họ vào cung. Vua chúc mừng họ, mở tiệc chiêu đãi và tặng họ nhiều vật quý. Sau đó, vua sai quan hầu đưa khách xuống tàu.

Lúc hai người khách định bước xuống tàu, quan hầu bảo họ dừng lại, cởi giày ra. Họ cạo sạch đất ở đế giày rồi mới để khách xuống tàu trở về Châu Âu. Hai người khách rất ngạc nhiên, nghĩ mãi về tập quán kỳ lạ của người Ê-ti-ô-pi-a. Họ hỏi: - Tại sao các anh phải làm như vậy?

Kể đến đây, GV bỏ lửng câu chuyện và đặt ra yêu cầu đối với HS: Dựa vào tri thức bài học, các em hãy thử thay người quan hầu trả lời câu hỏi ấy? Vận dụng tri thức đã lĩnh hội, HS có thể sẽ trả lời theo nhiều cách khác nhau. Cuối cùng GV đưa ra câu trả lời của quan hầu:

"Các ông là người ở xa tới, đã nhìn thấy đất nước tươi đẹp này. Nhà vua đã tặng các ông những sản vật quý nhưng đất đai của Ê-ti-ô-pi-a đến với chúng tôi là thiêng liêng cao quý nhất vì nó đã nhuộm thắm máu và nước mặt của bao thế hệ, chúng tôi phải gìn giữ nó. Vì thế chúng tôi không thể để các ông mang đi dù chỉ là một hạt cát nhỏ".

Đây là cách củng cố bài vừa hấp dẫn vừa hiệu quả. Một khi tình huống được tạo ra từ câu chuyện, nó sẽ giúp HS liên tưởng một cách tích cực giữa tri thức bài học với ý nghĩa từ trong câu chuyện. Kết quả của việc giải quyết tình huống từ những truyện kể luôn làm cho tri thức bài học được tiếp thu một cách sâu sắc và nhớ lâu.

Củng cố bài học bằng truyện kể cũng làm cho giờ học kết thúc một cách nhẹ nhàng, gây tâm lý hào hứng đón chờ giờ học tiếp theo.

Trên đây là ba cách thức sử dụng truyện kể cơ bản trong bài dạy đạo đức lớp 10 môn GDCD. Tùy theo mục đích bài giảng, GV linh hoạt vận dụng các cách thức khác nhau. Trong đó, thiết lập mối quan hệ hợp lý giữa nội dung tri thức và nội dung của truyện kể là ưu tiên hàng đầu trong quá trình chọn lựa.

3. Trong hệ thống các tư liệu dạy học môn GDCD, truyện kể một khi được sử dụng đúng lúc, đúng mức, đúng yêu cầu sẽ luôn đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là đối với các bài học đạo đức. Điều này xuất phát từ chính giá trị của bản thân truyện kể trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức và đặc thù tri thức của các bài dạy môn GDCD.

Để khai thác hiệu quả truyện kể, lí luận và thực tiễn cho thấy rằng bên cạnh nguồn truyện kể phải đảm bảo tính thẩm mĩ, giáo dục thì kĩ năng sử dụng truyện kể của người GV gắn liền với năng lực chọn truyện, xác lập phương cách, chất giọng, cử chỉ, ngôn từ, phong cách,... đóng vai trò quyết định đến hiệu quả của viêc sử dụng nguồn tư liệu đặc thù này.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/cach-su-dung-truyen-ke-trong-day-hoc-mon-giao-duc-cong-dan-o-truong-trung-hoc-pho-thong-3957568-c.html