Cách soạn thảo bài giảng điện tử

Nhằm giúp giáo viên có những tiết học sôi động, hấp dẫn, thuận tiện hơn, đồng thời tiết kiệm thời gian cho cả người dạy và người học, bài giảng điện tử ra đời như một xu thế tất yếu của thời đại công nghiệp mới. Loại bài giảng này đáp ứng được nhu cầu của người học từ trực quan, sinh động tới đa dạng trong sự kết hợp với phương pháp truyền thống.

Ths. Trần Thị Dương - Khoa Du lịch - Ngoại ngữ, Trường ĐH Thành Đô - chia sẻ cách soạn thảo một bài giảng điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả bài dạy khi giáo viên sử dụng bài giảng điện tử trong dạy học.

Lựa chọn công cụ soạn bài giảng

Thực tế, giáo viên dùng thiết bị ghi âm, ghi hình có sự giúp đỡ của phần mềm chuyên dùng, như Adobe Presenter, Captivate, Articulate, Camtasia. Mỗi bài giảng thường có âm thanh lời giảng, hình ảnh, video, được sắp xếp theo logic giúp người học thu được những kĩ năng, kiến thức nhất định.

Theo Ths. Trần Thị Dương, giáo viên ban đầu có thể soạn bài giảng bằng Powerpoint, sau đó chuyển sang Authoring tools vì nó có chức năng chuyển đổi.

Microsoft Powerpoint được các giáo viên sử dụng nhiều nhất vì tính phổ biến, nhiều tính năng, dễ dùng và khả năng tùy biến cao của nó. Trong khi Adobe Presenter cũng đang được nhiều người quan tâm vì nó có khả năng tương tác cao với người học.

ThS Trần Thị Dương cho rằng, với bài giảng điện tử, người học tự định thời gian học và nơi ngồi học, chỉ cần có kết nối Internet bằng máy tính hay bằng điện thoại thông minh. Giáo viên có thể chủ động tự ghi hình bài giảng mọi lúc mọi nơi với máy tính cá nhân hoặc nhờ sự hỗ trợ của máy quay phim và nhân viên kỹ thuật để chất lượng video tốt hơn, hoặc ghi hình tại chính lớp học của mình.

Sau đó, các video bài giảng được biên soạn, cắt gọn hoặc thêm vào cho phù hợp với dung lượng bài học và cuối cùng được tải lên mạng.

Loại bài giảng này ngày càng phổ biến; nhờ tốc độ truyền tải qua mạng Internet tăng lên nhanh. Các khóa học có thể cung cấp trọn gói bằng tập hợp các bài giảng loại này và được gọi là khóa học trực tuyến.

Các trường đại học đang tận dụng hình thức này đối với nhiều môn học, đặc biệt mang nhiều tính lý thuyết để ngoài việc tiếp thu trên lớp, người học có thể xem lại ở nhà để nhớ bài hơn và nhờ tính linh động và được lưu trữ trực tuyến của loại hình bài giảng, chuỗi các bài học sẽ dùng được cho nhiều khóa học viên với số lượng là rất lớn.

Bài giảng điện tử trong dạy học ngoại ngữ

ThS Trần Thị Dương cho biết: Hiện trên internet có rất nhiều video bài giảng của các giáo viên, trung tâm Anh ngữ, công ty chuyên về đào tạo tiếng Anh được đăng tải.

Những video được đăng tải miễn phí đó cũng đạt lượng truy cập rất lớn đặc biệt với những giáo viên nổi tiếng. Tuy nhiên hình thức này có ít tương tác và quản lý bởi đối tượng người học rất đa dạng và không cùng trình độ. Mục đích phần lớn của nó là để quảng cáo thương hiệu thông qua chuỗi video bài giảng miễn phí.

Một loại hình bài giảng điện tử nữa đó là các video được đăng tải lên các phần mềm và người học phải có tài khoản mới có thể đăng nhập và xem được nội dung.

Loại bài giảng này được các trường sử dụng nhiều hơn để bảo vệ bản quyền cũng như chương trình đào tạo của mình. Đồng thời, khi đăng nhập để học trực tuyến, sinh viên sẽ được quản lý, có sự tương tác với giáo viên bộ môn để đảm bảo việc sinh viên tham gia đủ thời lượng học cần thiết.

Mỗi nhà trường có thể tự tạo ra chương trình đào tạo trực tuyến riêng của mình thông qua chuỗi bài giảng điện tử hoặc mua bản quyền từ các tổ chức giáo dục nước ngoài nhưng chi phí rất đắt đỏ.

Với môn tiếng Anh, sự lựa chọn là rất nhiều. Theo ThS Trần Thị Dương, hiện nay, trên thị trường giáo dục trực tuyến, có thể kể đến chương trình English Discoveries mà đại diện của tổ chức giáo dục Hoa kỳ ETS là IIG Việt Nam đang bán lại cho các trường đại học phần mềm này.

Giáo viên sẽ cần tham gia tập huấn, sử dụng phần mềm và trải nghiệm bài học với cả tài khoản của học sinh và giáo viên.

Chuỗi bài giảng được thiết kế theo từng trình độ, bài bản phù hợp với khả năng tiếp thu của người học. Phần mềm quản lý rất thông minh và chặt chẽ, đơn giản cho người sử dụng và giáo viên có thể linh động thêm, bớt yêu cầu dạy học của mình.

"Vậy tư xây dựng chương trình hay mua phần mềm có sẵn là tùy thuộc vào chiến lược và nhu cầu đào tạo của mỗi nhà trường. Tuy nhiên, cũng thấy một điều rằng bài giảng điện tử sẽ tiếp tục được quan tâm và sử dụng ngày càng nhiều trong tương lai rất gần vì tính thuận tiện, ưu việt của nó" - ThS Trần Thị Dương cho hay.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/cach-soan-thao-bai-giang-dien-tu-3970668-v.html